Đưa vốn thoát nghèo đến với đồng bào Khmer

Cập nhật, 05:54, Chủ Nhật, 14/04/2019 (GMT+7)

Đến với xã Loan Mỹ (Tam Bình) những ngày này, không khí Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay rộn ràng khắp nơi. Tại đây, những hộ dân nghèo dân tộc Khmer được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đang từng bước phát triển kinh tế gia đình, tự tin vươn lên trong cuộc sống.

Chị Thạch Thị Đa Ra (ấp Sóc Rừng) vay 40 triệu đồng để mở rộng cửa hàng buôn bán tạp hóa.
Chị Thạch Thị Đa Ra (ấp Sóc Rừng) vay 40 triệu đồng để mở rộng cửa hàng buôn bán tạp hóa.

Chúng tôi gặp chị Thạch Thị Đa Ra (ấp Sóc Rừng) đang cùng gia đình trang hoàng nhà cửa chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Trước đây, chị Đa Ra buôn bán nhỏ, còn chồng thì làm thuê kiếm sống nuôi 2 con. Hoàn cảnh kinh tế gia đình khá khó khăn. “Hồi trước, nhà tui thiếu hụt, làm ăn khó khăn lắm.

Tui cũng mong có vốn để làm ăn”- chị Đa Ra kể. Được hỗ trợ vay vốn theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2017- 2020, chị Đa Ra sử dụng nguồn vốn nhận được để mở rộng cửa hàng buôn bán.

“Được Nhà nước hỗ trợ cho vay 40 triệu, tui dùng để buôn bán. Nhờ vậy mà có đồng ra đồng vô, kinh tế gia đình đỡ hơn hẳn”- chị Đa Ra phấn khởi chia sẻ. Chịu thương, chịu khó, vợ chồng chị Đa Ra quyết tâm chí thú làm ăn, tích lũy nuôi con ăn học, cải thiện thu nhập gia đình.

Tay thoăn thoắt sắp xếp hàng hóa, chị Đa Ra nói: “Tui mong từ từ mở rộng buôn bán. Sau này tui cố gắng làm ăn để sửa nhà, nâng nền, phát triển kinh tế gia đình”.

Nhờ nguồn vốn được vay, anh Thạch Chăn Rớt Thí (ấp Giữa) mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, cải thiện đời sống.
Nhờ nguồn vốn được vay, anh Thạch Chăn Rớt Thí (ấp Giữa) mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, cải thiện đời sống.

Mạnh dạn sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi vào chăn nuôi, anh Thạch Chăn Rớt Thí (ấp Giữa) từng bước xây dựng mái ấm cho gia đình. Có vợ và 2 con, anh Thí từng làm thuê khắp nơi để kiếm thêm thu nhập. “Trước kia, vợ chồng chỉ có một công rưỡi ruộng để làm ăn, sống khó khăn lắm.

Nhờ chính sách cho vay vốn mà gia đình tui mới có được như ngày hôm nay”- anh Thí cho biết. Được hỗ trợ vay vốn 40 triệu đồng, anh Thí quyết định nuôi bò và vịt lấy thịt. Theo anh Thí, với chi phí 3 triệu đồng cho 150 con vịt giống ban đầu, sau 2,5 tháng nuôi, anh thu về được 7 triệu đồng.

Nhìn 2 con bò lai Pháp đang được vỗ béo, anh Thí cười nói: “Nhờ vay vốn làm ăn mà giờ cuộc sống thay đổi, ổn định hơn. Sau này, tôi nuôi thêm bò cái để phát triển kinh tế, phấn khởi làm ăn để thoát nghèo, cho con được đi học hành”.

Nhờ đó, những tháng ngày khó khăn dần qua, với sự cần cù, chịu khó, chàng thanh niên Thạch Chăn Rớt Thí đang từng bước cải thiện đời sống và nỗ lực vươn lên.

Xã Loan Mỹ hiện có 1.151 hộ đồng bào dân tộc Khmer, trong đó có 252 hộ nghèo, đến cuối năm 2018 đã giảm nghèo được 165 hộ.

Là 2 trong số những hộ nghèo dân tộc Khmer của xã Loan Mỹ phát huy hiệu quả nguồn vốn được vay, gia đình chị Thạch Thị Đa Ra và anh Thạch Chăn Rớt Thí đón Tết Chol Chnam Thmay năm nay đầm ấm, sung túc hơn hẳn.

Phó Chủ tịch UBND xã Loan Mỹ Lê Trí Dũng cho biết: Quyết định số 2085 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2017- 2020 được triển khai tại xã Loan Mỹ trên cơ sở đối tượng là hộ nghèo người dân tộc Khmer.

Theo đó, ngay từ đầu năm 2018, xã tiến hành rà soát nhu cầu, kế hoạch xây dựng thoát nghèo cho các hộ và tiến hành họp công khai để dân bình xét.

Trên cơ sở phương án, kế hoạch sử dụng nguồn vốn của hộ, hội đoàn thể xã xem xét, xác định mức vay cho phù hợp. Hiện xã đang triển khai tiếp tục hỗ trợ cho hộ đồng bào Khmer nghèo với nguồn vốn 2 tỷ đồng của năm 2019.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2017- 2020, tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức giải ngân xong theo kế hoạch đề ra. Năm 2018, kinh phí được phân bổ là 5 tỷ đồng. Trong đó, huyện Tam Bình cho 59 hộ nghèo vay vốn với kinh phí 2 tỷ đồng, giúp cải thiện đời sống, phát triển kinh tế gia đình.

Bài, ảnh: TUYẾT NGA