Đừng sống chỉ vì sĩ diện

Cập nhật, 06:04, Thứ Năm, 20/08/2020 (GMT+7)

 

Hạnh phúc thật sự mới là điều quan trọng mà chúng ta cần hướng đến. Ảnh minh họa
Hạnh phúc thật sự mới là điều quan trọng mà chúng ta cần hướng đến. Ảnh minh họa

Người ta biết giữ thể diện cho bản thân và gia đình là một điều tích cực. Tuy nhiên nếu sống quá lệ thuộc vào sĩ diện đến mức sống giả tạo, không còn là chính mình, thậm chí không hạnh phúc thì không nên chút nào.

Vợ chồng chị H.H. là một hình mẫu gia đình thành đạt hạnh phúc trong mắt mọi người. Nhưng mấy ai biết được chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu “trong chăn có rận”.

Cả vợ chồng chị đều có công việc, địa vị xã hội tương đối tốt, gia đình 2 bên chuẩn mực, uy tín, các mối quan hệ xã hội bên ngoài đều hòa nhã tốt đẹp.

Cũng chính vì thế mà chị H.H. phải sống một cách “bề ngoài” bao nhiêu năm nay vì sĩ diện của bản thân và gia đình mình. Sự thật chồng chị không hoàn hảo như vẻ ngoài, tuy cũng biết quan tâm chăm lo cho vợ con nhưng anh lại có tính gia trưởng, nóng tính và cả việc bạo lực với vợ con.

Chị không có quyền quyết định việc gì, mỗi lần có vấn đề tranh cãi là anh nổi tính nóng lên khiến vợ con sợ hãi.

Chị cứ phải nhịn nhục sống như thế mà không dám hé răng với ai ngay cả với người nhà mình, bởi chẳng lẽ một phụ nữ có ăn học cao, công việc ổn định như chị mà lại bị chồng bạo lực gia đình, lấy nhầm chồng thì còn vì sĩ diện gia đình chị, vì sức khỏe cha mẹ chị, nếu làm lớn chuyện ra con cái chị cũng khổ, bạn bè đồng nghiệp thương cảm cũng không ít, cười chê cũng nhiều.

Chị M.T. cũng mắc chứng sĩ diện mà khổ thân. Là một cô gái hoàn hảo về ngoại hình, trình độ, gia đình, suốt những năm phổ thông và ĐH có biết bao chàng trai có gia thế tốt theo đuổi nhưng cô đều từ chối.

Cuối cùng khi đi làm, duyên nợ đưa đẩy cô kết hôn với một anh nhân viên bình thường với thu nhập không đủ nuôi vợ con đầy đủ.

Tuy vậy, vì sĩ diện với mọi người và ngay cả với người thân của mình, M.T. đã vay nợ để sắm sửa nhà cửa, xe cộ cho bằng chị bằng em nên mỗi tháng vợ chồng phải oằn lưng trả nợ rất khó nhọc, mà còn thường xuyên gây gổ vì điều đó.

Cô thường xuyên chụp những bức ảnh đẹp đi du lịch, những góc được trang hoàng đẹp nhất trong nhà đăng lên trang cá nhân để khoe khéo với bạn bè.

Cũng vì sĩ diện, mỗi lần có dịp họp lớp đại học là cô quyết tâm thuê xe sang có tài xế đưa đi để lên mặt cùng bạn bè. Tuy nhiên, khi được bạn bè tán dương, xuýt xoa thì ngoài mặt cười nói hài lòng vậy nhưng thực chất bên trong, tâm hồn cô trống rỗng, cảm thấy thất vọng, xen lẫn nhiều nỗi buồn lo khó nói nên lời.

Ai chẳng muốn được người khác xem trọng nên ai cũng cần sĩ diện. Sĩ diện ở một mức độ nhất định, nếu như xuất phát từ danh dự của bản thân thì không có gì là sai.

Bởi như thế nghĩa là họ biết quan tâm tới bản thân, gia đình và cố gắng sống sao cho xứng đáng. Nhưng, nếu sĩ diện đến mức phải sống giả dối, trở thành một loại gánh nặng, sống không hạnh phúc thì đó là sai lầm.

Trong xã hội hiện đại đang tồn tại thói sĩ diện hão, một bộ phận con người quá đề cao những thứ bề ngoài, những giá trị vật chất, hay cười chê những thứ thấp hơn, cười chê khinh rẻ khi thấy người khác thua thiệt mình.

Hay bản tính ghen ăn tức ở với người khác, chỉ đợi dịp thấy họ bị thất bại ở phương diện nào đó là lập tức “đánh hội đồng” để họ không gượng dậy nổi.

 Sở dĩ con người ta cố đánh bóng quá mức vẻ bên ngoài bằng những thứ hào nhoáng như nhà cửa, xe cộ, quần áo, trang sức… là để che lấp cái trống rỗng bên trong.

Có rất nhiều lúc, chúng ta không phải đang truy cầu hạnh phúc, mà là liều mạng làm sao để hơn người khác. Bị nhịp sống của người khác quấy nhiễu, sẽ rất dễ đánh mất đi chính mình.

Mỗi một quyết định đều có khả năng thay đổi hướng đi trong đời của chúng ta, không ai có thể vì cuộc đời của chúng ta mà chịu trách nhiệm.

Đời người có bấy nhiêu, bạn không thể sống vô vị, không xứng đáng, không thể sống theo nhận định của người khác. 

Thành công không phải là hơn thua với người khác mà là nỗ lực theo con đường riêng của bạn, không phụ lòng với mỗi ngày bạn sống, không thấy hối tiếc vì điều gì đó.

Trong cuộc sống, chẳng ai dại dột bất chấp dư luận, đạp lên dư luận mà sống nghênh ngang theo sở thích cá nhân. Tuy nhiên, có những trường hợp phải dũng cảm đối mặt, chứ không vì sợ thiên hạ biết chuyện mà tìm mọi cách né tránh.

Đã có rất nhiều người âm thầm chịu đựng, bao che cái xấu, khiếm khuyết của vợ hoặc chồng, không dám tâm sự, cầu cứu ai khác chỉ vì sĩ diện cho đến lúc sự việc trở nên trầm trọng và không còn cách cứu vãn.

Mục đích hôn nhân là niềm vui sống. Một khi nhận thấy nhịp sống ấy “trật đường ray” thì cần thẳng thắn nhìn nhận, giải quyết vấn đề, chẳng việc gì phải âm thầm đau khổ, nuốt nước mắt từng ngày. Hãy tin, hướng giải quyết tích cực bao giờ cũng được sự đồng tình của dư luận.

Hãy sống vì chính mình, đừng sống vì sự hài lòng, ngưỡng mộ của người khác. Hạnh phúc không phải có được từ sự khen ngợi, hò reo của người khác.

Bài, ảnh: LAM NGỌC