Nỗ lực nâng cao chất lượng dân số

Cập nhật, 13:55, Thứ Ba, 10/09/2019 (GMT+7)

Những năm qua, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của tỉnh Vĩnh Long đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà.

Việc quản lý chăm sóc sức khỏe cho trẻ cũng được các ngành chức năng và phụ huynh quan tâm thực hiện. Hàng năm toàn tỉnh có trên 95% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đủ liều phòng ngừa các bệnh nguy hiểm.
Việc quản lý chăm sóc sức khỏe cho trẻ cũng được các ngành chức năng và phụ huynh quan tâm thực hiện. Hàng năm toàn tỉnh có trên 95% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đủ liều phòng ngừa các bệnh nguy hiểm.

Cần quan tâm sàng lọc trước sinh

Nâng cao chất lượng DS là vấn đề quan trọng được các địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện. Vấn đề này được thực hiện từ khi đứa trẻ chưa chào đời cho đến khi trưởng thành và về già đều phải được quan tâm, chăm sóc.

Tiêu chí đầu tiên đánh giá chất lượng DS chính là việc bảo đảm một thế hệ khỏe mạnh ngay từ khi chào đời. Nghị quyết số 21-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XII đã nhấn mạnh đến việc chuyển trọng tâm công tác DS, từ DS-KHHGĐ sang DS và phát triển, tập trung nâng cao chất lượng DS.

Để thực hiện nhiệm vụ này, việc thực hiện tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh đóng vai trò quan trọng.

TS. Bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng (chuyên Khoa Sản, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: “Việc sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh để phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh, giúp trẻ sinh ra bình thường, hoặc tránh những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, giảm số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng DS”.

Do đó, công tác tuyên truyền để người dân hiểu biết được lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh là rất quan trọng. Hiện nay các cộng tác viên và cán bộ DS ở các địa bàn trong tỉnh Vĩnh Long thường xuyên đến tận nhà để tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ cho chị em trong độ tuổi sinh sản để tuyên truyền, vận động về sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Chị Nguyễn Thị Hiếu (xã Nhơn Bình- Trà Ôn) cho biết: “Tôi tuân thủ lịch khám thai định kỳ của bác sĩ ở trạm và quan tâm đến việc sàng lọc trước và sau sinh, chăm sóc thai nhi để con được khỏe mạnh hơn”.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long thực hiện đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, các huyện- thị- thành định kỳ tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn cho hàng trăm lượt cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ.

Các cặp vợ chồng được phổ biến các quy định nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, thực trạng và tác hại mất cân bằng giới tính khi sinh, các biện pháp ngăn chặn phân biệt giới và lựa chọn giới tính. Nhờ tăng cường công tác truyền thông với nhiều hình thức khác nhau mà trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh, tỷ số giới tính khi sinh là 107,6 bé trai /100 bé gái (trong khi chỉ tiêu là dưới 113/100).

Nỗ lực, nâng cao chất lượng DS

Hàng năm, ngành DS Vĩnh Long luôn nỗ lực duy trì mức sinh thay thế chung, chú trọng giảm sinh ở vùng có mức sinh cao và vùng có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao, tăng cường kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.

Nhờ triển khai các giải pháp đồng bộ các mô hình, đề án nâng cao chất lượng DS xuống từng cơ sở đã góp phần nâng cao chất lượng DS trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Huỳnh- Chi cục trưởng Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh, công tác DS tỉnh nhà được từng bước nâng cao nhờ luôn được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể góp phần đạt chỉ tiêu DS và ổn định quy mô DS.

Ngoài ra, người dân nhận thức và tự nguyện tham gia các chương trình DS-KHHGĐ. Đặc biệt, lực lượng cán bộ DS cơ sở từng bước được nâng cao về trình độ năng lực, luôn nhiệt tình, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đề ra.

Mặc dù các giải pháp thực hiện để nâng cao chất lượng DS trên địa bàn đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức tồn tại, nhất là hiện nay mức sinh trong dân rất thấp, kéo theo hệ quả là tỷ lệ tăng DS tự nhiên cũng giảm đáng kể, nhiều gia đình chỉ muốn sinh 1 con.

Học sinh Trường Tiểu học Thạch Thia (Loan Mỹ- Tam Bình) vui chơi.
Học sinh Trường Tiểu học Thạch Thia (Loan Mỹ- Tam Bình) vui chơi.

Hiện tỷ lệ tăng dân số tự nhiên tỉnh Vĩnh Long luôn ở mức thấp dưới 1% và số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chỉ đạt 1,8 con. Mức sinh thấp không chỉ làm cho già hóa dân số sẽ diễn ra nhanh hơn mà còn làm cho nguồn nhân lực suy giảm, đặc biệt là lao động trẻ, từ đó ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Do vậy, để nâng tỷ lệ tăng DS tự nhiên và kéo giảm sự già hóa DS, Vĩnh Long tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền vận động người dân sinh đủ 2 con.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Huỳnh, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng rất quan trọng góp phần nâng cao chất lượng DS. Qua đó, giúp các cặp vợ chồng sinh con có chất lượng hơn, giảm số lượng trẻ chậm phát triển trí tuệ, dị tật, dị dạng, góp phần tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao để xây dựng và phát triển đất nước.

Nâng cao chất lượng DS không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế mà còn là trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương và toàn xã hội. Việc thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược về công tác DS, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội, và nâng cao chất lượng DS, chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh.

Hiện Vĩnh Long có 178.000 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản

( từ 15- 49). Tỷ suất sinh năm 2018 là 13‰; có hơn 9.500 thai phụ thực hiện sàng lọc trước sinh, riêng số trẻ được sàng lọc sơ sinh là 4.339 ca. Tỷ số giới tính khi sinh: 107,6 nam/100 nữ (trong khi chỉ tiêu <113/100).

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN