Miền Trung sẵn sàng ứng phó với bão số 9 đổ bộ vào đất liền

Cập nhật, 15:10, Thứ Tư, 28/10/2020 (GMT+7)

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ ngành liên quan chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, trang thiết bị thực hiện nhiệm vụ ứng cứu khi cần thiết.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ ngành liên quan chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, trang thiết bị thực hiện nhiệm vụ ứng cứu khi cần thiết.

Dự báo khoảng 10h sáng nay (28/10), bão sẽ đổ bộ vào đất liền, giật cấp 15. Chính quyền các địa phương đang tiếp tục triển khai mọi phương án ứng phó khi bão số 9.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9, lúc 6h sáng nay (28/10), tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 300 km, cách Quảng Nam 220 km, cách Quảng Ngãi 190 km, cách Phú Yên 180 km; gió cấp 13, giật cấp 16. Hiện, toàn bộ tàu thuyền đã thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Riêng tỉnh Bình Định còn 46 tàu trong tổng số 368 lao động đang di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Dự báo khoảng 10h sáng nay, bão sẽ đổ bộ vào đất liền, giật cấp 15 chính quyền các địa phương đang tiếp tục triển khai mọi phương án ứng phó khi bão số 9.

Suốt đêm qua, tại tỉnh Quảng Ngãi trời có mưa và gió mạnh. Sáng sớm nay, trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi chỉ có mưa nhỏ và gió nhẹ. Ở đảo Lý Sơn gió cấp 9, cấp 10, giật cấp 11. Điều bất thường là từ 4-5h sáng nay, nhiều thời điểm ngoài trời lặng gió. Bắt đầu từ 7h trời bắt đầu gió mạnh, kêu rít từng cơn. Nhiều nơi trong tỉnh đã cắt điện để đảm bảo an toàn. Trong đêm 27/10, các lực lượng ứng cứu gồm: Quân đội, Công an, dân quân… đều có mặt cắm chốt ở tất cả các điểm xung yếu, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

Đến 19h tối 27/10, vẫn còn khoảng 4.000 người ở tỉnh Quảng chưa chấp hành việc di dời tập trung đến nơi an toàn. Nhiều hộ trong số này vẫn còn chủ quan, cho rằng địa phương không nằm trong vùng ảnh hưởng của bão, hoặc ảnh hưởng chỉ với mức độ nhẹ nên không chịu di dời.

 “Cơn bão số 9 sẽ vào Quảng Ngãi, tôi kêu gọi người dân bình tĩnh chủ động, xử lý mọi tình huống để đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng của người dân và bảo vệ tài sản của người dân. Các cấp ủy và chính quyền luôn luôn bên cạnh người dân, hỗ trợ người dân tất cả những gì có thể làm được, để đảm bảo cuộc sống người dân trở lại bình thường sau cơn bão số 9 này”- Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết.

Sáng nay (28/10), tại tỉnh Quảng Nam, gió bắt đầu mạnh dần lên, mưa to. Trong đêm 27/10, tỉnh Quảng Nam tiếp tục sơ tán hàng trăm hộ dân ở vùng xung yếu ven biển đi tránh bão số 9. Người dân chấp hành rất nghiêm lệnh sơ tán của chính quyền địa phương.

Tỉnh Quảng Nam có 29.000 hộ dân di dời tập trung, chủ yếu là dân vùng ven biển sơ tán tránh bão. Tại các điểm sơ tán tập trung, chính quyền địa phương hỗ trợ bánh chưng, mì ăn liền, nước uống và sữa tươi, ưu tiên cho người già và trẻ em. Tại đây, có bố trí phòng riêng cho người già và gia đình có trẻ sơ sinh tiện sinh hoạt. Để người dân yên tâm đi tránh bão tập trung, chính quyền cử lực lượng tuần tra, bảo vệ nhà cửa, tài sản cho dân. Bà Trần Thị Cúc ở xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ cho biết, nhà bà ở sát bờ sông, không đảm bảo an toàn. Từ chiều và đêm 27/10, cả gia đình bà đến sơ tán tránh bão tại Trường THPT Duy Tân, thành phố Tam Kỳ. Tại đây, mọi người cũng được an toàn. Bà con được phát bánh chưng, sữa tươi, mì ăn liền và nước uống.

“Nhà cửa được các cấp chính quyền đến chằng chống rồi mới đưa dân đi sơ tán. Tới đây an toàn, bà con cũng được phát thức ăn, mì tôm, bánh chưng”- bà Cúc nói.

Còn tại tỉnh Bình Định, từ 22 giờ đêm 27/10, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ban hành lệnh cấm người dân ra đường để tránh xảy ra những vụ tai nạn do mưa bão. Hai tàu cá của ngư dân Bình Định bị chìm, 26 ngư dân đang mất tích dưới biển. Thông tin mới nhất từ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bình Định, đêm 27/10, đã điều động 2 tàu Kiểm ngư để tìm kiếm 26 ngư dân đi trên 2 tàu cá bị chìm nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin gì, việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn do thời tiết xấu.

Tại thành phố Đà Nẵng, đến 21h đêm 27/10, chính quyền địa phương đã di dời hơn 91.000 người tới nơi an toàn. Hiện Đà Nẵng có mưa nhỏ từng đợt, các lực lượng chức năng vẫn tiếp tục triển khai các phương án ứng phó khi bão số 9 đổ bộ. Sáng 28/10, Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9 chuyển địa điểm làm việc từ Ban chỉ huy Phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn miền Trung – Tây Nguyên đặt tại thành phố Đà Nẵng ở số 02 đường Yên Bái về khách sạn Sông Hàn, số 14 - đường Lý Tự Trọng.

Trong buổi làm việc lúc 6h30 phút sáng nay (28/10), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, chỉ còn khoảng 2 tiếng nữa bão sẽ đổ bộ vào đất liền, trong khoảng thời gian này nghiêm cấm người dân di dời chủ quan quay trở về nhà, huy động mọi nguồn lực tìm kiếm 26 thuyền viên bị mất tích, chủ động ứng phó mưa  lũ sau bão ở khu vực miền núi, Tây Nguyên… Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân khu 4, Quân khu 5, dự phòng Quân khu 3 và Quân khu 7 và các đơn vị lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn phải có trách nhiệm cùng với Bộ Giao thông – Vận tải và các bộ ngành liên quan chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, trang thiết bị thực hiện nhiệm vụ ứng cứu khi cần thiết. 

“Trước mắt, tôi yêu cầu, đề nghị Bộ quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Thủy sản bàn kỹ phương án tìm kiếm cứu nạn 26 thuyền viên hiện nay đang mất tích. Hiện nay chúng ta đã cử những tàu cứu nạn xuất phát đến điểm đó nhưng nếu cần thì phải tiếp tục nhưng phải đảm bảo an toàn cho những tàu thuyền này”- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết./.

Theo Nhóm PV/VOV