Những "chiếc lá chưa lành" vẫn "đùm lá rách"

Cập nhật, 05:51, Thứ Sáu, 08/02/2019 (GMT+7)

Chia sẻ tiền của, công sức giúp người hoạn nạn, khó khăn là nghĩa cử đẹp đang ngày càng lan tỏa. Trong đó, có những câu chuyện cảm động về lòng nhân ái của không ít “chiếc lá” dẫu chưa lành nhưng vẫn giàu lòng từ thiện.

Chú Năm Để (áo trắng) đến thăm, tặng gạo cho hộ nghèo từ tiền lời bán đá bào.
Chú Năm Để (áo trắng) đến thăm, tặng gạo cho hộ nghèo từ tiền lời bán đá bào.

Sáng thêm niềm tin

Với mong muốn chia sẻ khó khăn cùng các mảnh đời kém may mắn, rất nhiều người đã gác lại những lo toan, bộn bề của cuộc sống để đi làm việc thiện và hoạt động này đang ngày càng rộng khắp.

Chị Nguyễn Thị Hồng- Chủ tịch Hội Người khuyết tật- Bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo thị trấn Tam Bình (huyện Tam Bình), cho biết: “Hoạt động thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân đã góp phần cùng địa phương làm tốt công tác an sinh xã hội và rất nhiều trường hợp nhờ sự giúp đỡ kịp thời của các nhà hảo tâm mà vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống”.

Để thấy rõ hơn cuộc sống hiện tại của những người đã được cộng đồng dang tay giúp đỡ, chúng tôi đến thăm anh Lê Bảo Khánh (SN 1978- ở Khóm 4, thị trấn Tam Bình) nhân vật được Báo Vĩnh Long giới thiệu trên “Địa chỉ nhân đạo” và được trợ giúp 15,3 triệu đồng cách nay mấy tháng.

Nhờ sự giúp đỡ kịp thời của các nhà hảo tâm mà anh Trà Thanh Phúc và Lê Bảo Khánh không phải “dứt ruột cho con”.
Nhờ sự giúp đỡ kịp thời của các nhà hảo tâm mà anh Trà Thanh Phúc và Lê Bảo Khánh không phải “dứt ruột cho con”.

Mẹ anh Khánh cho biết: “Nhờ số tiền các nhà hảo tâm giúp mà Khánh có tiền tái khám, tui cũng bớt phần gánh nặng. Chứ lúc nó phát bệnh ung thư mũi, vợ bỏ, con còn nhỏ, mình tui lo không nổi.

Có người kêu tui cho con bé đi, để có thời gian đi làm kiếm tiền nhưng nhìn cháu lanh lẹ dễ thương vậy cho sao đành. Giờ sức khỏe Khánh đã đỡ hơn trước nên tui định gửi cháu vô học mẫu giáo để tui đi làm”.

Tương tự, gia đình anh Trà Thanh Phúc (ở ấp Tân Bình, xã Tân Long- Mang Thít) cũng nhờ sự hỗ trợ tiền, quà kịp thời của các nhà hảo tâm mà thoát khỏi bế tắc.

Anh Phúc kể: “Vợ tui phát bệnh tâm thần sau khi sinh 1 tháng. Tui vừa chăm sóc vợ, vừa lo cho con trai, không đi làm thuê như trước được nên đâu có tiền mua sữa. Nhiều người kêu tui cho con, cũng có cặp vợ chồng ngỏ ý xin thằng bé làm con nuôi nhưng tui không nỡ.

May sao giữa lúc bế tắc thì được “Địa chỉ nhân đạo” Báo Vĩnh Long giúp 6 triệu đồng, một số người ở xa đọc báo cũng tìm đến cho tiền, gạo, nhu yếu phẩm,… nên tui mới có tiền mua sữa cho con. Giờ khỏe rồi, con tui đã biết ăn, tui có thể gửi bà ngoại trông dùm để đi làm kiếm tiền”.

Không chỉ anh Khánh, anh Phúc mà nhiều gia đình đang có cuộc sống yên ấm bỗng một ngày nhận được tin dữ người thân mắc bệnh nan y hoặc một căn bệnh nào đó dẫn đến kinh tế dần kiệt quệ và bế tắc.

Thế nhưng trong tuyệt vọng, họ đã được thắp lên niềm tin bởi sự chia sẻ đầy yêu thương của những người xa lạ. Trong đó, có nhiều câu chuyện cảm động về lòng nhân ái của những “chiếc lá chưa lành” nhưng vẫn say mê làm từ thiện.

“Những chiếc lá chưa lành đùm lá rách”

Bằng tấm lòng “thương người như thể thương thân”, nhiều nhà hảo tâm khi đến với hoạt động trợ giúp người nghèo, cảnh nhà không mấy khá giả nhưng vẫn tích cực chia sẻ những gì mình đang có cho người kém may mắn hơn.

Chú Nguyễn Hiếu Để (56 tuổi, ở ấp Tân Phước, xã Tân Bình- Bình Tân) cho biết: “Tui bán đá bào nuôi vợ bị hở van tim, nhà lụp xụp muốn sập mà không có tiền sửa. Chính quyền địa phương thấy vậy vận động cất cho căn nhà tình thương mái tôn, nền gạch, vách tường chắc chắn.

Vợ chồng tui mừng lắm, mình nghèo nhưng còn may mắn hơn nhiều người nên mấy năm nay, tuần nào tui cũng góp vài chục ngàn đồng cho tổ từ thiện ở địa phương giúp những gia đình khác đang gặp khó khăn”.

Ngoài góp tiền, chú Để còn dành thời gian cùng Hội Người khuyết tật- bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo huyện Bình Tân đến thăm, động viên những hộ nghèo, bệnh tật.

Hễ thấy hộ nào khổ quá là chú lấy hết tiền để dành trong túi ra cho. Quá trình đạp xe đi bán đá bào ở các trường học, gặp gia đình khó khăn, chú liền mua gạo cho hoặc giúp 50.000- 100.000đ rồi về báo tổ từ thiện đến hỗ trợ thêm.

Chú Để bảo: “Tui không có nhiều tiền nên dành dụm được bao nhiêu thì giúp bấy nhiêu, mong sao những người đang gặp cảnh không may sẽ sớm vượt qua”.

Ngày ngày, ông Út Ngọng bán vé số để dành tiền làm từ thiện.
Ngày ngày, ông Út Ngọng bán vé số để dành tiền làm từ thiện.

Bên cạnh câu chuyện chú Để bán đá bào làm từ thiện, chúng tôi còn được nghe kể nhiều về ông Võ Văn Út (thường gọi Út Ngọng, 63 tuổi, ở ấp Mỹ Phú 5, xã Tường Lộc- Tam Bình).

Ông Út bán vé số nuôi con gái tâm thần và cháu ngoại, gia đình thuộc diện nghèo nhưng ngày nào cũng nhín ra 5.000đ để dành giúp đỡ các trường hợp bệnh tật được giới thiệu trên “Địa chỉ nhân đạo” Đài Truyền hình Vĩnh Long và Báo Vĩnh Long.

Không ít người biết việc làm của ông Út đã thể hiện sự cảm kích, riêng ông xem đó là việc bình thường. Ông Út bảo: “Tui nghèo, mưu sinh bằng nghề bán vé số nhưng vẫn đỡ hơn những người bị bệnh nằm một chỗ đang cần giúp đỡ.

Tui đã trải qua cảnh này nên hiểu cảm giác lúc túng quẫn mà có người quan tâm, chia sẻ thì mừng cỡ nào. Mấy năm trước, con gái tui tự dưng phát bệnh tâm thần, tui vừa bán vé số vừa nuôi con ở bệnh viện. Gần tết, tui không may bị tai biến nằm một chỗ nên gia đình rơi vào cảnh không tiền, không gạo.

May mà có các nhà hảo tâm giúp đỡ, cha con tui mới có điều kiện đón tết như người ta. Từ đó, tui cố gắng tập đi để tiếp tục bán vé số kiếm tiền nuôi thân, nuôi con và làm từ thiện. Giờ tui đã làm được, dù đi đứng khó khăn phải chống gậy nhưng xem ra tui vẫn còn hơn nhiều người”.

Việc làm đầy ý nghĩa của ông Út, chú Để được xem như những tấm gương sáng đã và đang được nhiều người tiếp bước.

Như bà Phan Thị Kim Hồng (70 tuổi, ở Khóm 3, thị trấn Tam Bình) bán vé số nhưng tháng nào cũng góp một vài trăm ngàn đồng cho bếp ăn từ thiện của bệnh viện huyện và những trường hợp khó khăn, bệnh tật trên địa bàn.

Hay như thầy giáo Phan Thanh Hoàng- Trường THPT Nguyễn Văn Thiệt ở Mang Thít- từ chỗ đồng cảm với những mảnh đời kém may mắn, thầy đã vận động người thân, bạn bè và học sinh đóng góp mỗi tuần từ 5.000- 10.000đ giúp “Địa chỉ nhân đạo” trên Báo Vĩnh Long.

Và rất nhiều câu chuyện cảm động khác mà chúng tôi bắt gặp trên hành trình làm từ thiện của những nhà hảo tâm vẫn đang tiếp tục lan tỏa, mang đến cho những mảnh đời không may một niềm tin về ngày mai tươi sáng. 

Bài, ảnh: PHƯỢNG NGÂN