Đề xuất khung phát triển hệ thống đô thị ĐBSCL

Cập nhật, 21:31, Thứ Tư, 25/11/2020 (GMT+7)

 

Đô thị TX Bình Minh. Ảnh: VINH HIỂN
Đô thị TX Bình Minh. Ảnh: VINH HIỂN

Tại hội thảo tham vấn về “Định hướng phát triển vùng ĐBSCL thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 20/11/2020, ThS. KTS Nguyễn Thanh Hải- Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam (Bộ Xây dựng) đề xuất hướng điều chỉnh tầng bậc mạng lưới đô thị (ĐT) trong vùng hiện nay theo các hình thái ĐT nông thôn mới, phù hợp với các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp và các thách thức biến đổi khí hậu (BĐKH).

ĐT nông nghiệp

Theo Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, mật độ ĐT vùng ĐBSCL đứng thứ 2 cả nước và gần xấp xỉ mật độ ĐT vùng Đồng bằng sông Hồng. Mạng lưới ĐT ĐBSCL phân bố khá đồng đều với cự ly khoảng 60km một ĐT.

Đối với ĐT loại V, vùng ảnh hưởng có bán kính 5- 10km. Đối với ĐT loại IV, vùng ảnh hưởng có bán kính 30- 40km. Đối với ĐT loại III, loại II vùng ảnh hưởng có bán kính 60km. Tuy nhiên, việc phân bố vai trò, chức năng phù hợp cho các ĐT của vùng chưa rõ nét. Bên cạnh, việc kết nối các ĐT thông qua các trục giao thông thủy bộ còn hạn chế. Do đó, các ĐT chưa phát huy hết tiềm năng, đặc biệt là các ĐT cấp vùng, các ĐT cửa khẩu, hạt nhân các khu kinh tế.

Trong những thập niên gần đây, mạng lưới ĐT của vùng tạo thành khung ĐT bám theo địa bàn hoạt động sản xuất truyền thống, chủ yếu là nông nghiệp- thương mại- dịch vụ rồi mới đến phát triển khu- cụm công nghiệp. Trong đó, đóng vai trò quan trọng trong khung ĐT vùng là các ĐT từ loại IV trở lên. Đây là những trung tâm mạnh về công nghiệp- dịch vụ cấp tỉnh để hỗ trợ các tiểu vùng sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ các thị trấn thực hiện các chức năng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ĐT hóa tại chỗ, tại nông thôn, đồng ruộng và nâng cao trình độ canh tác cho nông dân.

Hiện nay, các tỉnh trong vùng đang thực hiện xây dựng và phát triển hệ thống ĐT và các điểm dân cư nông thôn của tỉnh dựa vào bộ khung ĐT trên.

Nhìn chung, quá trình hình thành các ĐT ĐBSCL thể hiện những đặc điểm chính như tính chất và cấu trúc của ĐT theo dạng “ĐT nông nghiệp”- là dạng chuyển tiếp từ nông thôn lên thành thị; mang tính nông thôn đậm nét.

Tính bản địa của ĐT biểu hiện qua cấu trúc cảnh quan: sông nước- vườn cây- kiến trúc- các đường cong và khoảng trống lớn, trong đó mặt nước là yếu tố tạo nên đặc trưng của hình thái không gian ĐT. ĐT phát triển dàn trải theo chiều ngang hơn là chiều cao, kiến trúc ít dị biệt, hướng tới sự giao hòa hơn là đối nghịch. Hình thức không gian gắn với tuyến sông ĐT, là yếu tố quan trọng để dễ dàng nhận diện đặc trưng không gian ĐT vùng sông nước.

Từ đó, Viện trưởng- Nguyễn Thanh Hải đề xuất hướng điều chỉnh tầng bậc mạng lưới ĐT trong vùng hiện nay theo các hình thái ĐT nông thôn mới, phù hợp với các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp và các thách thức BĐKH. Cụ thể, phát triển hệ thống ĐT từ tập trung đa cực sang mô hình phân tán theo các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp, gắn với quá trình công nghiệp hóa và thương mại hóa nông nghiệp.

Đề xuất hướng điều chỉnh

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, mô hình phân tán phù hợp với đặc điểm phân bố mạng lưới ĐT nông nghiệp, với đặc thù tự nhiên sinh thái, sử dụng hợp lý tài nguyên đất và nước của vùng ĐBSCL.

Tuy nhiên, mạng lưới ĐT phân tán cũng được điều chỉnh về tầng bậc để hình thành các trung tâm ĐT của các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp, nhằm thúc đẩy chuyên môn hóa và đa dạng hóa nền kinh tế, hiện đại hóa nông nghiệp theo đặc trưng và lợi thế của từng tiểu vùng sinh thái nông nghiệp. Trong một vùng kinh tế sản xuất hàng hóa nông nghiệp và bảo vệ sinh thái là trọng tâm, các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp cũng là các phân vùng phát triển kinh tế.

Theo đó, các ĐT trung tâm tiểu vùng sinh thái nông nghiệp có vị trí chiến lược gắn kết với tiểu vùng sinh thái nông nghiệp và giao thông thủy bộ. Trong khi, các ĐT trung tâm tỉnh lỵ được củng cố vai trò kinh tế- xã hội trong mối quan hệ với các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp và các hình thái ĐT- nông thôn.

Các ĐT được đề xuất đóng vai trò trung tâm tiểu vùng sinh thái nông nghiệp gồm: TP Cần Thơ (tiểu vùng dọc sông Tiền, sông Hậu), TP Rạch Giá (tiểu vùng Tây sông Hậu), TP Cà Mau (tiểu vùng bán đảo Cà Mau), TP Bạc Liêu (tiểu vùng ven biển Đông), TP Hà Tiên (tiểu vùng tứ giác Long Xuyên), TX Hồng Ngự (tiểu vùng Đồng Tháp Mười).

Tại các ĐT này, vai trò trung tâm tiểu vùng sinh thái nông nghiệp được thúc đẩy bằng các trung tâm chuyên ngành về nghiên cứu và ứng dụng, giúp kiến tạo và đổi mới các sản phẩm nông nghiệp và bảo tồn hệ sinh thái đặc trưng của các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp. Bên cạnh đó, các ĐT này cũng là trung tâm du lịch tiểu vùng.

Đối với phương hướng tổ chức không gian ĐT và nông thôn, lãnh đạo UBND tỉnh An Giang đề nghị xây dựng chuỗi ĐT động lực dọc theo các hành lang kinh tế cửa khẩu; hành lang đường bộ; hành lang đường sông, biển.

Ngoài ra, việc xác định vùng ĐT tập trung cần chú trọng liên kết phát triển giữa ĐT và nông thôn trong đặc điểm vùng ĐBSCL với tỷ lệ ĐT hóa đến năm 2020 đạt khoảng 40% và năm 2030 đạt khoảng 45%. Theo vị lãnh đạo này, nông thôn vùng ĐBSCL với dân số gấp 1,5 lần dân số ĐT là khu vực có nhiều tiềm năng phát triển nếu được hưởng các tiện ích hạ tầng ĐT, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế của các ĐT.

Vĩnh Long hướng tới phát triển đô thị xanh bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: TUYẾT HIỀN
Vĩnh Long hướng tới phát triển đô thị xanh bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: TUYẾT HIỀN

Ông Nguyễn Văn Liệt- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- cho rằng cần nghiên cứu thêm để làm rõ phát triển công nghiệp trong khu vực ĐT hay vẫn phát triển tập trung nhưng ở 2 vùng độc lập với nhau.

Thực tế ở các tỉnh- thành phát triển đã phải di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi ĐT để giải quyết các vấn đề về ô nhiễm, ùn tắc giao thông, trật tự xã hội… Do đó, “để đảm bảo có tăng trưởng xanh, bền vững, phát triển ĐT thích ứng với BĐKH thì cần nghiên cứu về quan điểm “Phát triển vùng ĐT- nông thôn”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt đề xuất.

SÔNG HẬU