Rộn tiếng cười trong lớp dạy nghề nông thôn

Cập nhật, 05:43, Thứ Tư, 04/07/2018 (GMT+7)

Những lớp dạy nghề cho lao động nông thôn ở huyện Trà Ôn trong các năm qua đã giúp nâng tỷ lệ lao động có tay nghề và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Ở nhiều vùng quê và tại các lớp này, không khí học việc và thực hành thường rộn tiếng cười. Họ hào hứng vì học biết việc để làm và cuộc sống hàng ngày cũng có thêm đôi chút thu nhập.

Nơi người dân dành nhiều cho đan đát

Nhà Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Ngãi Lộ A (xã Trà Côn) Phạm Thị Kiều Oanh với gần chục phụ nữ đang nói cười huyên thuyên, đây là nhóm của lớp học nghề đan khung bằng dây nhựa vừa mở.

“Đầu năm tới nay, lớp này là lớp thứ 3 mở ở đây, mỗi lớp 35 học viên, chủ yếu là phụ nữ trong ấp. Qua thời gian, giờ chị em còn “đeo” theo đan cỡ 70- 80 người”- chị Kiều Oanh cho biết.

Lớp này là “lớp hè”, nên có các học sinh phổ thông nghỉ hè theo mẹ, theo chị đến học đan. Nhiều đôi bàn tay nhanh nhẹn và khéo léo.

Bây giờ đang phong trào đan dây nhựa cho doanh nghiệp đối tác ở Bình Dương, Đồng Nai. Qua các lớp học, phụ nữ trung niên, con gái ở xóm này đều đã đan được mặt hàng mắt cáo, khung, chậu.

Ông Nguyễn Phúc Linh ở xã Nhơn Bình là đầu mối vừa nhận đơn hàng vừa dạy nghề cho học viên, nói nghề đan cũng cần kỹ thuật, đặc biệt phải tỉ mỉ, kiên trì. Học viên học tầm một tháng sẽ ra nghề.

Bà Bé Ba được kể vui là người ham học nhất, bởi lớp đan đát nào bà cũng có mặt. Bà nói mỗi lớp đan mới sẽ có mẫu mã và cách đan mới, nên sẽ tham gia để biết thêm cách đan và giờ coi như biết đan tất cả sản phẩm.

“Lớp nào học cũng vui, nhiều chị em biết đan, cũng có chị em đan không được khéo. Lớp tới mở tui cũng tham gia luôn...”- bà Bé Ba cười khi xiên dây nhựa trên khung.

Đối tượng học nghề chủ yếu là người diện hộ nghèo, cận nghèo, người gia đình chính sách. Bà Lê Thị Sáu- Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Trà Côn- cho biết: Năm 2017, hội phối hợp mở 22 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn ở các ấp.

Đầu năm đến nay, đã mở 5 lớp:4 lớp đan và 1 lớp xây dựng dân dụng (chủ yếu đàn ông học làm thợ xây). Lớp xây dựng khoảng tuần nữa sẽ ra nghề bằng buổi thực hành xây một đoạn kè trong ấp.

Nhà bà Kiều Oanh (người đứng) là điểm mở lớp dạy nghề đan đát cho bà con ở ấp Ngãi Lộ A. Trong ảnh: Các học sinh trong xóm theo học đan trong những ngày hè.
Nhà bà Kiều Oanh (người đứng) là điểm mở lớp dạy nghề đan đát cho bà con ở ấp Ngãi Lộ A. Trong ảnh: Các học sinh trong xóm theo học đan trong những ngày hè.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh- Phó Chủ tịch UBND xã Trà Côn- cho biết, các lớp dạy nghề nông thôn thời gian qua đã nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tại xã lên 33,91%, với 2.721/8.023 người trong độ tuổi lao động có nghề, đạt chỉ tiêu đào tạo nghề trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Qua học nghề, nhiều chị em trong xã có thêm một phần thu nhập, đồng nghĩa với thời gian nông nhàn được tận dụng hiệu quả hơn.

Hướng dạy nghề về nơi đông đồng bào dân tộc

Có nhiều lớp dạy nghề, trong đó chủ yếu là nghề đan, may, một số ít tách vỏ hạt điều và xây dựng dân dụng.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trà Côn Lê Thị Sáu (người đứng) luôn theo sát thực tế và đem cái nghề về giúp lao động nông thôn có công ăn việc làm.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trà Côn Lê Thị Sáu (người đứng) luôn theo sát thực tế và đem cái nghề về giúp lao động nông thôn có công ăn việc làm.

May gia công hiện xã có 3 tổ, với tổng số khoảng 70 người. Nghề đan đát đang nở rộ ở ấp Ngãi Lộ A và theo bà Kiều Oanh, “10 phần thì hết 9 là bà con đồng bào Khmer ở ấp tham gia”.

Xã có 10 ấp, tới nay 5 ấp (Ngãi Lộ A, Ngãi Lộ B, Tầm Vu, Rạch Vẹt, Bang Chang) tham gia việc đào tạo nghề lao động nông thôn và đang phát triển mạnh.

Thống kê của Hội Liên hiệp phụ nữ xã, năm ngoái các lớp nghề nông thôn đã giải quyết việc làm cho 250 lao động tại chỗ. Bà Kiều Oanh nói “quan trọng là siêng làm”, nếu siêng mỗi tuần giao sản phẩm đan có thể thu vài ba trăm ngàn.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã- Lê Thị Sáu cho hay, bình quân tháng mỗi chị em đan đát cũng có thể thu nhập từ 1- 2 triệu đồng.

Còn bà Bé Ba nói tiền điện, tiền nước, tiền chợ hàng ngày thì khỏi phải lo nhờ việc đan đát. Hay như các học sinh mùa nghỉ hè theo đan đát cũng phụ cha mẹ hoặc dành tiền đi học.

Theo bà Lê Thị Sáu, điểm tích cực nữa là có phụ nữ trong xóm vì điều kiện nào đó mà không tham gia lớp học sẽ sang hàng xóm học lúc đem hàng về nhà đan. Vậy rồi họ cũng đan được và cũng nhận nguyên liệu về làm.

Điểm nữa là trước đây, dạy các nghề này nhiều phụ nữ diện nghèo, cận nghèo có học đan nhưng ít chịu “đeo” nghề, thành ra hiệu quả thấp. Nay đối tượng này và cả những chị em nhà khá giả nông nhàn, ai ai học xong cũng đều làm ra sản phẩm.

Theo bà Hoàng Oanh, ngoài Ngãi Lộ A, hướng tới xã sẽ đưa nghề nông thôn rộng về Ngãi Lộ B, Thôn Rôn. Nơi đây tập trung đông đồng bào Khmer.

Với đặc trưng tập quán ý thức của bà con đồng bào dân tộc, dạy nghề nông thôn khi duy trì phát triển ở đây sẽ giải quyết hiệu quả nhu cầu lao động, việc làm tại chỗ và thu nhập cho bà con.

Theo Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội Trà Ôn, 6 tháng đầu năm 2018, đã tư vấn giới thiệu cho 3.780/6.500 người đi làm việc trong và ngoài tỉnh (58%); tạo việc làm mới cho 702/1.000 người (70,2%); phối hợp tổ chức khai giảng 14 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với 462/800 học viên (58%); xuất khẩu lao động 140/220 trường hợp (63,6%).

Bài, ảnh: MINH THÁI