Tự tin chọn nghề nghiệp tương lai

Cập nhật, 10:03, Thứ Tư, 04/02/2015 (GMT+7)


Học sinh cần bình tĩnh trước “rừng thông tin” tuyển sinh.

Năm 2015, thời gian dường như chạy nhanh hơn đối với những thí sinh thi vào đại học, cao đẳng. Bởi vì, các em phải chọn môn thi cho khối ngành vào tháng 3/2015. Dù vậy, học sinh (HS) cũng phải cẩn trọng để chọn ngành nghề phù hợp.

Khởi động mùa tư vấn

Ngay từ đầu năm 2015, các trường đã bắt tay vào kế hoạch tư vấn tuyển sinh và tại các trường phổ thông, các em còn được tư vấn sớm hơn nữa. Tuy nhiên, theo các thầy cô thì hầu hết HS vẫn còn băn khoăn, lo lắng khi chọn ngành.

Trường THPT Trà Ôn đã triển khai tư vấn cho HS ngay từ đầu lớp 12. Thầy Hiệu trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết: Phần tư vấn tuyển sinh trước hết được chúng tôi lồng ghép vào các giờ sinh hoạt chủ nhiệm, sinh hoạt dưới cờ,… Song song đó, có nhiều trường đã chủ động tìm đến trường để tư vấn cho các em.

Thầy Hiệu trưởng Đặng Hoàng Dũng- Trường THPT Vĩnh Long cho biết: Trường đã chủ động cho HS đăng ký môn thi. Trong các buổi sinh hoạt chủ nhiệm, sinh hoạt dưới cờ giáo viên cũng xen vào tư vấn cho các em.


Ngoài ra, trường còn tổ chức cho HS đi đến các trường đại học, cao đẳng để tham quan và tìm hiểu. Ở Trường THPT Nguyễn Hiếu Tự (Vũng Liêm), HS vừa được tư vấn tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, vừa được các trường khác ở TP Hồ Chí Minh đến tư vấn hướng nghiệp.

Bên cạnh đó, giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm lớp 12 ở các trường không ngừng cập nhật những thông tin, đổi mới để kịp thời tư vấn cho các em.

Báo Tuổi trẻ cũng đã khởi động công tác tư vấn tuyển sinh tại các tỉnh- thành trong cả nước. Riêng các trường phổ thông trong tỉnh Vĩnh Long nếu có nhu cầu có thể liên hệ để được Liên chi hội Sinh viên Vĩnh Long các trường: ĐH Cần Thơ, ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, ĐH Tự nhiên,… về trường trực tiếp hỗ trợ.

Ngoài các hoạt động tư vấn chung, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long sẽ tổ chức cho HS phổ thông đến tham quan tận trường. Tại đây, HS không chỉ được giải đáp thắc mắc mà còn được tham quan các thiết bị phục vụ giảng dạy và việc học tập tại trường.

Chủ động, biết người biết ta

Có thể rút kinh nghiệm qua các mùa tư vấn tuyển sinh rằng, HS không nên đi quá nhiều, nghe quá nhiều mà không có chọn lọc. Nhiều HS vì vậy mà càng rối hơn khi chọn ngành.

Thầy Bùi Chí Hiếu- nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, chuyên tư vấn mùa thi cho HS nói: Ở hầu hết các buổi tư vấn đều có em hỏi học ngành gì dễ có việc làm? Thật ra, không có ngành nào đảm bảo trăm phần trăm có việc làm cả”.


Thầy nói thêm: “Các em nên xem lại khả năng, hoàn cảnh gia đình và sở thích của mình mà chọn ngành phù hợp. Vì đó là nghề là nghiệp các em theo đuổi suốt đời, phải yêu thích mới làm nổi”.

Sinh viên Hà Xuân Thanh- ngành kiến trúc Trường ĐH Xây dựng Miền Tây cho rằng: Mỗi khi chọn ngành, các bạn HS nên cân nhắc kỹ lưỡng đừng vì rớt mà chọn đại khái một ngành nguyện vọng 2 để thi. Bởi, khi chọn ngành không đúng khả năng có khi chúng ta phải bỏ cuộc giữa đường hoặc không làm việc được sau khi ra trường.


Trước đây, khi chọn thi ngành kiến trúc, năm đầu Xuân Thanh đã không đủ điểm đậu. Tuy nhiên, Thanh không xét nguyện vọng 2 mà tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình. Thanh nói: “Tôi vẫn tin vào sự lựa chọn của mình, thà mất một năm cho kỳ thi khác chứ không muốn cả đời phải hối hận”.

Xuân Thanh cũng muốn nhắc các bạn HS muốn chọn thi ngành kiến trúc thì phải học vẽ ít nhất 3 năm trước đó. Hoạ sĩ Tín Đức (Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Vĩnh Long) nói: “HS nào có khiếu vẽ thì ôn thi vẽ cho ngành kiến trúc khoảng 3 năm, có em còn học vẽ lâu hơn nữa mới có khả năng đậu”.
 
Sinh viên Nguyễn Việt An- Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long nói: “Mọi người thường rất lo khi thấy mình chọn ngành kinh tế- đang bị thừa nhân lực và khuyên mình chọn ngành khác nhưng đó là ngành mình yêu thích và cảm thấy có thể làm tốt nên nhất quyết theo đuổi”.

HS Phạm Minh Phước- lớp 12 Toán 1 Trường THPT Phạm Hùng (Long Hồ) chọn thi 5 môn: Toán, Ngữ văn, Anh văn, Vật lý và Hóa học cũng đang lo lắng cho kỳ thi sắp đến. Tuy nhiên, Hùng cho biết mình định thi vào Trường Đại học Xây dựng Miền Tây ngành xây dựng. “Sau khi tìm hiểu qua sách báo và thầy cô, em quyết định chọn ngành này và sẽ quyết tâm thi đậu”.

Tránh loạn thông tin

TS. Lê Thị Thanh Mai- Trưởng Ban công tác Sinh viên ĐH Quốc Gia TP Hồ Chí Minh nói: HS phải biết chọn lọc thông tin thích hợp khi tham gia tư vấn. Thực tế, nhiều HS chưa tự tin, chưa hiểu rõ mình nên “ai phát tờ rơi nào cũng nhận, đem nhiều về nhà rồi bối rối không biết chọn trường nào”. Giữa một biển thông tin, phụ huynh HS cần thận trọng, sáng suốt trong lựa chọn ngành, trường phù hợp.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN