Phòng bệnh bạch hầu thế nào trong mùa tựu trường?

Cập nhật, 12:17, Thứ Tư, 16/09/2020 (GMT+7)

Mới đây, một trẻ nam 12 tuổi (ngụ huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) đã tử vong sau 10 giờ nhập viện tại TP.HCM do mắc bạch hầu ác tính, biến chứng tim.

Bác sĩ Trần Kim Hùng (khoa hồi sức tích cực chống độc trẻ em Bệnh viện Bệnh nhiệt đới) kiểm tra sức cơ bệnh nhi A.P. - Ảnh: X.MAI
Bác sĩ Trần Kim Hùng (khoa hồi sức tích cực chống độc trẻ em Bệnh viện Bệnh nhiệt đới) kiểm tra sức cơ bệnh nhi A.P. - Ảnh: X.MAI

Các bác sĩ chuyên khoa nhiễm cho biết bệnh bạch hầu rất dễ lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết của người bệnh khi ho, hắt hơi hay qua các giọt bắn rơi ra tay chân, quần áo... Đặc biệt, nhiều người lành mang mầm bệnh nhưng không có biểu hiện bệnh là nguồn lây nhiễm nguy hiểm.

TS Phan Tứ Quí - trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc trẻ em Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) - cho biết khoa đang điều trị bệnh nhi A.P. (nam, 6 tuổi, ngụ huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) mắc bệnh bạch hầu với nhiều biến chứng. Hiện bệnh nhi đã cai máy thở, nhận thức, phản xạ tốt sau hơn 2 tháng nằm viện điều trị. 

Trước đó, vào tháng 6 và 7/2020, hai bệnh nhi mắc bạch hầu ác tính, có biến chứng tại tỉnh Đắk Nông chuyển xuống Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng không qua khỏi do biến chứng tim.

BS Nguyễn Trần Nam - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - khuyến cáo biện pháp phòng bệnh bạch hầu hữu hiệu và quan trọng nhất vẫn là tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch. Bên cạnh đó cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày.

Theo TTO