Xây nông thôn mới- cuộc cách mạng đổi mới nông thôn

Cập nhật, 05:42, Thứ Bảy, 27/04/2024 (GMT+7)
Bức tranh nông thôn đang ngày càng tươi mới và trù phú hơn.
Bức tranh nông thôn đang ngày càng tươi mới và trù phú hơn.
 
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, đời sống người dân trong cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng gặp rất nhiều khó khăn do hậu quả của chiến tranh.
 
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã mở ra cuộc cách mạng đổi mới về nông thôn- vùng đất vốn chịu nhiều thiệt thòi về mức độ thụ hưởng và tiếp cận các dịch vụ về văn hóa, y tế, giáo dục... so với thành thị.
 
Giờ đây, những vùng quê đang vươn mình đổi mới từng ngày với chất lượng cuộc sống người dân ngày càng nâng lên, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị đang ngày càng rút ngắn. 
 
Bức tranh nông thôn đổi mới
 
Kết thúc chiến tranh, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân bắt tay vào công cuộc xây dựng và đổi mới quê hương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt được thành tựu khá toàn diện và to lớn. Song, vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đồng đều giữa các vùng. Nông nghiệp và nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội còn yếu kém. Đời sống của người dân nông thôn còn nhiều khó khăn... 
 
Theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, năm 2010 đến nay Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM qua từng giai đoạn. Đây là chương trình tổng thể về phát triển kinh tế- xã hội, chính trị và quốc phòng an ninh, được triển khai trên phạm vi nông thôn toàn quốc. 
 
Qua gần 14 năm xây dựng NTM, diện mạo nhiều vùng quê đã vươn mình đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn nâng lên đáng kể. Đến nay, toàn tỉnh có 75/87 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 35 xã NTM nâng cao, 5 xã NTM kiểu mẫu, TX Bình Minh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, huyện Bình Tân và Tam Bình đạt chuẩn NTM.
 
Trước đây, khi nhắc đến vùng nông thôn, người ta thường nghĩ đến hình ảnh những căn nhà lá lụp xụp cùng những ngọn đèn dầu leo lét về đêm... Đến nay, bước tranh nông thôn của tỉnh đã dần được thay thế bằng những căn nhà tường đạt chuẩn khang trang, điện sinh hoạt, điện thắp sáng đã phủ khắp vùng nông thôn.
 
Ban đêm, không còn cảnh bước ra đường phải đốt đuốc, vì đã có đèn điện sáng trưng, giúp cho việc lưu thông thêm thuận tiện hơn và an toàn hơn. Những chiếc cầu tre, cầu khỉ lắt lẻo, gập ghềnh cùng những con đường đất bùn sình, lầy lội... muốn đi phải xắn quần lội bộ, đã dần được thay thế bằng những chiếc cầu bê tông cốt thép cùng những tuyến đường được đan hóa, nhựa hóa, xe 4 bánh đã có thể về tới tận nhà, việc lưu thông chuyên chở hàng hóa đã trở nên thoải mái, dễ dàng hơn rất nhiều. 
 
Ông Nguyễn Dương Lâm- ở ấp An Thạnh (xã Tân An Thạnh, huyện Bình Tân) nhớ lại, hồi mới giải phóng xã có tuyến đường chính đi qua là QL54. Đây là tuyến đường đá đỏ, gồ ghề, rất khó đi, mùa mưa thì nước ngập lênh láng. Còn phía bên trong là đường đất, đường tạm... Việc đi lại khó khăn, nên mọi người chủ yếu di chuyển bằng đường thủy. Hồi đó, học sinh học cấp 2 thì phải qua xã Tân Lược mới có trường học, còn cấp 3 thì tới xã Tân Quới (nay là TT Tân Quới).
 
Thời đó, trường học thô sơ, tạm bợ và xuống cấp, việc học hành rất khó khăn. Đến nay, đường sá được đầu tư đi lại thuận tiện, nhiều ngôi trường được xây mới, nâng cấp đạt chuẩn, tạo thuận lợi cho học sinh đi học và đường đến trường đã không còn xa như trước nữa. Hiện, thời gian di chuyển tới TT Tân Quới chỉ còn khoảng 20 phút thay vì phải mất 2 tiếng như trước đây.
 
Người dân đồng thuận, đón nhận và vinh danh
 
Những năm đầu mới giải phóng, người dân chủ yếu sống nhờ vào cây lúa và vô tập đoàn. Song, có những lúc vật tư nông nghiệp không đưa về kịp, nên việc sản xuất gặp nhiều khó khăn. Nông nghiệp cũng chưa được cơ giới hóa như bây giờ, chủ yếu là tự sản tự tiêu, “muốn có gạo ăn cũng cực khổ trăm bề”- ông Lâm nhớ lại và cho biết: Bây giờ, chỉ cần “a lô” là có xe giao gạo tới tận nhà. Nhiều nông dân đã chuyển ruộng lên vườn sang trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao và xây dựng mô hình liên kết chuỗi cho sản phẩm nông sản chủ lực (mận An Phước) gắn với kinh tế tuần hoàn và sử dụng công nghệ cao... góp phần giúp người dân nâng thu nhập.
 
Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã Tân An Thạnh đạt 74,8 triệu đồng. Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 1,88%... Đáng chú ý là trong 3 năm liên tục (2021-2023), xã Tân An Thạnh lần lượt về đích NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Đây là xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của huyện Bình Tân và là 1 trong 5 xã NTM kiểu mẫu của tỉnh. 
 
Ông Lê Văn Dư- Phó Chủ tịch UBND xã Tân An Thạnh, cho biết: Những năm qua, BCĐ xã đã tăng cường công tác khuyến nông, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển đồng bộ các mô hình kinh tế có hiệu quả; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, xã có mô hình mận An Phước được chứng nhận OCOP 3 sao… Từ đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. 
 
Bằng nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực và có tính đột phá, xã Đông Thạnh là 1 trong 2 xã của TX Bình Minh đã xuất sắc về đích NTM kiểu mẫu với chất lượng cuộc sống người dân ngày càng nâng cao.
 
Ông Trần Phước Thành- ở ấp Đông Thạnh C (xã Đông Thạnh) bày tỏ phấn khởi và tự hào vì qua thời gian dài dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã cùng sự nhiệt tình đóng góp của Nhân dân, đã đưa chất lượng cuộc sống người dân đang từng bước được đi lên. Điện, đường, trường, trạm... ngày càng khang trang và tân tiến, nhất là giao thông đi lại dễ dàng và thuận tiện.
 
Rác thải được thu gom sạch sẽ, nhiều tuyến đường được chăm chút trồng hoa, cây xanh tạo nên “điểm nhấn” đổi mới cho vùng nông thôn. “Đây được xem là một trong những thành tích lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã trong thời gian qua. Hướng tới, người dân chúng tôi sẽ cùng nhau giữ gìn và phát huy hơn nữa để chung tay cùng địa phương giữ vững xã NTM kiểu mẫu”- ông Trần Phước Thành nói. 
 
Theo BCĐ Chương trình xây dựng NTM tỉnh, năm 2024 tỉnh phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM, 4 xã NTM nâng cao và 2 xã NTM kiểu mẫu.
 
Để thực hiện đạt mục tiêu này, tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện các công trình hạ tầng cơ bản trên địa bàn xã, ấp về giao thông, thủy lợi, điện, trường học, nhà ở dân cư; thực hiện tốt và bền vững nhóm tiêu chí nội lực nông thôn, đặc biệt là các chỉ tiêu về môi trường (thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, sản xuất…) đảm bảo môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; tiếp tục triển khai đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất tập thể, liên kết sản xuất để hỗ trợ thúc đẩy sản xuất hàng hóa; phối hợp thực hiện tốt chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; phát triển làng nghề, góp phần tạo việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn nâng cao thu nhập.
 
Giao thông thuận tiện, nhà cửa khang trang, cuộc sống người dân đã được nâng lên đáng kể.
Giao thông thuận tiện, nhà cửa khang trang, cuộc sống người dân đã được nâng lên đáng kể.
Nhận định “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM không chỉ là xây dựng cầu, đường, trường, trạm mà đây là chương trình đa mục tiêu nhằm xây dựng NTM ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn, đặc biệt là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn”- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Xây dựng NTM là một cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức và mục tiêu, tiến tới nhận thức chung là chúng ta đang làm một cuộc cách mạng, là giải pháp để khắc phục sự xung đột, mâu thuẫn trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn. 
 
“Xây dựng NTM là chương trình mục tiêu quốc gia, niềm tự hào của địa phương, của đất nước. Khi chúng ta tiếp cận bằng tâm thế đó thì chúng ta sẽ đạt được kết quả có chiều sâu và có được sự đồng thuận của người dân, được người dân đón nhận và vinh danh”- ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Diên- Chủ tịch UBND huyện Mang Thít: Với quyết tâm xây dựng huyện Mang Thít ngày càng phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Mang Thít lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu đến năm 2025 huyện có 11/11 xã đạt chuẩn NTM, 3 xã NTM nâng cao và phấn đấu xây huyện đạt chuẩn NTM. Với sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh và bằng sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cùng sự chung sức đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, huyện Mang Thít vững tin sẽ về đích huyện NTM giai đoạn 2024-2025.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI