Bình Tân chủ động ứng phó thiên tai mùa mưa lũ

Cập nhật, 15:15, Thứ Tư, 15/08/2018 (GMT+7)

Lũ đầu nguồn năm nay về sớm và cao hơn mọi năm. Triều cường và những đợt mưa liên tục khiến tình hình sạt lở trên địa bàn huyện Bình Tân ngày càng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng hơn gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, giao thông đi lại và đời sống của người dân địa phương.

Trước tình hình này, huyện gấp rút thi công các công trình thủy lợi cơ giới và công tác phòng chống thiên tai chuẩn bị tốt để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Những cánh đồng ở xã Thành Đông vẫn canh tác bình thường, nhờ hệ thống đê bao hoàn chỉnh.
Những cánh đồng ở xã Thành Đông vẫn canh tác bình thường, nhờ hệ thống đê bao hoàn chỉnh.

Chủ động đón lũ, khắc phục sạt lở

Theo Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, lũ đầu nguồn năm nay về sớm và cao hơn mọi năm. Mức triều cao nhất năm 2018 ở Mỹ Thuận sẽ cao hơn báo động 3 từ 0,1- 0,2m, tức khoảng 1,9- 2m, xuất hiện vào các kỳ triều cường nửa đầu tháng 10, tháng 11.

Huyện Bình Tân hiện đang gấp rút thi công các công trình thủy lợi cơ giới nhằm đề phòng lũ lớn, phục vụ sản xuất, dân sinh.

Với tổng vốn đầu tư năm 2018 trên 7,2 tỷ đồng từ nhiều nguồn khác nhau, huyện thi công 15 công trình cơ giới dài trên 19.730m.

Trong đó, nguồn thủy lợi phí cấp bù 2,527 tỷ, xây dựng 8 công trình dài 12.290m, gồm: nâng cấp, sửa chữa kinh Lung Môn, ngọn bờ bao kinh Câu Dụng, bờ bao kinh Bờ Gòn (xã Tân Thành), nạo vét kết hợp đắp bờ bao kinh Đòn Dông (xã Tân Hưng), nạo vét kết hợp đắp bờ bao kinh Bờ Đai (xã Tân Bình), đúc bọng phi 80, 120 cho 2 xã Thành Lợi và Tân An Thạnh…

Điểm sạt lở ở ấp Thành Phú (xã Thành Lợi).
Điểm sạt lở ở ấp Thành Phú (xã Thành Lợi).

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Bình Tân, trong tháng 7/2018, gió, lốc làm tốc mái 5 căn nhà, 169 căn nhà phải chằng, chống trước nguy cơ sập, tốc mái trong mùa mưa, bão.

Toàn huyện Bình Tân vẫn còn 9 đoạn sạt lở bờ sông cần khắc phục kịp thời như: đoạn dọc kinh Hai Quý thuộc ấp Thành Phú và Thành Đức (xã Thành Lợi) dài hơn 1.000m; đoạn dọc theo kinh Chú Bèn thuộc ấp Thành Thọ và Thành Ninh (xã Thành Lợi) tổng chiều dài gần 2.000m; đoạn dọc theo sông Bà Đồng (ấp Tân Thới, xã Tân Bình) dài 60m;…

Trước thực trạng trên, một số đoạn sạt lở đã được Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Bình Tân chỉ đạo các ngành và địa phương tổ chức khắc phục, gia cố tạm thời, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân có ý thức tự bảo vệ các đoạn đường đan, tận dụng cơ sở vật chất hiện có để kè, chống, góp phần hạn chế tình trạng sạt lở có thể diễn ra nghiêm trọng hơn.

Huyện đang trình Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long xem xét hỗ trợ kinh phí để địa phương kịp thời khắc phục, đảm bảo cho việc sản xuất và đi lại của người dân.

Xã Thành Lợi ứng phó sạt lở

Bí thư Đảng ủy xã Thành Lợi Huỳnh Thanh Tùng cho biết: Hiện khu vực sạt lở nghiêm trọng nhất trên địa bàn xã tập trung tại ấp Thành Phú, từ Tổ 2 đến Tổ 28 cặp kinh Hai Quý với chiều dài ước khoảng 1.100m.

Có khoảng 120 hộ sống trong khu vực này, với 20 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp do sống sát tuyến kinh.

Từ năm 2014, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai huyện Bình Tân kết hợp với xã đã có những giải pháp di dời các hộ dân về cụm dân cư Thu Loan (phường Thành Phước- TX Bình Minh), dời về xã Tân Quới và đang chờ quy hoạch nền trong cụm- tuyến dân cư tại xã để bố trí cho các hộ dân.

Tuy nhiên, một số hộ bị sạt lở ảnh hưởng trực tiếp có cuộc sống khó khăn, không có diện tích đất để di dời, kinh phí hỗ trợ cho các hộ quá ít.

Dẫn chúng tôi đến điểm sạt lở tại Tổ 22 (ấp Thành Phú), anh Ngô Thanh Hiền- cán bộ nông nghiệp xã- chỉ căn nhà gỗ xập xệ đã khóa cửa, đất sụp, lún sát cửa nhà: “Nhà tôi lúc trước ở đây, buồn dữ lắm nhưng nguy hiểm quá phải bất đắc dĩ dời đi”.

Gia đình anh Nguyễn Khắc Nhựt là một trong những hộ bám trụ lại đây lâu nhất. Anh tự bỏ tiền túi hơn 10 triệu đồng và công lao động để gia cố, sửa chữa lại đoạn sạt lở nhiều lần nhưng sạt lở ngày một nghiêm trọng hơn. Vật liệu thô sơ, những cây cừ tràm chi chít trước cửa nhà cũng “chịu thua” trước những đợt triều cường.

Gia đình anh Nhựt tự làm bờ kè tạm bằng cừ tràm.
Gia đình anh Nhựt tự làm bờ kè tạm bằng cừ tràm.

“Mẹ già, vợ chồng tui với 2 đứa con cứ trời mưa là ngồi dòm, đâu có dám ngủ, lúc nào cũng hồi hộp, phập phồng. Xây tấn xung quanh lên cao 5 cục gạch trước nhà sợ nước tràn vô”- vừa nói, anh Nhựt chỉ cây cột điện đang nghiêng trước nhà- “Không di dời thì vài bữa cây cột điện này sụp xuống luôn”.

Anh Nhựt nhíu mày, chỉ ngôi nhà phía xa: “Chú Mười Lâm bị bệnh nằm ở nhà, vợ thì may vá kiếm tiền sống qua ngày. Bà con nghèo quá, tiền đâu mà di dời bây giờ?” Anh mong ước: “Có an cư thì mới lạc nghiệp. Nếu được hỗ trợ thì tụi tui sẵn sàng dời đi để có nơi an toàn, kiên cố là được”.

Hơn 20 năm gắn bó với căn nhà cặp mé sông ở Tổ 26 (ấp Thành Phú) nhưng tháng trước, gia đình cô Lê Thị Tiếu “sợ hú vía” phải dời căn nhà lùi ra phía sau khoảng 8m. Cô Tiếu kể: “Mới 5 giờ sáng, tui nghe đất kêu lụp bụp, lắc rắc, chó sủa liên tục.

Vợ chồng với đứa con gái vừa tháo chạy thì miếng đất trước nhà sụp xuống sông mất tích như có ai lấy tay ấn nó xuống vậy hà. Tui bị bệnh không làm việc nặng được, vợ chồng làm nhang, sống đắp đổi, dời nhà tốn gần 70 triệu, bà con giúp đỡ với mượn nợ thêm để dời nhà chứ giông gió thì đứng ngồi hổng yên”.

Bình Tân là địa bàn xung yếu hàng năm có nhiều cơn lốc xoáy làm ảnh hưởng nhà cửa; đặc biệt là mùa mưa lũ đe dọa hoa màu. Song, do chủ động công tác phòng chống, hệ thống đê bao hoàn chỉnh đảm bảo bà con yên tâm canh tác.

Riêng đối với những hộ dân sống trong vùng sạt lở, cần có những giải pháp cấp bách trước mắt; đồng thời nhanh chóng xây dựng bờ kè vững chắc hoặc hỗ trợ sớm di dời, không nên kéo dài để bà con phải nơm nớp mất ăn mất ngủ khi không biết sạt lở tiếp tục xảy ra lúc nào. “Ăn ngủ không yên thì còn đâu hơi sức mà mần ăn”- nghe bà con than phiền mà đứt ruột.

Anh Nguyễn Khắc Nhựt (ấp Thành Phú, xã Thành Lợi) trông đợi từng ngày sớm thi công bờ kè chống sạt lở chắc chắn để mọi người an tâm, bởi sống cái cảnh mà chỉ cần đang mưa gió lớn chút là không ai chợp mắt được. Nếu triển khai công tác di dời thì gia đình anh cũng sẵn sàng chấp hành. Trong khi chờ đợi, thì anh phải tự bỏ tiền túi mười mấy triệu đồng tự đóng kè tạm bợ; mà các hàm ếch sạt lở vẫn đang diễn biến nguy hiểm.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY