Nuôi ước mơ đại học từ xứ rẫy

Cập nhật, 11:33, Thứ Sáu, 14/09/2018 (GMT+7)

Cha mất từ sớm, Nguyễn Thị Uyển Nhi (ấp Tân Hậu, xã Tân Bình- Bình Tân) lớn lên từ tình thương, sự tảo tần của bà, của mẹ. Vượt qua biến cố và những khó khăn, Nhi đã nỗ lực đậu vào Trường ĐH Cần Thơ, không ngừng cố gắng để hiện thực giấc mơ đến giảng đường.

Uyển Nhi lớn lên trong vòng tay yêu thương của bà, của mẹ.
Uyển Nhi lớn lên trong vòng tay yêu thương của bà, của mẹ.

Những hy sinh của bà, của mẹ

Nguyễn Thị Uyển Nhi là con gái lớn trong gia đình có 2 chị em, cha mất khi em chưa tròn 7 tuổi. Nhớ lại mất mát lớn trong cuộc đời, em rưng rưng:

“Năm đó em mới học lớp 1 nhưng không thể nào quên nỗi đau khi cha mất đột ngột, để lại khoảng trống không gì bù đắp được trong lòng bà nội và mẹ. Khi đó mẹ 33 tuổi, em trai mới qua thôi nôi”.

Nói về nỗi đau đứt ruột ấy, bà Nguyễn Thị Màu- bà nội Uyển Nhi- không cầm được nước mắt: “Con tôi Nguyễn Hữu Lợi, đột tử chết trong đêm, Lợi là đứa giỏi nhất nhà…”

Bà Màu lấy tay ngăn dòng nước mắt, nói tiếp: “Đang là thầy giáo dạy cấp 1, trụ cột gia đình”. Con trai mất không bao lâu thì bà Màu bị bệnh tiểu đường, thiếu máu cơ tim, rối loạn tuần hoàn não “có khi một tháng nằm viện 2 lần”.

Bà Màu đổi giọng run run, mắt đỏ hoe: “gần 2 công ruộng, tài sản duy nhất cũng cầm cố để trị bệnh, không biết bao giờ chuộc lại được”.

Hơn 10 năm trở thành trụ cột trong gia đình, cô Nguyễn Thị Hà từ con dâu trở thành “con gái trong nhà”, vừa làm cha cũng vừa làm mẹ chăm lo cho 2 con.

Những năm trước, cô có sạp đồ rẫy ngoài chợ “đồng ra đồng vào” nhưng không đủ nuôi mẹ và 2 con nên cô chuyển sang làm thuê để có thu nhập khá hơn.

Ở xứ rẫy Bình Tân, công việc gì cô Hà cũng không ngại, từ làm cỏ, bồi bùn cho vườn cây hay đi lặt hành, hái ớt thuê suốt từ 6 giờ sáng đến 2 giờ chiều để có 120.000đ.

Hôm chúng tôi ghé thăm, cô Hà đang lặt sâu hành bên rẫy nhà hàng xóm. Thân hình gầy gò, làn da rám nắng, cô Hà cười hiền: “Làm hổng nổi thì ráng làm được nửa buổi, cực khổ gì cũng ráng lo cho con đi học. Chỉ lo ngày không có ai kêu đi mần thôi”.

Nuôi nấng ước mơ con

Trong kỳ thi vừa rồi, Uyển Nhi đạt 16,1 điểm và đậu vào ngành chăn nuôi, Trường ĐH Cần Thơ. Từ nhỏ, Nhi đã ý thức được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, không làm phụ lòng mong đợi của mẹ.

Nhi đỡ đần mẹ những công việc nhà, dọn dẹp nhà cửa. Em luôn biết chi tiêu tiết kiệm để có tiền cho 2 chị em đi học.

Thời gian rảnh thì em đi phụ hái ớt, làm thêm ở quán cơm kiếm khoảng 30.000 đ/ngày để trang trải việc học.

Những ngày không đi học, Nhi phụ mẹ làm thuê.
Những ngày không đi học, Nhi phụ mẹ làm thuê.

Bác của Nhi- cô Lê Thị Mộng Quyên- chứng kiến em lớn lên từ nhỏ, chia sẻ: “Mẹ Nhi giỏi dữ lắm, ngày nào cũng kiếm công chuyện mần để lo cho 2 đứa con”- cô nói tiếp- “2 đứa nhỏ thì chăm ngoan, chịu khó lại học giỏi.

Con nhà người ta nghỉ tết thì 29 tới mùng 10, chị em nó đi lặt ớt từ sáng đến tối trong mấy ngày tết đó”.

Cô Quyên nhớ lại: “Gia đình đơn chiếc quá, hồi Nhi còn nhỏ, bà nội dẫn bộ đưa đi học, ẵm theo em trai Nhi luôn. Bữa nào không có người ở nhà trông nom thì bà nấu sẵn cơm rồi khóa cửa nhà, để chị em nó trong chái bếp”.

Ngày hay tin đậu ĐH, Nhi vừa mừng vừa lo “học phí gần 5 triệu đồng mẹ em cũng phải chạy đi mượn họ hàng mới có”.

Nhi hiểu con đường phía trước còn rất dài, Nhi nói: “Em định đi xin việc làm thêm khi nhập học ổn định rồi, em có kinh nghiệm chạy bàn, em sẽ cố gắng hết sức để mẹ không quá vất vả”.

Nguyễn Thị Uyển Nhi có điểm trung bình học tập khá, khối thi cao nhất đạt gần 20 điểm. Tuy nhiên, Nhi chọn ngành nông học “vì em yêu thích ngành này và rất hứng thú khi được là sinh viên khoa nông nghiệp- Trường ĐH Cần Thơ nên chọn xét tuyển khối này”.

Ước mơ đơn giản của cô bé mồ côi là “Học tốt để ra trường có việc làm nuôi em trai, chuộc lại đất cho mẹ, cho bà nội”.

Uyển Nhi đã vượt qua những khó khăn, thiếu thốn về vật chất, tinh thần để vươn lên và quyết tâm học tập. Bởi Nhi hiểu, đằng sau em là sự hy sinh của mẹ, những giọt nước mắt thầm lặng của bà. Với những nỗ lực cố gắng, hy vọng một ngày không xa những ước mơ hoài bão của Nhi sẽ sớm trở thành hiện thực.

Không thua kém chị Hai, em trai Nguyễn Phan Nhật Hiền 13 tuổi, là học sinh duy nhất của lớp đạt loại giỏi trong năm học vừa rồi và được tham gia chuyến tham quan Đà Lạt cùng Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh.


Bài, ảnh: HUYỀN THÚY