Nâng chất lượng tổ nhân dân tự quản

Cập nhật, 13:00, Thứ Năm, 02/01/2020 (GMT+7)

Thời gian qua, mô hình tổ nhân dân tự quản (NDTQ) đã phát huy được quyền tự chủ, tự quản của người dân, gây dựng lòng tin trong nhân dân thông qua việc giải quyết những vấn đề cần thiết nhất trong đời sống. Ngoài những hiệu quả trên, vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm để tổ NDTQ thực hiện tốt vai trò của mình.

UBMTTQ Việt Nam tỉnh khen thưởng 15 tập thể và 25 cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức hoạt động của tổ nhân dân tự quản năm 2019.
UBMTTQ Việt Nam tỉnh khen thưởng 15 tập thể và 25 cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức hoạt động của tổ nhân dân tự quản năm 2019.

Là cầu nối của Đảng với nhân dân

Năm qua, các tổ NDTQ trên địa bàn tỉnh đã thể hiện vai trò nòng cốt trong hoạt động tự quản tại cộng đồng dân cư, tổ chức sinh hoạt tổ hàng quý để tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Đặc biệt, các tổ NDTQ đã thực hiện tốt nhiệm vụ tự quản về trật tự an toàn xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của công dân nơi cư trú và quy ước cộng đồng, quy chế dân chủ ở cơ sở.

Bên cạnh đó, các hoạt động của tổ tự quản luôn hướng đến việc tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

Mô hình tổ NDTQ đang phát huy quyền tự chủ, tự quản của người dân, gây dựng lòng tin trong nhân dân thông qua việc giải quyết những vấn đề cần thiết nhất trong đời sống.

Theo ông Nguyễn Văn Điều- Tổ trưởng Tổ NDTQ số 16 (ấp Hòa Bình, xã Nguyễn Văn Thảnh- Bình Tân), chứng kiến những thay đổi tại khu vực mới thấy vì sao mô hình này được nhiều hộ dân tích cực tham gia.

Tại Tổ 16, hoạt động mô hình tổ NDTQ đạt hiệu quả khi người dân có cảm giác tự do, thoải mái, để cùng giải quyết vấn đề gần gũi, thiết thực.

“Có thể tháng này tổ họp bàn về phòng, chống dịch tả heo Châu Phi, tháng sau bàn liên kết đậu nành, rau, vận động con em trở lại lớp chuẩn bị năm học mới. Trước khi bước vào cuộc họp, tổ có thể mời đại biểu dự để thông tin sâu hơn các vấn đề đang “nóng” tại tổ mình”- ông Điều cho biết.

Không còn hộ nghèo; 100% hộ đạt chuẩn văn hóa, có nước sạch và điện thắp sáng, công trình hợp vệ sinh; tích cực ủng hộ làm đường giao thông nông thôn… là những kết quả tổ NDTQ số 6 (Khóm 2- thị trấn Long Hồ) đạt được năm qua.

“Là tổ trưởng, bản thân nhận thấy kết quả đạt được là nhờ tích cực tuyên truyền vận động, tập hợp nhân dân đoàn kết nhất trí cao qua các phong trào xây dựng ở địa phương.

Tổ tuyên truyền để người dân hiểu rõ đó vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi thụ hưởng của nhân dân. Từ đó, người dân đồng tình và hưởng ứng cao.”- cô Trần Thị Kim Chi- Tổ trưởng tổ NDTQ số 6 chia sẻ.

Củng cố và nâng chất mô hình tổ NDTQ

Tổ nhân dân tự quản hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự giác, tự quản nhằm tập hợp nhân dân vào tổ chức, phát huy sức mạnh cộng đồng.
Tổ nhân dân tự quản hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự giác, tự quản nhằm tập hợp nhân dân vào tổ chức, phát huy sức mạnh cộng đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Bé Ba- Ủy viên Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh, hoạt động của tổ NDTQ thời gian qua vẫn còn hạn chế. Theo đó, đa số tổ trưởng, tổ phó do nhân dân giới thiệu, bình bầu đều lớn tuổi, trình độ học vấn còn hạn chế, không theo kịp với yêu cầu nhiệm vụ tự quản cộng đồng.

Kinh phí cấp bồi dưỡng cho tổ NDTQ còn thấp nhưng công việc của tổ NDTQ thì nhiều nên khó vận động người dân làm tổ trưởng hoặc tổ phó.

Bên cạnh đó, một số tổ trưởng chấm điểm thay gia đình, chưa thực hiện tốt nhiệm vụ tự quản hoặc chưa thể hiện vai trò tự quản ở cộng đồng. Một số tổ không duy trì được hoạt động thường xuyên theo quy định; nội dung cuộc họp sinh hoạt tổ còn đơn điệu khiến người dân chưa tích cực tham gia…

Để khắc phục tình trạng này, nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của tổ NDTQ được các cấp quan tâm kiến nghị.

Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Tân Mỹ (Trà Ôn) Thạch Thị Sô Ra Đa cho rằng: “Để tổ tự quản hoạt động tốt cần phải có sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền và phối hợp tốt với các ngành, đoàn thể.

Theo đó, phải có sự gần gũi, gắn bó của MTTQ, các đoàn thể với tổ NDTQ trong khâu tuyên truyền vận động nhân dân. Việc đảng viên phụ trách tổ, đoàn thể kiêm nhiệm làm tổ trưởng sẽ giúp nắm bắt kịp thời các nội dung sắp được triển khai, lồng ghép các chương trình sinh hoạt, xây dựng các mô hình tổng hợp hội viên đa dạng.”

Ông Nguyễn Văn Thiện- Chủ tịch UBMTTQ phường Đông Thuận (TX Bình Minh)- kiến nghị sớm sửa đổi, ban hành các văn bản có liên quan đến tổ chức, hoạt động của tổ NDTQ để giúp tổ thực hiện nhiệm vụ được tốt hơn.

Song song đó, tổ chức tập huấn, cung cấp tài liệu hoạt động cho các tổ NDTQ hàng năm. Mặt khác, cần tăng tiền hoạt động cho tổ NDTQ từ 50.000 đ/tháng hiện nay lên 100.000 đ/tháng nhằm tạo động lực tinh thần cho tổ.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết hoạt động của tổ NDTQ năm 2019, ông Lê Quang Đạo- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh- lưu ý, trong thời gian tới, MTTQ cấp xã tiếp tục tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo củng cố, kiện toàn hoạt động tổ NDTQ.

Trong thời gian chờ Trung ương, Tỉnh ủy, UBND ban hành các văn bản quy định về hoạt động của tổ NDTQ, MTTQ Việt Nam các cấp thống nhất điều phối, hướng dẫn hoạt động, sắp xếp bộ máy theo hướng phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương; quan tâm công tác nhân sự, nhất là vị trí tổ trưởng tổ NDTQ để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Song song đó, các tổ trưởng tổ NDTQ cần phát huy hơn nữa vai trò trong thực hiện công tác, đổi mới cách sinh hoạt để thu hút người dân tham gia.

Ngoài ra, cần xem xét lại nhiệm vụ của các tổ để có hướng đề xuất điều chỉnh, giảm bớt cho phù hợp; thường xuyên sơ- tổng kết hoạt động của tổ NDTQ để rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời những yếu kém; nhân rộng các mô hình điển hình, hiệu quả.

Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh thành lập được 15.336 tổ NDTQ, bình quân mỗi tổ có 9-36 hộ. Qua đánh giá, các tổ NDTQ hoạt động thường xuyên, sinh hoạt đúng hướng dẫn của BCĐ tỉnh. Kết quả, trên 50% tổ NDTQ thực hiện tốt nhiệm vụ tự quản cộng đồng được xếp loại mạnh, 27% tổ xếp loại khá và 18% tổ xếp loại trung bình, yếu.

Bài, ảnh: TUYẾT NGA