Nâng cao hiệu quả giáo dục ở ĐBSCL

Cập nhật, 06:45, Thứ Năm, 22/01/2015 (GMT+7)

Hội nghị giao ban trực tuyến giữa các Sở GD- ĐT khu vực ĐBSCL (Vùng 6- trừ TP Cần Thơ) với Bộ GD- ĐT vừa được tổ chức. Tình hình triển khai các nhiệm vụ năm học được thực hiện đạt nhiều kết quả. Song, vẫn còn nhiều khó khăn cần có giải pháp để Vùng 6 tiếp tục nâng cao hiệu quả giáo dục (GD)…


Ngành GD Vùng 6 đã đạt nhiều kết quả trong thực hiện nhiệm vụ công tác năm học 2014- 2015. Trong ảnh: Mô hình trường học mới VNEN.

Song song giữa kết quả và khó khăn

Theo nhận định, Vùng 6 luôn nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của Bộ GD- ĐT, BCĐ Tây Nam Bộ và chính quyền địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để sự nghiệp GD- ĐT của vùng phát triển.

Trong khi đó, trình độ cán bộ quản lý, giáo viên không ngừng nâng cao, đáp ứng nhu cầu giảng dạy, thi đua và thực hiện nhiệm vụ đổi mới GD. Công tác GD ngày càng có sự quan tâm, chia sẻ từ xã hội. Đặc biệt, tùy vào từng điều kiện, khả năng mà các sở GD-ĐT có những giải pháp cụ thể để thực hiện nhiệm vụ.

Tất cả 18 chỉ tiêu thi đua đều được các sở GD- ĐT triển khai sâu sắc. Ở các chỉ tiêu như: GD mầm non, tiểu học, trung học, GD thường xuyên, GD chuyên nghiệp, GD dân tộc, công tác học sinh- sinh viên, y tế, quốc phòng- an ninh, thanh tra,… có nhiều tỉnh hoàn thành xuất sắc.

Trong đó An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long luôn trong tốp dẫn đầu. Về huy động học sinh đến trường, năm học 2014- 2015, Vùng 6 huy động trên 3,2 triệu học sinh, tăng hơn 32.000 học sinh so với năm học trước. Trình độ cán bộ quản lý, giáo viên trên chuẩn của các ngành học, cấp học bình quân chung trên 99%...

Đặc biệt, việc triển khai Nghị quyết số 29/NQ- TW và Chương trình hành động của Bộ GD- ĐT, của tỉnh được thực hiện tốt.

Trong đó, tập trung và chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: triển khai nhân rộng mô hình trường học mới (VNEN); nâng cao chất lượng thông qua mô hình trường THCS bán trú; triển khai tốt các thay đổi của Bộ GD- ĐT trong việc kiểm tra đánh giá đối với học sinh tiểu học,…

Tuy nhiên, Vùng 6 vẫn còn nhiều khó khăn. So với năm học trước, tỷ lệ học sinh bỏ học tăng với trên 25.000 trường hợp. Trong đó, bậc tiểu học tăng 0,02%, THCS tăng 0,32% và THPT tăng 0,2%.

Tình trạng thiếu cơ sở vật chất, giáo viên, cũng ảnh hưởng không nhỏ, đặc biệt là đề án “Phổ cập GD mầm non trẻ 5 tuổi”. Hiện nay, trong 12 tỉnh, chỉ mới có Bến Tre và Tiền Giang đạt chuẩn phổ cập này. Ngoài ra, 15 tỉnh- thành trong cả nước khó có khả năng hoàn thành đề án thì ĐBSCL đã có 8 tỉnh. Đây là vấn đề được lãnh đạo sở GD-ĐT nhiều tỉnh- thành đặt câu hỏi và kiến nghị Bộ GD-ĐT có hướng hỗ trợ…

Ngoài ra, Vùng 6 còn thiếu điều kiện để dạy 2 buổi/ngày; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia của còn thấp; kinh phí đầu tư cơ sở vật chất còn hạn chế; chất lượng GD chưa đồng đều giữa các trường, các địa bàn và các địa phương; tỷ lệ học sinh học lực yếu, kém và lưu ban, bỏ học còn cao;…

Để nâng cao hiệu quả hoạt động

Lãnh đạo nhiều sở GD- ĐT đã có nhiều ý kiến nhằm đáp ứng tình hình thực tế như: Bộ GD- ĐT cần chuyển đến các sở GD- ĐT hướng dẫn chấm thi học sinh từng môn sau mỗi kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; các cuộc thi dành cho giáo viên cần tổ chức thường niên và tạo điều kiện học tập, tham khảo;…

Đối với đề án “Phổ cập GD mầm non trẻ 5 tuổi”, theo lãnh đạo Sở GD- ĐT Tiền Giang, Hậu Giang, An Giang thì nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất còn ít, đề nghị Bộ GD- ĐT đầu tư, hỗ trợ để ĐBSCL được xem là “vùng trũng” GD có điều kiện phát triển.

Mặt khác, cần sớm ban hành đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014- 2015 và lộ trình đến năm 2020, tạo điều kiện để các sở GD- ĐT tham mưu UBND tỉnh để thực hiện…

Trong khi đó, đối với kỳ thi THPT quốc gia, có nhiều ý kiến băn khoăn, kiến nghị để kỳ thi được diễn ra tốt, hiệu quả theo đúng tinh thần của bộ. Cụ thể, lãnh đạo Sở GD- ĐT An Giang kiến nghị xem xét chuyển thí sinh của tỉnh thi ở cụm thi ĐH Đồng Tháp về ĐH An Giang.

Ông Lý Đại Hồng- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long cũng kiến nghị để thí sinh của Vĩnh Long thi tại Vĩnh Long, thay vì thi tại cụm thi ĐH Trà Vinh. Các sở cho rằng, nếu “uyển chuyển” các điểm thi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, phụ huynh.

Đồng thời giảm áp lực cho các địa phương có cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt, đi lại chưa đảm bảo. Hơn nữa, nếu tổ chức ở địa phương, sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội hỗ trợ tốt hơn cho các em trong thời gian thi.

Ngoài ra, các sở cũng đặt câu hỏi được dư luận quan tâm như: cấu trúc đề thi, thang điểm, cơ sở để xét tốt nghiệp THPT, ĐH, CĐ,… Và đề nghị lãnh đạo Bộ GD- ĐT cần có những thông tin pháp lý chính thức, tránh gây hoang mang cho học sinh và phụ huynh.

Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bùi Văn Ga đánh giá cao những nỗ lực của Vùng 6. Qua đó, chất lượng GD phổ thông từng bước được nâng lên; có những giải pháp tích cực nhằm hạn chế tình trạng học sinh bỏ học.

Thứ trưởng cũng giao các cục, vụ chức năng nghiên cứu các kiến nghị, đề xuất Vùng 6. Đồng thời cũng cho biết sẽ có những ưu tiên đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất cho Vùng 6 trong thời gian tới…

 

Trả lời về đầu tư cơ sở vật chất, đại diện Bộ GD- ĐT cũng cho biết thời gian sẽ có một số nguồn vốn đầu tư, nhất là trong đề án “Phổ cập GD mầm non trẻ 5 tuổi” để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương.

Về kỳ thi THPT, đại diện Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD thông tin: Cấu trúc đề thi năm nay sẽ không có nhiều thay đổi so với năm 2014. Đề thi dựa trên nguyên tắc đảm bảo những học sinh trung bình sẽ đậu tốt nghiệp THPT, phân loại được học sinh giỏi với nhóm câu hỏi nâng cao để làm cơ sở xét ĐH, CĐ…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY