Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của lao động và người sử dụng lao động

Cập nhật, 08:30, Thứ Bảy, 19/06/2021 (GMT+7)

Bộ luật Lao động năm 2019 (BLLĐ 2019) đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2019, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, thay thế BLLĐ năm 2012 hiện hành.

NLĐ làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Một số quy định của BLLĐ 2019 có liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đối với NLĐ.
NLĐ làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Một số quy định của BLLĐ 2019 có liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đối với NLĐ.

Điểm mới đáng chú ý của BLLĐ 2019 là đã mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh. Nếu như BLLĐ năm 2012 quy định tiêu chuẩn lao động, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ)... trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động, thì BLLĐ 2019 mở rộng thêm đối tượng là người làm việc không có quan hệ lao động cùng một số tiêu chuẩn riêng.

Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam; đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Tuổi nghỉ hưu của NLĐ được điều chỉnh tăng lên theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.

Riêng người bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay làm việc ở nơi có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn thì có thể nghỉ hưu trước không quá 5 tuổi. So với BLLĐ 2012 thì tuổi nghỉ hưu của NLĐ đã tăng lên đáng kể; đồng thời với những công việc đặc thù thì việc nghỉ hưu trước tuổi cũng được quy định rõ ràng hơn.

Số ngày nghỉ lễ, tết hàng năm sẽ là 11 ngày thay vì 10 ngày như trước đây. Điều 112 BLLĐ 2019 sửa đổi, bổ sung thêm 1 ngày nghỉ trong năm vào ngày liền kề trước hoặc sau ngày Quốc khánh (2/9).

Tăng thời giờ làm thêm theo tháng lên 40 giờ. Điều khác biệt duy nhất về thời gian làm thêm giờ quy định tại BLLĐ 2019 so với BLLĐ 2012 ở điểm: Số giờ làm thêm trong tháng tăng lên 40 giờ thay vì 30 giờ và cụ thể hơn các trường hợp được làm thêm tới 300 giờ/năm như sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, linh kiện điện, điện tử, chế biến nông- lâm- thủy sản; cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước...

Có thể ủy quyền cho người khác nhận lương. BLLĐ 2019 quy định: Trường hợp NLĐ không thể nhận lương trực tiếp thì NSDLĐ có thể trả lương cho người được NLĐ ủy quyền hợp pháp. Trước đó nội dung này không được quy định tại BLLĐ 2012. Việc cho phép NLĐ ủy quyền cho người khác nhận lương được cho là hợp lý, nhất là trong trường hợp NLĐ bị ốm đau, tai nạn không thể trực tiếp nhận lương.

BLLĐ 2019 mới cũng quy định NSDLĐ không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của NLĐ. Đặc biệt, không được ép buộc NLĐ chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của NSDLĐ hoặc của đơn vị khác mà NSDLĐ chỉ định.

Không còn quy định lương tối thiểu ngành. Mức lương tối thiểu chỉ còn được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng và giờ (bỏ quy định xác lập theo ngành và ấn định theo ngày so với quy định tại BLLĐ trước đó).

Có nhiều điểm mới về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của NLĐ và NSDLĐ được sửa đổi, bổ sung trong BLLĐ 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Có nhiều điểm mới về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của NLĐ và NSDLĐ được sửa đổi, bổ sung trong BLLĐ 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Theo Điều 137 BLLĐ 2019, NSDLĐ được sử dụng lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa nếu được người này đồng ý (trước đây không được).

Một trong những trách nhiệm của NSDLĐ quy định tại Điều 136 là giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho NLĐ.

Khi muốn sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc thì NSDLĐ phải có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe của người chưa đủ 15 tuổi phù hợp với công việc.

BLLĐ 2019 cũng quy định NSDLĐ phải ban hành nội quy lao động; trong trường hợp sử dụng từ 10 NLĐ trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản...

BLLĐ 2019 gồm 17 chương 220 điều, giảm 22 điều so với BLLĐ 2012. BLLĐ 2019 sửa đổi, bổ sung gần 200 điều trong tất cả các chương; sửa đổi điều 54, 55, 73 của Luật BHXH năm 2014 (về điều kiện hưởng lương hưu khi tuổi hưu có sự thay đổi); sửa đổi Điều 32 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (do thay đổi về quy trình giải quyết tranh chấp lao động).

BLLĐ 2019 được chia làm 6 chuyên đề, bao gồm: phạm vi điều chỉnh, các nguyên tắc cơ bản của Luật Lao động; đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể; hợp đồng lao động; điều kiện lao động và sử dụng lao động (tiền lương, thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn lao động, vệ sinh lao động); kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất; tranh chấp lao động, đình công.

 

Bài, ảnh: MINH THÁI