Cần nhiều giải pháp để nâng cao thu nhập

Cập nhật, 12:51, Thứ Tư, 15/05/2019 (GMT+7)

Theo Quyết định 1980 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016- 2020, trong đó quy định thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 đối với các tỉnh ĐBSCL là từ 50 triệu đồng/năm trở lên.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số BCĐ chương trình xây dựng NTM cấp xã, đến nay thu nhập bình quân đầu người vẫn còn ở mức thấp, trong đó có xã chưa đạt một nửa mức thu nhập theo lộ trình.

Chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao là một trong những giải pháp giúp nâng cao thu nhập.
Chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao là một trong những giải pháp giúp nâng cao thu nhập.

Mức thu nhập còn thấp

Để năm 2020 thu nhập bình quân đầu người từ 50 triệu đồng/năm trở lên, lộ trình nâng cao thu nhập được đề ra cho năm 2016 phải tối thiểu “cán mốc” 34 triệu đồng/năm; năm 2017 là 37 triệu đồng; năm 2018 là 41 triệu đồng; năm 2019 là 45 triệu đồng.

Song, đến nay thu nhập bình quân đầu người tại xã Đồng Phú (Long Hồ) chỉ đạt 23,6 triệu đồng/năm, tức là chưa đạt được một nửa theo quy định của lộ trình năm 2020.

Còn xã Tân Mỹ (Trà Ôn) là 25,2 triệu đồng/năm, chỉ đạt hơn phân nửa so lộ trình. Còn tại xã Loan Mỹ (Tam Bình) là 31,07 triệu đồng/năm, chưa “chạm mốc” quy định của năm 2016...

Đây là kết quả khá khiêm tốn qua hơn 8 năm xây dựng NTM và cũng là bài toán đặt ra đối với nhiều địa phương, nhất là đối với các xã thuần nông.

Có dịp trao đổi với BCĐ một số xã, nhiều vị cho biết: “Tuy đạt tiêu chí thu nhập nhưng chưa bền vững”. Hỏi lý do vì sao thì có người trả lời “vui vui” là “do năm nay có người trúng số độc đắc, cộng vô chia đều ra mới đạt được mức quy định trên”.

Nói cho vui là vậy nhưng thực tế, vì không bền vững, nên phúc tra lại tiêu chí thu nhập sau một hai năm về đích NTM thì sẽ có nhiều xã bị “rớt” tiêu chí này.

Là một trong những xã có đông đồng bào dân tộc Khmer với hơn 80% dân số sống bằng nông nghiệp, nên xã Loan Mỹ gặp không ít khó khăn trong nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân.

Ông Thạch Sơn- Bí thư Đảng ủy xã, Trưởng BCĐ xây dựng NTM xã- cho biết: Xã đang rà soát lại lao động trong độ tuổi, từ đó phối hợp với công ty tư vấn giới thiệu việc làm tại các công ty trong tỉnh; vận động tham gia các tổ nghề may gia công, đan lục bình.

Đồng thời phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng màu, trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao để nâng cao thu nhập.

Tuy nhiên, “để đạt mức thu nhập bình quân 50 triệu đồng/người/năm trở lên đối với xã có đến 42% dân số là đồng bào dân tộc Khmer như Loan Mỹ là rất khó khăn, thậm chí xã có xây dựng nhiều mô hình làm ăn hiệu quả nhưng nếu đánh giá đúng thực chất thì khó mà đạt nổi”- ông Thạch Sơn chia sẻ.

Phấn đấu “chạm mốc” 50 triệu đồng/người/năm

Theo quyền Chủ tịch UBND xã, Trưởng BCĐ xây dựng NTM xã Đồng Phú Nguyễn Văn Tấn, hiện xã đang tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Về thủy sản, toàn xã có trên 300 bè cá các loại.

Từ năm 2015 đến nay, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ nhiều cây giống, con giống đến nay phát triển tốt. Nếu giá cả đầu ra ổn định thì có thể giải quyết được “bài toán” thu nhập cho nông hộ.

Là xã thuần nông, phát triển kinh tế với cây màu chủ lực là khoai lang, xã Thành Đông (Bình Tân) là xã thứ 2 của tỉnh và là xã đầu tiên của huyện về đích NTM (năm 2014).

Những năm qua, cây khoai lang không chỉ giúp người dân xứ rẫy vươn lên khấm khá mà còn kéo theo dịch vụ giải quyết việc làm cho lao động nông thôn với thu nhập khá như: vun giồng (500.000 đ/ngày), trồng khoai (300.000 đ/muôn), lựa khoai (150.000 đ/ngày).

Bên cạnh, xã còn tiếp tục nhân rộng nhiều mô hình từ cải tạo vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cam, chuyển từ đất lúa- màu sang trồng mít Thái da xanh và phát triển mô hình chăn nuôi bò, dê.

“Thông qua các mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp hiệu quả, đến cuối năm 2018 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 41,15 triệu đồng/năm, tăng 4,15 triệu đồng/người/năm so thời điểm công nhận”- Bí thư Đảng ủy xã Thành Đông Nguyễn Thị Ngọc Bích cho biết.

Còn ở Tam Bình, Bí thư Đảng ủy, Trưởng BCĐ chương trình xây dựng NTM xã Hòa Hiệp Huỳnh Văn Y- cho biết: Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 41,03 triệu đồng/năm, tăng 3,51 triệu đồng/người/năm so thời điểm công nhận (năm 2017).

Chuyển lao động nông nghiệp sang công nghiệp- dịch vụ sẽ giúp cho nhiều lao động có thu nhập ổn định từ tiền công, tiền lương.
Chuyển lao động nông nghiệp sang công nghiệp- dịch vụ sẽ giúp cho nhiều lao động có thu nhập ổn định từ tiền công, tiền lương.

Để đạt được kết quả trên, xã đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả. Nổi bật là mô hình trồng thanh long ruột đỏ do Hội Cựu chiến binh xã khởi xướng; mô hình đưa cây màu xuống ruộng ở Ấp 8; mô hình nuôi bò nái ở Ấp 10 do BCĐ xã kết hợp với Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh chuyển giao bò giống cho 25 hộ nghèo, số bê con sinh ra tiếp tục được chuyển giao cho các hộ cận nghèo để có điều kiện vươn lên.

Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đặc biệt là chuyển những khu vực trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao (bưởi da xanh, dừa xiêm xanh, thanh long ruột đỏ) theo hướng chuyên canh.

Đặc biệt là tập trung chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, công nghiệp- dịch vụ để có thu nhập ổn định từ tiền công, tiền lương.

Bên cạnh, xã còn tập trung đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp để đảm bảo sau đào tạo có việc làm ổn định; tập trung tuyên truyền vận động xuất khẩu lao động sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc.

“Đây là những yếu tố cơ bản góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập tại xã”- Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hiệp Huỳnh Văn Y nhận định.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI