Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai

Cập nhật, 04:46, Thứ Bảy, 30/05/2020 (GMT+7)

Trẻ em là “mầm xanh”, là tương lai của đất nước. Vun đắp cho thế hệ này là trách nhiệm của mọi người, của toàn xã hội, đúng như 2 câu thơ chứa chan tình yêu thương trẻ em của Bác Hồ: “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan”.

Trẻ em luôn nhận được sự bảo vệ, chăm sóc và yêu thương từ mọi người. Trong ảnh: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trong chuyến thăm Trường Mầm non Tân Hạnh (TP Vĩnh Long).
Trẻ em luôn nhận được sự bảo vệ, chăm sóc và yêu thương từ mọi người. Trong ảnh: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trong chuyến thăm Trường Mầm non Tân Hạnh (TP Vĩnh Long).

Chăm sóc, bảo vệ trẻ em

Dân số Vĩnh Long trên 1.051.800 người, trong đó trẻ em dưới 16 tuổi là 203.715 em chiếm tỷ lệ 19,36% trên tổng số dân. Chăm sóc, bảo vệ trẻ em là việc làm liên tục thường xuyên được các cấp, ban ngành thực hiện tùy theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Trẻ em còn được tạo điều kiện bày tỏ ý kiến, nguyện vọng.

Xã còn khó khăn nên học sinh ở Loan Mỹ (Tam Bình) luôn được quan tâm, hỗ trợ. Trường Tiểu học Loan Mỹ B có 200 học sinh, trong đó có 35 học sinh đồng bào Khmer, 12 hộ nghèo và 15 hộ cận nghèo.

Năm 2018, trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2- đây là điều kiện thuận lợi cho học sinh được học tập trong môi trường tốt, chất lượng cao. Chính quyền địa phương, nhà trường quan tâm để không có em học sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà bỏ học.

Thạch Thị Kim Ngân (bìa trái) cùng các bạn trong giờ học.
Thạch Thị Kim Ngân (bìa trái) cùng các bạn trong giờ học.

Thầy Phó Hiệu trưởng Trần Văn Phát- Trường Tiểu học Loan Mỹ B- chia sẻ: “Không có điều kiện tổ chức học bơi như ở thành phố, nhưng những học sinh ở trường luôn được học bơi miễn phí mỗi dịp hè.

Để nâng cao hơn nữa nhận thức của các em trong phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục, nhà trường đan xen những kiến thức đó trong buổi sinh hoạt chào cờ đầu tuần và trong giờ sinh hoạt lớp với giáo viên chủ nhiệm”.

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thường xuyên tổ chức diễn đàn, tọa đàm, hội thi,… cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh; tổ chức triển khai và lấy ý kiến những dự luật liên quan đến trẻ em và tập huấn cho trẻ em những kỹ năng sống cần thiết.

Trong giai đoạn 2016- 2020, đã tổ chức đưa 1.259 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn học giỏi tham dự trại hè và tham quan, giao lưu tại các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Tiền Giang, Lâm Đồng,... Đồng thời, triển khai thực hiện các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em ở một huyện- thành phố.

Tạo điều kiện cho trẻ em phát triển

Không chỉ được học hành, được chăm sóc bảo vệ và được nói lên ý kiến nguyện vọng của mình, trẻ em hôm nay còn được vun bồi tài năng để tỏa sáng hơn.

 Kể việc học hành 5 năm về trước của học sinh trên địa bàn, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tài- Trường Tiểu học Phước Hậu C (Long Hồ)- cho biết: “Thương các em lắm.

Trước đây, điểm trường này khó khăn nhất trong huyện vì trường ọp ẹp, đường sá thì lầy lội, trời mưa phải gửi xe bên kia cầu, lội bộ vô trường. Cả trường chỉ có 1 phòng máy tính, mỗi lần điểm lẻ đến giờ tin học thì thầy trò hì hụi kéo vô đây”.

Còn bây giờ, trường được xây dựng lại khang trang, phụ huynh trong xã và các xã lân cận tin tưởng cho con em nhập học. Tỷ lệ học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo giảm, trong 364 em học sinh, có 4 hộ nghèo và 14 hộ cận nghèo.

“Bên cạnh học kiến thức thì các hoạt động Đội, các phong trào vui chơi, giải trí, trang bị kỹ năng sống cho các em rất được chú trọng”- thầy Nguyễn Văn Tài còn cho biết, các em được phát hiện tài năng và được bồi dưỡng, rèn luyện.

Bé Nguyễn Minh Duy (giữa) đạt danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ” năm 2020.
Bé Nguyễn Minh Duy (giữa) đạt danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ” năm 2020.

Như em Nguyễn Minh Duy có năng khiếu hát được giới thiệu tham gia CLB ở Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Vĩnh Long. Minh Duy có cha mẹ và chị gái đều làm công nhân.

Được cả nhà thương yêu, chăm sóc, em có điều kiện phát huy tài năng của mình. Năm 2020, Minh Duy là một trong 21 trẻ em được tuyên dương “Cháu ngoan Bác Hồ”.

Nói về ước mơ sau này, Minh Duy bảo: “Em ước trở thành ca sĩ!” Thầy Nguyễn Văn Tài nhận xét: “Duy rất tích cực trong các phong trào của Đội, của lớp, năng nổ trong học tập, hoạt động nhóm, vệ sinh môi trường”.

Có thể nói, niềm vui của thầy, cô chính là khi học sinh mình chăm ngoan, học giỏi, phát huy năng khiếu, kỹ năng. Thầy Phan Thanh Liêm- Giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Loan Mỹ B (Tam Bình) chia sẻ: “Hoạt động Đội và hoạt động vui chơi giải trí của các em rất được quan tâm.

Từ khoảng lớp 2, chúng tôi phát hiện em nào có năng khiếu nổi trội thì bồi dưỡng nhiều hơn để các em được phát huy”. Hẳn đó là lý do mà em Thạch Thị Kim Ngân (lớp 5/2) của trường được phát hiện năng khiếu vẽ và từng đạt giải khuyến khích cuộc thi vẽ tranh của tỉnh.

Ngoài ra, Ngân còn là học sinh giỏi toàn diện, chơi hay nhiều môn thể thao. Chia sẻ chuyện học tập của mình, em Thạch Thị Kim Ngân cho hay: “Chị Hai em học lớp 9, chị học giỏi nên hay chỉ bài cho em. Em mơ ước được trở thành bác sĩ, để có thể chữa bệnh cho mọi người”.

Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội- Phan Hồng Hạnh nói: “Chúng tôi mong muốn các tổ chức, ban ngành cá nhân trong tỉnh cùng thực hiện công tác đảm bảo an toàn cho trẻ em, phòng tránh tai nạn thương tích, phòng chống xâm hại trẻ em. Đồng thời, mong muốn các nhà hảo tâm tiếp tục đồng hành chăm lo cho trẻ em tốt hơn trong thời gian tới”.

Để thực hiện tốt hơn việc bảo vệ trẻ em, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh đề nghị Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng và phân bổ kinh phí Phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em. Đặc biệt là kinh phí tổ chức lớp bơi nhằm đáp ứng đủ nhu cầu học bơi của trẻ, đầu tư trang bị các hồ bơi di động để thực hiện chương trình trên theo quy mô rộng khắp và đồng đều hơn, giúp kéo giảm và phòng chống tình trạng trẻ em bị đuối nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Bên cạnh đó, khi triển khai thực hiện chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021- 2030 cần ban hành chính sách hỗ trợ đối với trẻ em bị tai nạn thương tích tùy theo từng mức độ: nặng, đặc biệt nặng, chết; bổ sung nội dung xây dựng, hướng dẫn, tổ chức triển khai các can thiệp phòng ngừa các loại hình tai nạn, thương tích trẻ em, phòng, chống đuối nước trẻ em.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- PHƯƠNG THÚY