"Chủ động phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em"

Cập nhật, 14:14, Thứ Năm, 15/11/2018 (GMT+7)

Đó là chủ đề của Tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018 được thực hiện từ ngày 15/11- 15/12/2018.

Mục đích tháng hành động nhằm thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc phòng chống bạo lực và xâm hại phụ nữ và trẻ em.

UBND xã Thuận An (TX Bình Minh) tổ chức hội thi Tìm hiểu pháp luật bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
UBND xã Thuận An (TX Bình Minh) tổ chức hội thi Tìm hiểu pháp luật bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

Nâng cao hiệu quả phòng chống bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình (BLGĐ) đang là vấn nạn của xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em vẫn còn diễn ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Gia đình tổ chức đám cúng tuần cho đứa con trai xấu số, nhưng Huỳnh Văn Nghĩa (xã Trung Nghĩa- Vũng Liêm) nhậu vào lại đi đập phá tài sản trong nhà.

Xót của, người vợ trình báo công an khiến Nghĩa ấm ức trong lòng. Mặc dù, Nghĩa làm cam kết không tái phạm nhưng khi về tới nhà, hắn liền ra tay độc ác với vợ.

Nghĩa xé mùng làm dây xiết cổ vợ và đè vợ đổ thuốc độc vào miệng. Người vợ chỉ thoát chết trong gang tấc khi được người dân kịp thời giải cứu.

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn tỉnh Vĩnh Long, 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2.527 vụ BLGĐ, trong đó phần lớn là bạo lực thân thể với 1.213 trường hợp, bạo lực tinh thần 999 trường hợp… Người gây ra BLGĐ chủ yếu là nam giới và nạn nhân là phụ nữ, người già, trẻ em.

Nhiều trường hợp BLGĐ nghiêm trọng, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, thân thể của nạn nhân, từ đó làm xói mòn giá trị đạo đức và gây hoang mang, bức xúc trong dư luận.

Xuất phát từ thực tế đó, để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống BLGĐ, Vĩnh Long xác định trước hết phải đẩy mạnh hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ.

Thực hiện bình đẳng giới, UBND tỉnh xây dựng chương trình hành động vì sự tiến bộ phụ nữ, ban hành quy chế lồng ghép vào chỉ tiêu xã hội hàng năm, cũng như thực hiện công tác giám sát ở cơ sở theo kế hoạch.

Theo Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, 10 năm qua, công tác tuyên truyền thi hành luật, giáo dục đạo đức, lối sống gia đình được Vĩnh Long chú trọng, từ đó nâng cao nhận thức trong nhân dân về trách nhiệm xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. 

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai dự án Hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến các địa phương trong cả nước.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Vĩnh Long phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh thành lập nhiều CLB, các tổ nhóm gia đình hạnh phúc ở khắp các xã- phường- thị trấn trong tỉnh. 

Nổi bật là tỉnh xây dựng và phát huy hiệu quả mô hình can thiệp phòng chống BLGĐ; mô hình “địa chỉ tin cậy”; mô hình giảm thiểu tiêu cực tình trạng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài… từ đó từng bước hạn chế phát sinh BLGĐ.

Ngoài ra, công tác phòng chống BLGĐ còn có tác động rất lớn trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh của địa phương.

Chủ động phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em

Thời gian qua, những vụ xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em liên tiếp xảy ra với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng. 90% kẻ XHTD là người quen, trong đó có cả cha ruột, ông nội, thầy giáo... đây là một tỷ lệ rất đau lòng.

Riêng tại Vĩnh Long, 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh xảy ra 20 vụ XHTD trẻ em, tăng 5 vụ so với cùng kỳ 2017 và tất cả thủ phạm đều quen biết với nạn nhân.

Những hành vi, vụ việc XHTD trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý nên con số nêu trên mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Theo bà Phan Hồng Hạnh- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, để phòng ngừa XHTD trẻ em, ngành tiếp tục thông tin, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em để nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về XHTD trẻ em và hậu quả.

Ngoài ra, tiếp tục giáo dục, tuyên truyền kỹ năng sống; dạy trẻ những kiến thức cơ bản về giới tính và kỹ năng cần thiết tự bảo vệ; xây dựng và hoàn thiện hệ thống bảo vệ trẻ em bằng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa các hoạt động XHTD và hỗ trợ tư vấn pháp lý khi cần thiết.

Khi bị XHTD, nạn nhân và gia đình phải trình báo ngay cho cơ quan công an để được hỗ trợ tư vấn, giải quyết, tránh để lọt tội phạm…

Với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”, 100 trẻ em tỉnh Vĩnh Long sôi nổi, hào hứng tham gia Diễn đàn Trẻ em năm 2018 do Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức vào trung tuần tháng 7.

Có 8 tiểu phẩm được các em tái hiện thật sống động về trẻ em nghiện game, Facebook và các trang mạng xã hội khác; phòng chống bạo lực, phòng chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là XHTD trẻ em… đã trang bị “vắc xin” cho các em trên môi trường mạng.

Bé Trần Phương Quyên- Lớp 5, Trường Tiểu học Hùng Vương (TP Vĩnh Long)- chững chạc: “Chơi game cần phải tỉnh táo, đừng biến mình làm nô lệ cho nó, vì chơi nhiều sẽ ảnh hưởng sức khỏe, ảnh hưởng việc học. Và phải dùng mạng xã hội để giúp mình tìm hiểu thông tin, học tốt hơn”.

Khi được hỏi, sao con biết được thông tin này, cô bé cười tươi: “Dạ, con xem trên mạng đó. 1 ngày con được ba mẹ cho vô mạng nửa tiếng để xem ca nhạc thiếu nhi, clip dạy kỹ năng phòng tránh XHTD trẻ em nữa”.

Ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Vĩnh Long- cho rằng: Gia đình hiện nay đang đứng trước những thách thức mới và chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực như: giá trị đạo đức có chiều hướng thay đổi, các mối quan hệ trong gia đình ngày càng trở nên lỏng lẻo, vấn nạn bạo lực trong gia đình, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng…

Do đó, việc xây dựng gia đình văn hóa, giảm thiểu những hành vi BLGĐ, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, bản sắc tốt đẹp của gia đình truyền thống cần được các cấp, các ngành quan tâm
đúng mức.

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, để đẩy mạnh thực hiện Luật Phòng chống BLGĐ, cần xác định công tác thông tin, tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm.

Các cấp ủy, chính quyền địa phương cần chú trọng phát huy vai trò của đoàn thể địa phương, các CLB, các tổ tư vấn hòa giải trong việc tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích hội viên và nhân dân chấp hành luật.

Đồng thời, nêu gương về xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xây dựng Đề án “Chăm sóc, bảo vệ trẻ em gái tránh bị XHTD và hỗ trợ trẻ em bị tổn thương giai đoạn 2018- 2022” và được UBND tỉnh phê duyệt.

Mục tiêu của đề án nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, thực hành của phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở độ tuổi từ 5 đến dưới 16 tuổi, phát huy vai trò chủ động của trẻ em trong ứng phó với các nguy cơ bị XHTD, kỹ năng tự bảo vệ mình và tham gia giải quyết có hiệu quả một số vấn đề xã hội liên quan đến trẻ em, nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực xâm hại quyền, lợi ích của trẻ em, nâng cao chất lượng cuộc sống, thực hiện đầy đủ hơn về quyền trẻ em. Ngoài ra, các cấp hội thành lập mô hình điểm về “Giảm thiểu XHTD trẻ em”, mô hình “Ngôi nhà bình yên dành cho trẻ”; CLB phòng chống bạo lực gia đình và XHTD trẻ em;…

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- CAO HUYỀN