Hoa hồng trò chuyện

Áp lực "người đàn ông của gia đình"

Cập nhật, 05:29, Thứ Năm, 14/02/2019 (GMT+7)

Tôi lập gia đình được 5 năm, có 2 con nhỏ. Cuộc sống gia đình ban đầu rất hạnh phúc. Trong nhà tiếng cười rộn rã, yêu thương chan hòa. 

Thế nhưng, từ khi có đứa con thứ 2, gia đình tôi thường xuyên xào xáo. Tôi nghĩ có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân lớn nhất có lẽ là vợ tôi đòi hỏi tôi quá nhiều.

Cô ấy suốt ngày cứ càm ràm “sao tôi cực thế này”, “anh nhìn bạn tôi kìa, người ta có chồng giỏi nên phởn phơ”,… Tóm lại là cô ấy ca thán tôi không phải là người đàn ông của gia đình.

Thiệt là khó nói, bởi tôi là trụ cột gia đình, lo kiếm tiền nuôi vợ con. Còn vợ tôi thì ở nhà trông con, lo cơm nước, thu vén nhà cửa…

Nếu về nhà còn phải nấu cơm, pha sữa, lau nhà, giặt giũ nữa thì chắc tôi không còn sức ra ngoài kiếm tiền đâu.

Tôi nói với cô ấy là “làm gì được thì làm, việc gì không gấp thì từ từ làm hay bỏ đó, chớ cằn nhằn hoài anh không chịu nổi”. Thế là “chiến tranh” xảy ra, cô ấy xổ hàng tràng kể tội tôi thế này thế kia. Và “chiến tranh lạnh” kéo dài nhiều ngày…

Lẽ ra có thêm con thì nhà sẽ thêm vui nhưng nhà tôi thì như thế. Tôi đau đầu và không muốn ở nhà lâu. Có cách nào cho vợ tôi bớt càm ràm và lấy lại sự yên bình khi xưa?

Hải Minh

Đàn ông sợ nhất là vợ càm ràm, cằn nhằn, nhưng oái ăm thay cằn nhằn, càm ràm lại là thứ “vũ khí” đặc trưng của phụ nữ đã có gia đình. Thế nên, mỗi người cần “biết mình, biết ta” để đôi bên cùng sống vui vẻ hơn.

Hoa Hồng nghĩ nếu trước đây cuộc sống hôn nhân vui vẻ mà khi có thêm đứa con lại thế thì bạn nên suy nghĩ lại.

Có thể vì người vợ luôn tay luôn chân với 2 đứa con nhỏ lại còn phải lo việc nhà cửa, chợ búa,… nên áp lực là không thể tránh khỏi. Từ áp lực này, người vợ đã nghiêng phần áp lực khác cho bạn.

Bạn không thể nói rằng mình đã kiếm tiền nuôi cả nhà thì khi về nhà chỉ việc ngồi chờ cơm, ăn xong lại đi mà không hề có sự san sẻ nào với vợ.

Sự san sẻ công việc nhà- dù chỉ là đôi chút- nói lên trách nhiệm người chồng cũng như sự thông cảm, chia sẻ với người vợ.

Và, điều đó càng khiến cho vợ yêu thương chồng mình hơn. Con cái sống trong ngôi nhà mà sự yêu thương lan tỏa như thế thì sẽ hiền tính hơn, ngoan hơn.

Bạn cũng nên lưu ý đôi khi phụ nữ còn mắc bệnh trầm cảm sau sinh. Khi đã bị trầm cảm mà không được chồng quan tâm thì tình hình sẽ nghiêm trọng hơn đấy.

Thế nên, Hoa Hồng khuyên bạn hãy dùng liệu pháp tâm lý làm dịu sự cáu bẳn của vợ trước khi đưa vợ đi khám xem có mắc chứng trầm cảm sau sinh hay không. Và, dù có bệnh hay không thì bạn cũng nên quan tâm, chia sẻ phần nào công việc nhà với vợ nhé! Đây là “liều thuốc” làm ấm gia đình hiệu quả đấy!

HOA HỒNG