Điểm mới của Luật Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Cập nhật, 05:58, Thứ Ba, 05/04/2022 (GMT+7)

 

Lễ phái cử thực tập sinh qua làm việc tại Nhật Bản.
Lễ phái cử thực tập sinh qua làm việc tại Nhật Bản.

(VLO) Luật Người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 được Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13/11/2020. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Luật gồm 8 chương, 74 điều, quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho NLĐ; Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; chính sách đối với NLĐ; quản lý nhà nước trong lĩnh vực NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Nhiều điểm mới, bổ sung

Luật có một số điểm mới, bao gồm: bổ sung NLĐ giao kết hợp đồng sau khi xuất cảnh vào quy định NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức trực tiếp giao kết hợp đồng lao động và quy định về việc khai báo thông tin trực tuyến; sửa đổi, bổ sung quy định về tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; thống nhất quy định về vốn điều lệ, nâng cao điều kiện đối với ký quỹ, người đại diện theo pháp luật; sửa đổi khái niệm về tiền dịch vụ và các quy định liên quan đến tiền dịch vụ để bảo đảm minh bạch và giảm thiểu chi phí cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bổ sung khái niệm về hợp đồng môi giới là văn bản thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ với tổ chức, cá nhân trung gian về việc giới thiệu bên nước ngoài tiếp nhận lao động Việt Nam để giao kết hợp đồng cung ứng lao động theo quy định của Luật; tiếp tục kế thừa vai trò và sự cần thiết của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý đối với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;...

Ngoài các điểm mới trên, luật cũng bổ sung một số quy định liên quan đến việc ứng dụng công nghệ, số hóa thông tin về lao động di cư trong quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính thông qua phối hợp, liên thông giữa các cơ quan trong quản lý doanh nghiệp.

Các thị trường xuất khẩu lao động phổ biến của NLĐ tỉnh

Từ năm 2016- 2021, tỉnh Vĩnh Long đã đưa 6.372 NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (xuất khẩu lao động- XKLĐ). Các thị trường XKLĐ phổ biến, thu hút nhiều lao động tham gia là Nhật Bản (khoảng 86%), còn lại là thị trường Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc),...

Được đánh giá là một trong những thị trường XKLĐ tốt nhất đối với lao động Việt Nam. Hiện nay nhiều NLĐ quan tâm, ưu tiên lựa chọn đi XKLĐ vì có mức thu nhập cao và ổn định (lương cơ bản bình quân từ trên 20- 27 triệu đồng/tháng, chưa kể thu nhập từ làm việc tăng ca, thêm giờ); văn hóa, môi trường sống và làm việc tại Nhật Bản khá tương đồng với Việt Nam...

 Học viên, sinh viên trường nghề tìm hiểu thông tin về việc làm, xuất khẩu lao động tại một ngày hội việc làm trong tỉnh.
Học viên, sinh viên trường nghề tìm hiểu thông tin về việc làm, xuất khẩu lao động tại một ngày hội việc làm trong tỉnh.

Đối tượng tuyển dụng chủ yếu hiện nay là lao động phổ thông gồm cả lao động có tay nghề, bằng nghề và nhóm kỹ thuật viên dành cho kỹ sư tốt nghiệp tại các trường đại học ở Việt Nam. Ngành nghề tuyển dụng khá đa dạng, gồm các nhóm nghề xây dựng, cơ khí kim loại, may mặc, điện tử, chế biến thực phẩm, điều dưỡng, hộ lý, nông nghiệp,...

Từ năm 2018, Nhật Bản chính thức nới rộng từ 66 lên 77 ngành nghề được phép tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài, việc này đã mở ra thêm cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam.

Là thị trường XKLĐ quan trọng thứ hai đối với lao động Việt Nam, mức lương bình quân của NLĐ làm việc tại Hàn Quốc khoảng 1.000 USD/tháng (sau khi đã trừ đi các khoản chi phí). Mức chi phí đi XKLĐ tại Hàn Quốc tương đối thấp (khoảng 1.200 USD), ngoài ra NLĐ phải đặt cọc chống trốn 100 triệu tại Việt Nam. Ngành nghề tuyển dụng làm việc khi XKLĐ sang đây gồm có xây dựng, sản xuất chế tạo, nông nghiệp, ngư nghiệp.

Ở tỉnh Vĩnh Long, NLĐ có nguyện vọng đi XKLĐ theo Chương trình EPS (lao động phổ thông) có thể liên hệ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long để được tư vấn và làm hồ sơ đăng ký.

Hiện nay, Đài Loan (Trung Quốc) là vùng lãnh thổ có số lao động Việt Nam làm việc đông, vì chi phí đi XKLĐ tại Đài Loan khá phù hợp, (trung bình khoảng 4.000 USD), thu nhập ổn định (khoảng 16- 20 triệu/tháng). Ngành nghề tuyển dụng phổ biến gồm cơ khí, điện tử, chế biến thực phẩm, xây dựng.

Độ tuổi tuyển dụng lao động từ 19- 32 tuổi, tuy nhiên đối với ngành nghề có nhu cầu lao động cao như may, giúp việc nhà,... thì giới hạn độ tuổi có thể được nới rộng ra để tuyển dụng.

Bài, ảnh: MINH THÁI