Nâng chất lượng dạy nghề nông thôn

Cập nhật, 16:46, Thứ Năm, 16/08/2018 (GMT+7)

 

Bà con ấp Chợ (xã Nhơn Phú) vui mừng vì đoạn đường đan các học viên xây dựng giúp giao thông thuận tiện, con em đi học dễ dàng.
Bà con ấp Chợ (xã Nhơn Phú) vui mừng vì đoạn đường đan các học viên xây dựng giúp giao thông thuận tiện, con em đi học dễ dàng.

Tỉnh Vĩnh Long đề ra mục tiêu trong năm 2018 đào tạo nghề cho 6.000 lao động nông thôn (LĐNT), trong đó, tập trung đào tạo nghề nông nghiệp cho 1.900 LĐ nhằm tạo việc làm tại chỗ và tại các vùng chuyên canh; đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 4.100 LĐ có nhu cầu tìm thêm việc làm, chuyển đổi nghề.

Kết quả dạy nghề cho LĐNT trong thời gian qua đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế ở các vùng nông thôn, góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Dạy nghề nông thôn gắn với thực tiễn

Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long Võ Văn Tám cho biết: “Đề án đào tạo nghề cho LĐNT” nhằm đào tạo nghề cho LĐNT gắn với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng nguồn LĐ của địa phương.

Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với hiệu quả giải quyết việc làm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho LĐNT. Và trong năm 2018, tổng kinh phí thực hiện đề án này là 11,5 tỷ đồng”.

Thực hiện đề án này, nhiều địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia, trong đó luôn chú ý tới nhu cầu người học.

Ông Nguyễn Văn Nguyên- Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên huyện Mang Thít- cho biết: Huyện vừa mở lớp đào tạo nghề xây dựng dân dụng với mô hình thực hành gắn liền công trình địa phương đầu tiên của tỉnh tổ chức tại ấp Phú Thọ (xã Nhơn Phú) trong 3 tháng (từ ngày 12/4- 12/7/2018).

Mô hình đào tạo nghề xây dựng dân dụng này có nhiều thay đổi so với các khóa học trước bởi học viên vừa học vừa thực hành là xây dựng công trình địa phương. Trong 3 tháng học tập, 18 học viên đã thực hành xây dựng đường đan ấp Phú Thọ dài 101m, ngang 1,6m và đường đan ấp Chợ dài 100m, ngang 2m với tổng kinh phí gần 80 triệu đồng.

Kết thúc khóa học, 100% học viên hoàn thành tốt bài kiểm tra kỹ năng, tay nghề và hiệu quả công việc khi thực hành xây tô nhà đồng đội tại ấp trong thời gian 180 phút.

Ông Nguyễn Hồng Khán- Bí thư chi bộ, Trưởng ấp Phú Thọ- cho biết: “Dù thời tiết nắng hay mưa thất thường nhưng các anh em vẫn rất nhiệt tình, tích cực trong học tập. Công trình tại địa phương được các anh em hoàn thiện cũng là niềm vui của tôi, của anh em nhằm phục vụ bà con trong xã này”.

Anh Lê Thanh Mộng (ấp Phú Thọ) phấn khởi: “Tui rất mừng vì được hỗ trợ đào tạo nghề. Anh em tụi tui trước đây chưa có việc làm ổn định, ai thuê gì làm nấy thì bây giờ cũng có cái nghề để kiếm tiền lo cho gia đình.

Trực tiếp phụ hợ xây đường đan ở địa phương, cất tô nhà đồng đội cũng là việc ý nghĩa mà tụi tui vừa được học, vừa được thực hành giúp ích cho xã mình”.

Theo Ông Võ Thanh Tú- Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Phú, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm sẽ giúp LĐ địa phương ổn định cuộc sống. LĐ ở xã trước nay làm nghề sản xuất gạch ngói nhưng trong tình hình hiện nay, LĐ sản xuất tiểu thủ công nghiệp còn gặp khá nhiều khó khăn.

Lớp xây dựng dân dụng vừa mở, góp phần giúp LĐ có kỹ thuật vững vàng, có thêm cơ hội tìm việc làm để nâng cao thu nhập. Theo kế hoạch, năm 2018, xã sẽ mở 11 lớp đào tạo nghề cho LĐNT với 2 lớp xây dựng dân dụng

Để nâng cao chất lượng đào tạo, tỉnh đã đầu tư mua sắm bổ sung trang thiết bị đào tạo nghề cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tham gia đào tạo nghề cho LĐNT; giao cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở đào tạo khác có tham gia đào tạo nghề cho LĐNT tổ chức xây dựng, biên soạn lại chương trình đào tạo phù hợp với các văn bản quy định hiện hành và thực tế tình hình địa phương; tiếp tục thực hiện đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy nghề về nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng dạy học, kỹ năng nghề, phương pháp giảng dạy mới.

Nâng chất lượng dạy nghề cho LĐNT

Vấn đề đào tạo nghề cho LĐNT luôn được tỉnh quan tâm làm sao phải sát với thực tiễn, gắn với các mô hình sản xuất. Ở nhiều vùng quê, không khí học việc và thực hành thường rộn tiếng cười. Họ hào hứng vì học biết việc để làm và hàng ngày cũng có thêm đôi chút thu nhập.

Ông Nguyễn Văn Ngoan- Chủ tịch UBND xã Hiếu Nhơn (Vũng Liêm)- cho biết: Đời sống kinh tế của người dân ở đây chủ yếu từ 3 loại hình: nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại- dịch vụ. Riêng tiểu thủ công nghiệp, xã có nhiều mô hình: đan đát (ghế, chậu, thảm lục bình...), bóc vỏ hạt điều, tách đầu tôm,... mang hiệu quả lớn cho LĐNT.

“Tận dụng lợi thế này, xã mở các lớp đào tạo nghề LĐNT và được nhiều người tham gia. Người nông thôn thu nhập từ canh tác nông nghiệp không nhiều, vì thế có thêm nghề đắp đổi lúc nông nhàn cũng đỡ thêm một phần nhằm ổn định cuộc sống”- ông Nguyễn Văn Ngoan nhìn nhận.

Vĩnh Long đảm bảo nâng cao hiệu quả đào tạo gắn với giải quyết việc làm, tạo việc làm cho lao động nông thôn sau đào tạo.
Vĩnh Long đảm bảo nâng cao hiệu quả đào tạo gắn với giải quyết việc làm, tạo việc làm cho lao động nông thôn sau đào tạo.

Chị Phạm Thị Kim Dung (ấp Bờ Dầu, xã Chánh Hội- Mang Thít) khoe: “Mỗi ngày tui vừa đánh bính dây lác vừa kết thành đĩa tròn được hơn chục miếng, với tiền gia công 10.500 đ/miếng, cũng bỏ túi được 120.000 đ/ngày.

Ở quê, thời gian nông nhàn vừa có thể chăm lo việc nhà lại có thu nhập ổn định như thế này, nên mấy chị trong tổ đan ai cũng mê lắm! So với công việc ở lò gạch thì việc này nhẹ nhàng hơn nhiều và giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương”.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh- Phó Chủ tịch UBND xã Trà Côn (Trà Ôn), các lớp dạy nghề nông thôn thời gian qua đã nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo tại xã lên 33,91%, với 2.721/8.023 người trong độ tuổi LĐ có nghề, đạt chỉ tiêu đào tạo nghề trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Qua học nghề, nhiều chị em trong xã có thêm một phần thu nhập, đồng nghĩa với thời gian nông nhàn được tận dụng hiệu quả hơn.

Để thực hiện hiệu quả đề án, tỉnh Vĩnh Long tăng cường tuyên truyền, tư vấn học nghề và phổ biến các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho LĐNT; tổ chức rà soát, lập quy hoạch ngành nghề đào tạo, dự báo nhu cầu học nghề của LĐNT và nhu cầu sử dụng LĐ qua đào tạo của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhằm góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm cho LĐ sau học nghề.

Thời gian qua, tỉnh quan tâm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với LĐNT học nghề như: chính sách về hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho các đối tượng chính sách; thường xuyên đánh giá hiệu quả giải quyết việc làm và mức thu nhập của LĐNT sau học nghề; giám sát công tác quản lý, duy trì việc làm cho LĐNT sau đào tạo.

Bài, ảnh: QUYÊN THÚY