Đường đến lớp

Cập nhật, 11:14, Thứ Sáu, 26/10/2012 (GMT+7)

Lâu lắm rồi, tôi không có dịp đi bộ. Sau ngày tốt nghiệp ra trường, tôi nhận công tác xa nhà hơn mười cây số, nên phương tiện đi lại phải là xe gắn máy. Và cũng từ ngày đó, tôi không còn tận hưởng được cái thú đi bộ.

Nhà chúng tôi ở quê, thời tiểu học, học ở trường làng vỏn vẹn chỉ có 3 lớp, lại thiếu thốn đủ thứ. Được cái là đứa nào cũng say mê con chữ. Lúc lên phổ thông, chúng tôi đi học tận thị trấn. Mỗi ngày đến lớp, chúng tôi phải đi qua con đường làng trước khi ra quốc lộ để đi tiếp đến trường. Đường làng vào mùa mưa sình lầy, trơn trợt, có đoạn hố to, hố nhỏ đan xen với nhau. Chúng tôi phải tháo dép cặp nách, xắn ống quần cho thật cao để sình khỏi dính quần áo. Lúc ấy vất vả, khó khăn nhưng chúng tôi chưa bao giờ nản lòng khi bước đi trên con đường quê ấy.

Nhớ có lần, do tối hôm trước trời mưa to nên sáng hôm sau đường làng lầy lội, khó đi. Chúng tôi lại tháo dép, xắn ống quần rồi bấm ngón chân cho thật chắc để bước đi. Tôi vừa xách dép, vừa xắn ống quần nên vụng về để chiếc cặp rơi xuống bị sình vấy bẩn. Tôi lo lắng thì An nhìn tôi cười, bạn lấy trong cặp ra một miếng vải cũ đã xỉn màu đưa cho tôi, rồi bảo:

- Lau đi, coi chừng nó dính lên áo.

Tôi chìa tay nhận lấy miếng vải cũ và không khỏi nghĩ thầm bạn mình thật chu đáo. Cũng trên con đường ấy, vào mùa nắng, chúng tôi đã bao lần vừa đi vừa đố bài nhau cho đến khi ra tới đường cái có nhiều xe cộ qua lại.

Có những hôm trời mưa vào giờ tan học, chúng tôi tinh nghịch không thèm trú mưa mà đội mưa đi về. Những hạt mưa quất vào mặt mà chúng tôi không nghe đau chỉ thấy thích thú. Kết quả là khi về tới nhà, đứa nào cũng bị ba mẹ mắng vì sợ chúng tôi đổ bệnh. Đến lúc này, chúng tôi mới thấy mình có lỗi vì vô tình làm ba mẹ phải buồn lòng.

Tất cả chúng tôi bây giờ đã trưởng thành. Đứa theo chồng, đứa lập nghiệp nơi xa, có đứa mãi tha phương cầu thực ở tận miền Đông, còn tôi ở lại quê hương xem quê ngày càng thay da đổi thịt. Vào mỗi dịp lễ, tết chúng tôi về họp mặt và nhắc lại chuyện cuốc bộ đi học ngày xưa. Các con của chúng tôi chưa bao giờ đi bộ đến trường dù con đường làng hôm nào đã được bê tông hóa đẹp mắt. Chúng cũng không còn vui chơi các trò chơi dân gian như nhảy dây, bắn bi hay trốn tìm mà thay vào đó là các trò chơi trên mạng Internet. Mỗi lần trò chuyện với bạn bè, với con về chuyện ngày xưa… chúng tôi không khỏi ray rứt, nhớ thương bao kỷ niệm cũ.

Dù đã đi bao chốn phồn hoa đô hội, đi trên những con đường lung linh ánh sáng… nhưng sẽ không bao giờ chúng tôi quên những con đường quê, con đường đến lớp của tuổi thơ tôi…

NGUYỄN THỊ NGỌC HÀ