Quy định dạy thêm, học thêm- tăng hiệu quả quản lý

Cập nhật, 10:19, Thứ Tư, 26/02/2014 (GMT+7)


Đoàn kiểm tra của Sở GD- ĐT đến làm việc tại một cơ sở luyện thi ở Phường 3
(TP Vĩnh Long).

Hiện Sở GD- ĐT đang triển khai kiểm tra địa điểm, cơ sở vật chất cũng như các hồ sơ liên quan đến việc dạy thêm, học thêm (DTHT) ở các đơn vị đăng ký. Trước mắt, có thể thấy quy định DTHT là động thái tích cực về mặt quản lý DTHT vốn tràn lan,…

Quy nạp để quản lý

Việc Sở GD- ĐT có hướng dẫn thực hiện quy định về DTHT trên địa bàn nói chung sẽ quy nạp về việc DTHT trong và ngoài nhà trường. Theo đó, nếu làm tốt thanh kiểm tra, sẽ dễ dàng quản lý việc DTHT.

Theo Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD- ĐT), hiện nay đã thành lập các đoàn để kiểm tra địa điểm, cơ sở vật chất, các điều kiện theo quy định đối với các cơ sở (cả trong và ngoài trường học).

Qua đó, có thể đánh giá, tham mưu để cấp giấy phép hoạt động nếu đủ điều kiện và ngược lại nếu thiếu các điều kiện cần thiết.
 
Đại diện của Phòng Giáo dục Trung học cho biết, sau khi có quyết định cấp phép, giáo viên có nguyện vọng dạy thêm phải đăng ký với các trung tâm (ngoài trường học như: trung tâm luyện thi, trung tâm giáo dục thường xuyên,…) hoặc trong trường học (các trường THPT, THCS,…). Điều này sẽ giúp cho việc quản lý DTHT được dễ dàng, hạn chế các tiêu cực có thể xảy ra.

Theo hướng dẫn của Sở GD- ĐT, không dạy thêm đối với học sinh (HS) đã được nhà trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày (đối với dạy thêm trong nhà trường); không dạy thêm đối với HS tiểu học (trừ một số trường hợp); các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp, trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm.

Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương đơn vị sự nghiệp công lập, không được tổ chức DTHT ngoài nhà trường nhưng được tham gia DTHT trong nhà trường; không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với HS mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý; phụ đạo HS yếu, kém, bồi giỏi không thu tiền thì không coi là DTHT.

Ngoài ra, còn có các hướng dẫn về nộp đơn xin DTHT sẽ là những điều kiện khách quan để các trung tâm, nhà trường, giáo viên, HS dễ thực hiện, cơ quan quản lý cũng dễ kiểm soát vấn đề này…

Cần thực hiện nghiêm, quản lý chặt

Việc hướng dẫn thực hiện quy định DTHT trên địa bàn trước mắt có thể thấy dễ dàng quản lý, tránh các tiêu cực không đáng có. Song, thật sự không thể phủ nhận việc thực hiện phải thực hiện nghiêm, quản lý chặt ở một số vấn đề.

Trong đó, việc giáo viên dạy thêm không được dạy thêm ngoài trường đối với HS mà giáo viên đó đang dạy chính khóa. Tuy quy định này sẽ hạn chế một số tiêu cực như dạy trước chương trình,… nhưng liệu có quản lý nổi hay không?

Theo một giáo viên ở thị trấn Long Hồ, nếu giáo viên dạy ngoài trường ở một trung tâm (đã có phép hoạt động và giáo viên cũng đã đăng ký với trung tâm đó) thì liệu thủ trưởng hoặc người chịu trách nhiệm trung tâm đó có biết được HS nào là có học hoặc không học chính khóa của giáo viên đã đăng ký?

Tất nhiên sẽ không loại trừ trường hợp HS “khai man” trường học, lớp học trong tờ đăng ký học thêm…

Mặt khác, giáo viên không được tổ chức DTHT ngoài nhà trường (tại nhà riêng,..) nhưng được tham gia DTHT ngoài nhà trường (các trung tâm), thì liệu có đảm bảo HS chính khóa mà giáo viên đang dạy có “theo” thầy cô giáo mình để đến “địa điểm mới”…

Thêm nữa, nhu cầu học thêm hiện nay là rất lớn, chọn giáo viên để học thêm cũng nhiều. Điều này sẽ gây khó khăn cho công tác thanh kiểm tra.

Bên cạnh đó, việc không dạy thêm đối với HS tiểu học, trừ một số trường hợp trong hướng dẫn như: bồi dưỡng về nghệ thuật; thể dục thể thao; rèn luyện kỹ năng sống vẫn có nhiều ý kiến.

Trong đó, có ý kiến cho rằng liệu môn Tiếng Anh và Tin học có được xếp vào các trường hợp trên hay không? Nếu được phép dạy thì dạy như thế nào để đảm bảo không xảy ra tiêu cực.

Ngoài ra, việc giáo viên đã về hưu nếu có điều kiện sẽ mở các trung tâm, sau đó “mời” giáo viên về dạy đúng theo quy định. Giả sử trường hợp này “bùng nổ” thì trong tỉnh sẽ có rất nhiều điểm dạy thêm ngoài trường học. Khi đó, việc quản lý là không dễ dàng…

Trước mắt, có thể thấy quy định về DTHT trên địa bàn sẽ là điều kiện để việc thanh kiểm tra được dễ dàng, tạo lòng tin vào sự giáo dục của xã hội. Tuy nhiên, vẫn có một số khó khăn nhất định khi triển khai. Qua đó, khi thực hiện cần phải nghiêm chỉnh, quản lý chặt chẽ…

Một số ý kiến của giáo viên cho rằng, cần thực hiện sớm để không còn cảm giác “hoang mang” trong việc tổ chức lớp DTHT. Hiện nay, còn nhiều trường hợp dạy thêm tại nhà, mà nếu so sánh với quy định của UBND tỉnh (có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký 13/1/2014, tức ngày 23/1/2014) thì rất khó…

Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN