CocoHome- "nét vẽ" mới cho du lịch miền Tây

Cập nhật, 16:39, Thứ Ba, 15/10/2019 (GMT+7)

Sử dụng sản phẩm từ dừa không phải là ý tưởng mới, nhưng với 10 năm trời ấp ủ xây dựng điểm du lịch từ nguyên liệu cây dừa và đeo đuổi ròng rã 2 năm trời để chăm chút, hoàn thiện “đứa con tinh thần”, quả là một điều gì đó hơn cả việc kinh doanh, mà đó là tình yêu dành cho sản phẩm du lịch, sự trân trọng đối với hình bóng cây dừa Nam Bộ.

Không gian thơ mộng, sinh thái tỏa mát bóng dừa.
Không gian thơ mộng, sinh thái tỏa mát bóng dừa.

Điểm du lịch CocoHome ở ấp Hòa Quý (xã Hòa Ninh- Long Hồ) của chị Dương Diệu Hiền đã tạo nên “nét vẽ” mới cho du lịch đồng bằng.

Ở Nam Bộ thì có nơi nào mà thiếu vắng hình ảnh bóng dừa, dừa trước sân nhà, dừa de đọt ra mé sông, dừa dọc bờ ao, dừa bao quanh mảnh ruộng, vuông tôm, dừa nối liền nhau bạt ngàn những mảng xanh vườn tược; nhưng chỉ có Bến Tre được mệnh danh xứ dừa là vì có diện tích lớn nhất xứ này. Do đó, người dân nơi đây đã biết tận dụng từ cây dừa tạo nên rất nhiều sản phẩm độc đáo; những căn nhà giả cổ từ gỗ dừa cũng khởi phát từ đây.

Nhưng với người có hơn 20 năm gắn với “nghiệp du lịch”, thì những trăn trở, ấp ủ dành cho một điểm du lịch sử dụng hầu hết sản phẩm từ dừa, chị Dương Diệu Hiền đã dồn vào đó rất nhiều tâm huyết, kinh nghiệm, trải nghiệm của mình, đã tạo nên sự khác biệt lớn cho CocoHome. Đó là điểm nhấn và là cái đáng quý, đã thổi thêm luồng gió mới cho toàn cảnh du lịch miền Tây.

Khách thích thú khi tham quan điểm du lịch CocoHome.
Khách thích thú khi tham quan điểm du lịch CocoHome.

CocoHome có diện tích rộng 4.000m2, với căn nhà 3 chái 2 gian theo lối truyền thống Nam Bộ và toàn bộ hệ thống phòng ngủ, đã được tạo tác từ hơn 4.000 cây dừa lão có tuổi đời từ 80 năm trở lên. Chị Hiền cho biết, cái “nỗi khổ” “khi tìm nhóm thợ chấp nhận xây dựng với những thân dừa lão khi đã đạt đến độ cứng thì đóng đinh lơ mơ chỉ có dội ra hoặc quẹo đinh, cực và tốn công lắm”.

“Ý tưởng dừa” lan tỏa, thổi hồn vào từng góc nhỏ trang trí, vật dụng thể hiện sự vắt óc, dụng công mà tạo nên; một bức vách ghép từ những miếng gáo dừa, tỉ mẫn tựa tác phẩm tranh lập thể; một mảng tường ốp gỗ dừa làm dịu mát không gian trở nên gần gũi, thân thiện môi trường.

Còn cả mong muốn lát “gạch gáo dừa” cho cả nền nhà, nhưng chưa biết độ bền thế nào mà có giá tới 2 triệu đồng/m2, nên chị Hiền đành… “liệu cơm gắp mắm”. Những sản phẩm từ dừa không thể tạo nên độ “sang chảnh” như các thương hiệu nổi tiếng, nhưng cái kỳ công trong quá trình tạo tác đã “đội giá” sản phẩm lên… hết hồn.

Chị Hiền “khoe” cái chậu rửa tay lắp ghép bằng gáo dừa có giá “hữu nghị” cũng trên… 200 USD. Hẳn phải “tha thiết” với cái “ý tưởng dừa” dữ lắm mới có sự đeo đuổi về thời gian và độ chịu chơi về chi phí thế này.

 Chậu rửa tay, rửa mặt từ gáo dừa, có giá “hữu nghị”: 200 USD.
Chậu rửa tay, rửa mặt từ gáo dừa, có giá “hữu nghị”: 200 USD.

10 năm trời ấp ủ rồi 6 năm trước đây xoay xở tiền mua mảnh vườn nhãn 4 công, sau đó phá vườn nhãn khi dịch bệnh chổi rồng, chị Hiền bắt đầu trồng dừa theo quy hoạch trước của mình. Đến khi bắt tay khởi động công trình, thì dừa đã xõa bóng mát rượi và cho trái đầy cây.

Vừa tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm du lịch, vừa cũng là tiết kiệm kinh phí, chị Hiền… tự vẽ quy hoạch, rồi nói ý tưởng cho những nhóm thợ xây dựng từng phần.

Trong gần 2 năm trời, cái cuốn sổ “thiết kế” với đầy hình vẽ chi chít cũng đã nhàu nát. Để rồi cuối tháng 9 vừa qua, bên bờ kinh Cái Muối, cách vàm Bà Vú không xa, một điểm du lịch mới CocoHome đã được ra đời.

Một không gian thơ mộng, vừa gần gũi, chân quê mà vừa đủ tạo nên độ chỉn chu, sang trọng nhất định; góp thêm một “nét vẽ”, thổi thêm luồng gió mới, tạo nên sự đa dạng, sự khác biệt cho sản phẩm du lịch đồng bằng.

Hàng ngày, tại bến tàu du lịch TP Vĩnh Long, có bố trí tàu đưa đón các đoàn khách đến CocoHome tham quan, thưởng thức ẩm thực. Thời gian đi tàu chỉ mất khoảng 15 phút. Giá mỗi phần ăn khoảng từ 100.000- 250.000 đ/phần. Khách lưu trú, hiện có 5 phòng đôi giá 600.000 đ/phòng và 1 phòng 4 người, giá 1.100.000đ.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG