Lực lượng truy vết- những bước chân thầm lặng phòng chống dịch COVID-19

Cập nhật, 06:05, Thứ Ba, 20/07/2021 (GMT+7)

 

Lực lượng truy vết được trang bị đồ bảo hộ an toàn trước khi làm nhiệm vụ.
Lực lượng truy vết được trang bị đồ bảo hộ an toàn trước khi làm nhiệm vụ.

(VLO) Trong thời gian qua, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng, chính quyền và nhân dân đang trải qua những thời khắc khó khăn để phòng chống dịch COVID-19.

Đợt dịch lần này hết sức phức tạp, diễn biến khó lường, số ca mắc tăng cao, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội và cuộc sống mưu sinh của người dân.

Có thể nói, trong công tác phòng chống đại dịch COVID-19 hiện nay thì việc xác định và khoanh vùng các trường hợp mắc phải SARS-CoV-2 là việc làm hết sức quan trọng, chính vì vậy cần có sự phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan, ban ngành có liên quan đặc biệt là những thành viên trong tổ truy vết COVID-19 phải nêu cao tinh thần trách nhiệm và phát huy tối đa khả năng trong công tác truy vết.

Bất kể ngày hay đêm, trời nắng hay trời mưa, cứ được gọi là chúng tôi lên đường. Mỗi khi xuất hiện thông tin mới, các cơ quan phải thông báo ngay cho tổ truy vết xác minh F1, F2, F3 có liên quan để phòng tránh, đưa người đi cách ly bất kể thời gian nào, đồng thời tham mưu đề xuất cơ quan chức năng dựa trên cơ sở đó để nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch và ra những quyết định kịp thời.

Nhiều lúc, những cán bộ truy vết như chúng tôi cũng nhớ nhà, nhớ người thân, cũng muốn về nhà, muốn nghỉ ngơi một ngày. Nhưng nghĩ lại thì mình cứ cố gắng để dập được dịch COVID-19 càng sớm càng tốt, chuyện cá nhân gác lại.

Bản chất của vấn đề truy vết chính là xác định được nguồn lây nhiễm của các ca bệnh, xác định những người có yếu tố nguy cơ về lây nhiễm dịch COVID-19, để từ đó đưa ra biện pháp cách ly y tế triệt để, nhằm ngăn chặn dịch.

Do đó, những người làm công tác truy vết dịch tễ giữ vai trò cực kỳ quan trọng chặn đứng đường lây lan của dịch bệnh.

Những nội dung trong quá trình truy vết chúng tôi cần tập trung, đó là người bệnh có triệu chứng từ ngày nào, có điều trị hay mua thuốc ở đâu không và lấy mốc lùi lại một tuần để truy vết; ba ngày gần nhất (nguy cơ lây nhiễm cao), họ gặp ai để khoang vùng những người có tiếp xúc gần; 14 ngày qua có tiếp xúc với ai và có thể lây từ ai để tìm nguồn lây.

Có vẻ thật đơn giản khi trả lời những nội dung này nhưng thật sự là cả một quá trình bởi lẽ trong lúc này tâm trạng họ không ổn định để cung cấp đầy đủ thông tin cho mình ngay một lúc được.

Tuy nhiên, trong quá trình truy vết các ca bệnh ở đợt dịch lần thứ 4 này thì không còn gặp quá nhiều khó khăn như trước nữa, bởi vì các cán bộ truy vết đã có kinh nghiệm, và những người dân đã có ý thức hơn, đã biết chủ động khai báo y tế, hợp tác nên đã thuận lợi và dễ dàng hơn nhiều.

Hơn nữa, tổ truy vết dịch được sự phối hợp của lực lượng công an cùng tham gia nên kết quả F1, F2 có rất nhanh sau khi phát hiện ca nghi ngờ bệnh. Người dân dù lo lắng, có chút bất an nhưng lại rất phối hợp cung cấp danh sách, lịch trình cho cán bộ truy vết (cập nhật mọi ngày).

Nhờ có sự hỗ trợ nhiệt tình đó, những F1, F2 nhanh chóng xác định. Cùng với những cái tên thì đường đi, lối lại đều được ghi chép cẩn thận, đầy đủ, được phân tích, đánh giá chi tiết nhất. Đây chính là cơ sở cho việc xác định đối tượng cách ly và theo dõi sức khỏe được chính xác.

Đồng thời, ý thức của người dân về công tác phòng chống dịch bệnh đã được nâng cao lên rất nhiều, nên khi các phương tiện truyền thông đại chúng thông tin về một ca bệnh nghi ngờ hay ca dương tính thì những người có liên quan chủ động liên hệ đến trung tâm y tế gần nhất để khai báo và xin được tư vấn hỗ trợ.

Trong suốt thời gian phòng chống dịch, các cán bộ truy vết phải thường xuyên mặc đồ bảo hộ, di chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau. Hết giờ làm, họ không dám về nhà vì sợ ảnh hưởng đến gia đình và những người thân. Trạm y tế trở thành nơi ăn, nơi ở.

Chiếc điện thoại luôn ở bên mình, để có trường hợp F0 mới là những người truy vết phải đi đầu. Các nhóm chat giữa các trạm y tế, giữa BCĐ liên tục cập nhật thông tin để cùng phối hợp xử lý các tình huống. Chị Phượng ở trạm Y tế xã Tân Phú (Tam Bình) chia sẻ: “Dịch bệnh xảy ra, làm ngành y ai cũng vất vả.

Tính đến nay đã hơn 2 tuần chưa được về nhà, nhớ con và gia đình lắm chứ nhưng vì sự an toàn tất cả mọi người nên chị phải ở lại cơ quan.

Là thành viên trong tổ truy vết, chúng tôi cố gắng tìm ra nhanh nhất và chính xác những trường hợp có liên quan, làm sớm chừng nào sẽ hạn chế dịch lây lan ra cộng đồng chừng ấy, nên có mệt cũng phải cố gắng”.

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ truy vết, những chiến sĩ công an và nhân viên y tế còn làm công tác tư tưởng qua điện thoại, động viên, khuyến khích, giải thích với người dân hiểu rõ vấn đề họ đang gặp phải. Bởi lẽ, dù biết dịch bệnh rõ nhưng người dân vẫn không tránh khỏi lo lắng.

Nhờ đó, công tác truy vết diễn ra nhanh chóng, chính xác. Giờ đây, ở các địa phương khi xác định có trường hợp bệnh hay ca nghi ngờ cần điều tra dịch tễ, lực lượng công an và lực lượng y tế sẽ cùng nhau chung sức đồng lòng, phối hợp chặt chẽ trong công tác truy vết để đem lại hiệu quả tốt nhất… góp phần vào thành công của công cuộc phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Tuy nhiên, thật đáng buồn vì xuất hiện những trường hợp những cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế làm nhiệm vụ truy vết không may bị nhiễm SARS-CoV-2 trong quá trình công tác.

Hơn ai hết, những người làm nhiệm vụ luôn cảm thấy áy náy và lo lắng cho những đồng nghiệp xung quanh.

Thậm chí, chưa bao giờ than thở rằng nhiễm vi rút sẽ nguy hiểm đến tính mạng mà chỉ nghĩ về sự an toàn cho đồng chí, đồng đội.

Chính vì vậy, mong mọi người hiểu được sự vất vả và khó khăn của lực lượng truy vết, mong rằng sẽ cảm thông và chia sẻ với những người không may bị nhiễm SARS-CoV-2 khi làm nhiệm vụ, đừng kỳ thị, bàn tán về họ, vì chính họ đã bảo vệ an toàn cho mọi người trong suốt thời gian qua. Mong rằng họ sẽ nhanh chóng khỏe mạnh và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

Có mặt trong tổ truy vết, bản thân tôi cũng sợ nhiễm vi rút, nhưng nghĩ nếu ai cũng lo sợ thì dịch khi nào mới được kiểm soát.

Bản thân vẫn tiếp tục thực hiện công việc này được, chỉ cần có sức khỏe và mong mọi người được an toàn khi làm nhiệm vụ là bản thân có động lực hơn.

Tin chắc rằng, những lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19 sẽ luôn đoàn kết, thống nhất, triệu người như một, thống nhất ý chí và hành động, phát huy trí thông minh, tính sáng tạo, ý chí kiên cường của người Việt Nam, cùng với chiến lược 5K + vắc xin của Đảng và Nhà nước đưa ra, nhất định Việt Nam sẽ sớm chiến thắng, đẩy lùi dịch bệnh, tiếp tục phát triển kinh tế- xã hội bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe, tính mạng và hạnh phúc, ấm no của nhân dân.

THÁI THỊNH