Chung tay vì thế hệ "mầm xanh"

Cập nhật, 13:28, Thứ Năm, 08/11/2018 (GMT+7)

Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai đất nước. Trẻ em ngày nay đang sống trong môi trường phát triển về kinh tế- xã hội. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chịu sự tác động lớn từ môi trường xung quanh.

Với thực tế trẻ em phải đối mặt với các mối nguy hiểm như tai nạn thương tích, xâm hại tình dục… ngày càng cao, công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em chính là trọng tâm, nhiệm vụ chung của toàn hệ thống chính trị- xã hội.

Kỳ 1: Bảo vệ, chăm sóc “mầm xanh” của đất nước

Thời gian qua, với việc xem công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em là một trong những mục tiêu phát triển, ưu tiên quan tâm của địa phương, nhiều kết quả khả quan đã được ghi nhận. Đó là nỗ lực không ngừng của địa phương trong việc quan tâm, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em.

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh được quan tâm, hỗ trợ thông qua trợ cấp hàng tháng.
Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh được quan tâm, hỗ trợ thông qua trợ cấp hàng tháng.

Chăm lo cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt

Theo báo cáo của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có 194.221 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 18,57% dân số.

Trong đó, 64.908 trẻ em dưới 6 tuổi (6,21%), 2.412 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (1,24%) và 16.143 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Thời gian qua, công tác chăm sóc trẻ em được triển khai, thực hiện tốt với các chính sách trợ giúp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ có hoàn cảnh khó khăn bằng nhiều hình thức như hỗ trợ gạo, học bổng… 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT và khám chữa bệnh miễn phí.

Đối với các trường hợp đặc biệt như trẻ mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em khuyết tật,… đều được hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định của pháp luật.

Trẻ em sống trong hộ nghèo, hộ cận nghèo được miễn giảm học phí theo quy định. Tổng trị giá các nguồn lực gần 35,9 tỷ đồng.

Xã An Phước (Mang Thít) có 6 trẻ em được nhận trợ cấp năm 2018. Bước vào căn nhà tình thương của bà cháu Võ Thị Bơi và Võ Khánh Tường (ấp Thủy Thuận, xã An Phước) bị bệnh bại não, chúng tôi mới hiểu rõ được tình cảm yêu thương vượt lên nghịch cảnh gia đình.

Mẹ bỏ, Tường sống với ngoại. Bà Bơi chia sẻ: “Hàng tháng, 2 bà cháu được địa phương hỗ trợ tiền. Tui còn đi làm gạch thuê ngày nào hay ngày đó kiếm thêm để lo cho cháu”.

Suốt khoảng thời gian ghé thăm, Tường luôn cười, ngoan ngoãn và lễ phép. Với trường hợp đặc biệt của Tường, xã hỗ trợ 900.000 đ/tháng, góp phần chăm lo đời sống.

Lan tỏa các mô hình chăm sóc và giáo dục trẻ em

Đoàn khảo sát chụp ảnh lưu niệm cùng trẻ em ấp Ngãi Lộ A (xã Trà Côn- Trà Ôn).
Đoàn khảo sát chụp ảnh lưu niệm cùng trẻ em ấp Ngãi Lộ A (xã Trà Côn- Trà Ôn).

Một trong những nỗi lo lắng hàng đầu hiện nay là tình trạng trẻ em tử vong do bị đuối nước.

Chú Thạch Chuol- Phó Trưởng ấp Ngãi Lộ A (xã Trà Côn- Trà Ôn) cho biết: “Trẻ em trong xóm muốn tập lội thì xuống kinh kế bên hông nhà, ôm cây chuối, bập dừa tập lội.

Trẻ bị đuối nước khiến cha mẹ phập phồng, hổng yên tâm”. Năm 2017, toàn tỉnh có 12 trẻ em bị đuối nước. Với địa hình sông ngòi, kinh rạch chằng chịt của tỉnh, huấn luyện cho trẻ em kỹ năng bơi là cách hữu hiệu để bảo vệ bản thân trẻ.

Mô hình lớp dạy bơi đang nhận được sự hưởng ứng đông đảo từ phía gia đình và trẻ em dù còn nhiều khó khăn khi số lượng hồ bơi ít, học phí, kinh phí để duy trì việc hoạt động không có. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã tổ chức được 58 lớp dạy bơi cho trẻ em.

Theo đánh giá của UBND xã Tân Quới (Bình Tân), mô hình bảo vệ chăm sóc trẻ em hiệu quả và rõ nét nhất trên địa bàn là lớp dạy bơi cho trẻ.

Mặc dù còn nhiều bất tiện khi hồ bơi thuộc xã giáp ranh nhưng vẫn thu hút lượng lớn trẻ em xã. “Trẻ nào cũng muốn đến hồ bơi để học.

Nhiều khi các em đi đông đến mức không có chỗ để khởi động trước khi xuống hồ”- chị Nguyễn Thị Kim Loan (cán bộ chăm sóc trẻ em xã Tân Quới) hào hứng chia sẻ.

Bên cạnh đó, mô hình quản lý giáo dục “Người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng” triển khai thực hiện tại xã Hòa Phú (Long Hồ) đang đạt được kết quả khả quan.

Kết hợp từ phía Công an xã và Đoàn thanh niên, mô hình tuyên truyền cho trẻ em, đặc biệt là trẻ có dấu hiệu vi phạm pháp luật, hiểu thêm về pháp luật đồng thời hỗ trợ hướng nghiệp, học nghề giúp các em sau này tìm được công việc ổn định.

Mỗi 3 tháng, công an và Đoàn thanh niên phối hợp mời trẻ trong diện này đến để tìm hiểu tình hình, động viên khích lệ. Mô hình hiện đang quản lý 6 trẻ em trên địa bàn.

Theo anh Nguyễn Văn Thảo- Trưởng Công an xã Hòa Phú: “Bên cạnh tính chất răn đe, mô hình đặt nhiệm vụ giáo dục làm trọng tâm.

Từ ngày mô hình được triển khai và nhân rộng ra địa bàn các ấp, tình trạng trẻ vi phạm pháp luật giảm đi. An ninh trật tự theo đó đảm bảo hơn”.

Bên cạnh đó, còn nhiều mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em đang thực hiện có hiệu quả như mô hình “Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân” tại xã Trà Côn (Trà Ôn) với sự tham gia của 195 trẻ em, mô hình “Ngôi nhà an toàn” phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ trên toàn tỉnh...

(Còn tiếp)

Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 5/4/2016, Luật Trẻ em được thông qua gồm 7 chương với 106 điều. Được đổi tên từ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Trẻ em phản ánh đầy đủ hơn nội dung và phạm vi của luật. Bên cạnh đó, 11 khái niệm được giải thích rõ, đặc biệt các khái niệm về phát triển toàn diện của trẻ em, chăm sóc thay thế, xâm hại trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em, giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em...

Bài, ảnh: TUYẾT NGA