Nhân lực chất lượng cao- đồng bằng chắp cánh

Cập nhật, 11:35, Thứ Hai, 08/02/2016 (GMT+7)

Nguồn nhân lực chất lượng cao là nhân tố giữ vai trò then chốt trong việc phát triển kinh tế- xã hội. Trong những năm gần đây, ĐBSCL đã có những bước tiến dần thoát khỏi “vùng trũng” về giáo dục. Các trường ĐH, CĐ và tỉnh thành trong khu vực đã và đang phấn đấu hết mình để nhân lực đông về số, mạnh về chất, đưa ĐBSCL chắp cánh xứng với tiềm năng vị thế của vùng.

Đào tạo những ngành nghề đáp ứng nhu cầu xã hội, sinh viên dễ kiếm việc làm.
Đào tạo những ngành nghề đáp ứng nhu cầu xã hội, sinh viên dễ kiếm việc làm.

Đầu tư cho nguồn nhân lực

Theo ông Võ Trọng Hữu- Ủy viên chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Văn hóa xã hội, BCĐ Tây Nam Bộ: Thời gian qua, giáo dục- đào tạo ở vùng ĐBSCL có nhiều khởi sắc, tỷ lệ sinh viên trên 10.000 (vạn) dân tăng đều qua các năm, cơ sở vật chất, số trường và đội ngũ giảng viên ở các cấp học đều tăng.

Toàn ĐBSCL có 42 trường ĐH, CĐ, bình quân khoảng 1,2 triệu dân có 1 trường CĐ, ĐH. Năm 2015, tỷ lệ sinh viên trên vạn dân của vùng đạt 175/ vạn dân. Quy mô đào tạo hàng năm ở các cấp CĐ, ĐH, sau ĐH khoảng 130.000 sinh viên hệ chính quy.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long mới lên ĐH 2 năm nay (năm 2013) và hiện đang tập trung đào tạo giảng viên chất lượng cao. TS. Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng cho biết: Hiện trường có 36 cán bộ giảng viên đang là nghiên cứu sinh, cuối năm 2015, trường sẽ tiếp tục đưa 17 giảng viên sang Pháp học. Ông Cao Hùng Phi cho rằng: “Đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ, giảng viên và xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị hiện đại là 2 nhiệm vụ trọng tâm của trường để nâng cao chất lượng sinh viên ra trường”.

Không chỉ riêng trường ĐH, CĐ mà các địa phương cũng quan tâm đến đào tạo nhân lực. UBND tỉnh Long An đã đề ra chỉ tiêu đến năm 2020 đào tạo ĐH cho 600- 700 cán bộ cấp xã; đào tạo 400- 500 sinh viên ĐH làm dự nguồn. ThS. Mai Văn Nhiều- Giám đốc Sở Khoa học- Công nghệ tỉnh Long An cho biết: Người đi học được hưởng chế độ đầy đủ như chi phí học tập, hỗ trợ 1 lần khi tốt nghiệp chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, cao học (40 lần lương tối thiểu chung), nghiên cứu sinh (80 lần lương tối thiểu chung) và có ưu tiên cho nữ.

Ở vai trò là một trường ĐH đào tạo nhiều nhân lực chất lượng cao cho ĐBSCL, GS.TS. Nguyễn Đông Phong- Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng: Để phát huy thế mạnh vai trò quan trọng của vùng ĐBSCL, cần triển khai nhiều giải pháp, trong đó giải pháp về nguồn nhân lực chất lượng cao cần được ưu tiên hàng đầu để phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế- xã hội của vùng.

Đào tạo gắn với nhu cầu xã hội

Đào tạo nguồn nhân lực là một trong những chương trình mục tiêu của tỉnh Vĩnh Long trong nhiều năm qua. Ông Nguyễn Văn Quang- Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhiều lần nhắc nhở các trường ĐH, CĐ trên địa bàn phải “luôn đề cao chất lượng đội ngũ để đào tạo ra nguồn nhân lực thật sự có chất lượng”. Theo ông, “hiện chúng ta đang chạy sau sự phát triển của xã hội”.

Học đi đôi với hành.
Học đi đôi với hành.

Nghĩa là, sinh viên tiếp xúc với những chương trình, thực hành những máy móc đã lỗi thời. Khi các em ra trường thì đã trễ so với sự phát triển của xã hội. Ông Nguyễn Văn Quang nhấn mạnh: “Trong đào tạo nguồn nhân lực, muốn phát triển phải đón đầu được nhu cầu xã hội”.

Thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương, các trường đưa ra nhiều giải pháp để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo hướng nâng cao năng lực người học. TS. Cao Hùng Phi cho biết: “Chúng tôi lựa chọn những ngành nghề theo nhu cầu xã hội; xây dựng lại chương trình đào tạo theo hướng tăng thực hành, thí nghiệm; xây dựng đội ngũ nhà giáo vững mạnh toàn diện; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và đầu tư cơ sở vật chất”.

Để hội nhập quốc tế, năm học 2015, Trường ĐH Cần Thơ đào tạo 2 ngành trình độ ĐH theo chương trình tiên tiến. Theo đó, ngành công nghệ sinh học khóa 10 dựa theo chương trình của Trường ĐH Michigan State (Hoa Kỳ) và ngành nuôi trồng thủy sản khóa 8, dựa theo chương trình của ĐH Auburn (Alabama- Hoa Kỳ). Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long cũng tập trung đào tạo các kỹ năng mềm cho sinh viên: xây dựng các phần mềm mô phỏng của kế toán, đối thoại với doanh nghiệp, sinh viên tập làm kinh doanh.

ĐBSCL còn thiếu nhiều bác sĩ.
ĐBSCL còn thiếu nhiều bác sĩ.

Song song với đào tạo, Trường ĐH Cửu Long hướng tới việc dạy và nâng cao chất lượng môn Tiếng Anh trong sinh viên. ThS. Nguyễn Cao Đạt- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long cho biết: “Tiếng Anh là yếu tố quan trọng để hội nhập và phát triển. Nhiều doanh nghiệp cũng khen trình độ Anh văn của sinh viên trường”. Bạn Nguyễn Thị Cẩm Nhung- cựu sinh viên Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ cho rằng: “Tôi thấy sinh viên hiện nay rất yếu về ngoại ngữ. Trong khi đó, mỗi trường còn đào tạo một kiểu và chất lượng cũng khác nhau, rồi giá trị bằng cấp cũng khác”.

Là trung tâm của khu vực ĐBSCL, TP Cần Thơ luôn quan tâm đến việc đào tạo nhân lực. Ông Nguyễn Thanh Dũng- Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Định hướng mục tiêu phát triển nguồn nhân lực của TP Cần Thơ trong thời gian tới phải gắn với phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ cao đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức khu vực hành chính công, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia. Bên cạnh đó, cần phát triển kỹ năng mềm cho nguồn nhân lực.

Con người là yếu tố quan trọng nhất cho mọi sự phát triển; do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực luôn được đưa lên hàng đầu. Muốn ĐBSCL phát triển xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng, cần lắm nguồn nhân lực vừa đông, vừa mạnh, vừa gắn với nhu cầu phát triển và hội nhập.

Ông Võ Trọng Hữu- Ủy viên chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Văn hóa xã hội, BCĐ Tây Nam Bộ

Chính quyền địa phương cần nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực; hợp tác trong nước và quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo.

BÀI, ẢNH: CAO HUYỀN