Chính sách nhân văn- hỗ trợ lao động xuất ngoại làm việc

Kỳ cuối: Phát huy hiệu quả chính sách nhân văn

Cập nhật, 06:36, Thứ Tư, 17/04/2024 (GMT+7)
Hoạt động tuyên truyền chính sách cho vay vốn hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài đang tiếp tục được đẩy mạnh.
Hoạt động tuyên truyền chính sách cho vay vốn hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài đang tiếp tục được đẩy mạnh.
Nghị quyết (NQ) số 18 ngày 11/12/2020 của HĐND tỉnh về chính sách vay vốn hỗ trợ người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025 đã đem lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần kịp thời tháo gỡ, để phát huy hơn nữa hiệu quả của chính sách nhân văn và tiếp tục ban hành chính sách cho giai đoạn tiếp theo. 
 
Tiếp cận hạn chế, chưa thụ hưởng
 
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số NLĐ tham gia đi làm việc ở nước ngoài không đạt kế hoạch đề ra (815/1.700 LĐ), nhu cầu vay vốn của NLĐ không nhiều (chỉ có 16 LĐ).
 
Đến năm 2022, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, các doanh nghiệp (DN) hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đẩy mạnh tuyển dụng, phái cử NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tuy nhiên, số NLĐ tham gia đi làm việc ở nước ngoài vẫn không đạt kế hoạch đề ra (1.426/1.700 LĐ).
 
Song, nhu cầu vay vốn của NLĐ tăng (186 LĐ). Năm 2023, đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát, NLĐ tham gia đi làm việc ở nước ngoài vượt so kế hoạch đề ra (1.706/1.700 LĐ), nhu cầu vay vốn của NLĐ tăng hơn 2,1 lần (396 người) so năm 2022. 
 
Ông Trương Thanh Hà- Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, cho hay: Những năm qua, hoạt động đưa NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tình hình suy giảm kinh tế kéo dài, các DN cắt giảm LĐ, các thị trường LĐ bị hạn chế, nên số NLĐ được vay vốn còn ít. 
 
Bên cạnh, một số DN đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài cung cấp hồ sơ không kịp thời, gửi hồ sơ cận ngày xuất cảnh, gây khó khăn trong việc thẩm định hồ sơ, giải quyết thủ tục, giải ngân cho NLĐ; liệt kê các chi phí chưa phù hợp hoặc hợp đồng ghi chỉ có giá trị để vay vốn...
 
Theo văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của NHCSXH Trung ương là không thực hiện giải ngân bằng tiền mặt (NHCSXH chuyển tiền cho DN tuyển dụng). Tuy nhiên, một số DN không cung cấp số tài khoản cho ngân hàng hay cung cấp không đúng với tài khoản mà DN đăng ký, nên không thể giải ngân, làm ảnh hưởng đến NLĐ vay vốn. 
 
Bà Huỳnh Thị Mỹ Hà- Phó Giám đốc Sở Lao động-TB-XH, cho biết thêm, đến nay vẫn chưa có sự thống nhất giữa các địa phương trong việc cho vay vốn hỗ trợ NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
 
Theo đó, một số hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ, mức vay chưa đảm bảo theo NQ số 18, do hướng dẫn của Phòng Giao dịch NHCSXH thì phải có tài sản thế chấp đối với trường hợp NLĐ có nhu cầu vay trên 100 triệu đồng.
 
Có trường hợp NLĐ là người dân tộc thiểu số, khi đề nghị vay vốn đã xác định sai đối tượng thụ hưởng chính sách theo NQ số 18, do đó khi lập hồ sơ cho vay vốn thì tính theo mức vay của đối tượng khác, nên chỉ cho vay 70% chi phí đi làm việc ở nước ngoài.
 
Bên cạnh, NLĐ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số (thuộc diện ưu tiên trong NQ số 18) tham gia chính sách vay vốn đi LĐ ở nước ngoài theo hợp đồng còn hạn chế, do nhu cầu và số lượng người trong độ tuổi thuộc diện ưu tiên ít, trình độ học và tay nghề chưa đảm bảo. Mặt khác, một bộ phận NLĐ, nhất là NLĐ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chỉ có 1-2 con, không muốn người thân đi làm xa, nên chưa mạnh dạn tham gia.
 
Theo Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh, khi NLĐ tham gia đi LĐ ở nước ngoài theo hợp đồng, ngoài được hưởng chính sách cho vay vốn, còn được hưởng các chính sách hỗ trợ như: chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết; chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài; giải quyết rủi ro khi làm việc ở nước ngoài... Song, qua khảo sát cho thấy một số NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chưa được thụ hưởng.
 

Theo niên giám thống kê năm 2022, dân số của tỉnh Vĩnh Long là 1.028.822 người; lực lượng LĐ từ 15 tuổi trở lên gần 583.000 người; trong đó, LĐ từ 15 tuổi trở lên đang làm việc gần 568.500 người; tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng LĐ trong độ tuổi gần 2,9%; trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị hơn 4,2%; tỷ lệ LĐ qua đào tạo gần 65,9%; tỷ lệ LĐ qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt trên 22,4%.

Phát huy hiệu quả chính sách nhân văn 

 
Cho hay “đến nay về cơ bản đã khắc phục những vướng mắc về thủ tục hành chính và những khó khăn mà NLĐ gặp phải”- bà Phan Thị Mỹ Hạnh- Chủ tịch UBND huyện Long Hồ, cho rằng cần khắc phục triệt để những hạn chế, khó khăn về mẫu biểu. Đối với các thủ tục không cần thiết thì đừng nên phát sinh để không gây khó khăn cho NLĐ, nhất là vấn đề về vay vốn.
 
Thực tế, DN gửi hồ sơ trễ vì sợ “nhận tiền sớm rồi... bể kèo”, do đó phải tính đến mức độ an toàn. Mong rằng, thời gian tới ngành ngân hàng và phòng lao động-TB-XH các huyện sẽ tập trung hỗ trợ cho các gia đình NLĐ, để không có trường hợp nào không thể vay được vì lý do thủ tục hoặc thời gian.
 
NQ số 18 của HĐND tỉnh đã tạo điều kiện cho NLĐ khó khăn được tiếp cận nguồn vốn vay. Hiện, các ngân hàng thương mại vẫn dùng chính sách vay thấu chi. Tức là, trả trước trong bao lâu thì sẽ không tính lãi.
 
“Với chính sách nhân văn của tỉnh, tôi đề xuất vay trong 3-6 tháng, NLĐ có thể hoàn trả được thì cho hưởng mức lãi suất thấp nhất (có thể là 0%). Nếu trả sớm, thì ngân hàng có nguồn xoay vòng cho các đối tượng khác. Tôi mong có sự chung tay góp sức của NHCSXH, xem đây là công tác an sinh, tham gia đồng hành với tỉnh, cũng như người dân khó khăn của địa phương, để làm sao tất cả mọi người đều được khuyến khích vay vốn và được hỗ trợ để có việc làm, nhất là tạo điều kiện về thu nhập”- Chủ tịch UBND huyện Long Hồ đề xuất. 
 
Theo bà Phan Thị Mỹ Hạnh, hiện nay các trường đang phân luồng học sinh và đã nắm được tỷ lệ theo học trường chính quy, bán công hay các trường bên ngoài... Vậy thì, có thể xem xét khuyến khích các em học nghề hoặc là học ngoại ngữ để đi LĐ ở nước ngoài.
 
Thông qua hướng nghiệp, sẽ giới thiệu về chương trình đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc là cho DN xuống truyền thông. Có những học sinh năng lực chỉ ở giới hạn nào đó, thì nên cho học ngoại ngữ rồi đi LĐ là điều kiện tốt nhất, vì qua đó một thời gian thì khi về nước vừa có tiền lại có tay nghề và tính kỷ luật cao. Vì vậy, nên xem xét phân luồng học sinh, do tỷ lệ này tương đối lớn. 
 
Bên cạnh, bộ đội xuất ngũ rất được thị trường Nhật ưa chuộng vì đã được rèn luyện trong môi trường quân ngũ, chỉ cần có một số kiến thức tiếng Nhật thì tham gia thị trường này rất ổn. Vì vậy, khi bộ đội xuất ngũ trở về, có thể làm lễ họp mặt kết hợp cho công ty tới giới thiệu. Ngoài ra, có thể phối kết hợp hỗ trợ NLĐ được đào tạo ngay từ nơi nhận quân. Đến khi ra quân có thể đi LĐ ở nước ngoài. “Đây là cách để tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho NLĐ”- bà Phan Thị Mỹ Hạnh nói. 
 
Cùng với việc kiến nghị “HĐND, UBND tỉnh hàng năm, cân đối ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH nhằm bổ sung nguồn cho vay các đối tượng có nhu cầu vay vốn theo quy định”- ông Trương Thanh Hà còn đề xuất: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Nhà nước về vay vốn đi làm việc ở nước ngoài đến người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở, hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị- xã hội, hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, tình hình sử dụng vốn của người vay. 
 
Nhận định “chính sách cho vay vốn hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đã mang lại hiệu quả rất cao, góp phần lớn trong giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Song, theo giai đoạn sẽ kết thúc vào cuối năm 2025”- bà Huỳnh Thị Mỹ Hà cho rằng: Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, HĐND tỉnh cần tiếp tục quan tâm nghiên cứu, có kế hoạch ban hành chính sách cho vay vốn hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2026-2030.
 
Khẳng định “NQ số 18 của HĐND tỉnh là sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo tỉnh đối với NLĐ, là chính sách nhân văn, tác động và tạo điều kiện cho NLĐ có việc làm, tăng thu nhập. Đây cũng là cơ hội để NLĐ vươn lên khá giàu”- ông Nguyễn Đắc Phương- Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội, HĐND tỉnh, cho biết: Qua 3 năm thực hiện NQ, ngành lao động-TB-XH đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, mặt trận và các đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền đến các đối tượng chịu sự điều chỉnh của NQ. Cùng với đó, các DN trong tỉnh cũng đã tuyên truyền rất sôi nổi, sâu rộng. Đây là thành công rất lớn, giúp cho người dân thấu hiểu rất rõ về chính sách.
 
 
Theo ông Nguyễn Đắc Phương, mặc dù trong 3 năm qua (2021-2023), số lượng NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ đạt khoảng 12% so giai đoạn trước (2016-2020). Hiện, nhu cầu vẫn đang còn khá lớn. Do vậy, cần chú ý, tạo điều kiện để bộ đội xuất ngũ phát huy thế mạnh về sức trẻ, trình độ, năng lực tham gia LĐ ở nước ngoài theo hợp đồng. Cùng với việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, cần định hướng về hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để các em có góc nhìn rộng hơn, hướng tới sau khi kết thúc chương trình học thì có thể tham gia LĐ ở nước ngoài...
 
Hướng tới, các cơ quan chức năng cần phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung vào bộ đội xuất ngũ, hộ nghèo, hộ cận nghèo... vì đây là những đối tượng ưu tiên.
 
“Chính sách này rất mở, từng địa phương cần vận dụng chính sách làm sao cho người dân có được nguồn kinh phí để học nghề và thực hiện nhiệm vụ trước khi tiếp cận nguồn vốn. Song song đó, cần phối hợp với DN để đa dạng hóa thị trường. Theo đó, bên cạnh thị trường châu Á, có thể tiếp cận thị trường châu Âu ở một số nước có tiềm năng lớn như Đức. Đây là câu chuyện mà chúng ta cần xem xét trong thời gian sắp tới”- ông Nguyễn Đắc Phương lưu ý. 
Bà Lê Thị Thúy Kiều- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh
Thời gian tới, cần phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn; tăng cường kiểm tra để hạn chế thấp nhất rủi ro, bảo toàn nguồn vốn vay; nghiên cứu giải ngân nguồn vốn vay qua tài khoản ngân hàng của NLĐ hoặc người thân của NLĐ thay vì giải ngân qua DN như hiện nay. Bên cạnh, đánh giá sát đáng, đúng với thực tế về hiệu quả NQ, làm rõ sự cần thiết để tiếp tục có NQ, chính sách ở giai đoạn tiếp theo.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
 
Các tin khác: