Những trái tim thiện nguyện không già

Kỳ cuối: Gửi yêu thương cho đến ngày trở về cát bụi...

Cập nhật, 06:00, Thứ Năm, 12/07/2018 (GMT+7)

Thầy Nguyễn Thành Hổ (80 tuổi, xã Tân An Luông- Vũng Liêm) tỉ mỉ ghi lại danh sách những người thầy đã vận động vào một cuốn sổ lớn. Đôi bàn tay nhăn nheo run run nhưng vẫn nắn nót từng dòng chữ.

Gấp cuốn thứ 20 lại, thầy Hổ cho biết đã gắn bó với các hoạt động thiện nguyện hơn 20 năm nay rồi. Đó là 20 năm, đi khắp nơi viết đơn “miễn phí” cho hàng ngàn lượt mảnh đời, qua đó vận động khoảng 6 tỷ đồng đến hộ khó khăn.

Thầy Hổ chia sẻ: “Tôi rất kính phục tấm lòng cao cả của Bác Hồ vì nước, vì dân, đặc biệt là chăm lo đời sống, sức khỏe cho nhân dân. Vì thế, tôi đã tình nguyện làm nhịp cầu nhân ái để có thể đóng góp một phần công sức của mình giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh vươn lên trong cuộc sống”.

Thầy Hổ đồng hành với những hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn.
Thầy Hổ đồng hành với những hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn.

Người làm hồ sơ chuyên nghiệp

Nói tới thầy Nguyễn Thành Hổ thì những người từng làm công tác xã hội không ai là không biết. Thầy nổi tiếng vì địa chỉ nào có thầy thì xem như “ấm lòng” hơn, bởi thầy có “mối mang” vận động rất nhiều.

Không chỉ vận động, thầy Hổ còn viết đơn dùm những hộ khó khăn “miễn ở đâu thực sự khó, kêu là tui tới”.

Nhớ mấy năm trước đây, dù gia đình không đến nỗi khó khăn nhưng thầy Hổ không cho con cất nhà cho mình mà thầy vẫn sống trong căn nhà lá.

Hôm gặp thầy trong buổi quay chương trình Địa chỉ nhân đạo ở xứ rẫy Bình Tân, thầy cười móm mém: “Nhà trên của tôi giờ lợp tôn, vẫn vách lá vì tôi nói với mấy đứa con để tiền ba làm việc thiện, ba thích ở vậy cho mát”.

Thầy Hổ nguyên là giáo viên Trường THCS Hòa Thạnh (Tam Bình), ngay khi còn giảng dạy ở trường thì “tôi thấy học trò khổ không chịu được, nhiều em nghỉ học vì gia đình nghèo”.

Vậy là thầy Hổ dùng tiền lương giáo viên của mình nhận trò làm con nuôi, giúp đỡ trò học đến nơi, đến chốn. Thầy Hổ cười, khoe: “Trong số học trò tôi giúp ngày xưa, giờ có người đã khá giả nên tham gia giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác”.

Thầy Hổ đến với chương trình Địa chỉ nhân đạo của Đài Phát thanh-Truyền hình Vĩnh Long và mục Địa chỉ nhân đạo trên Báo Vĩnh Long bởi vì tấm lòng thương người.

Những ngày đầu, thầy bỏ tiền túi đóng góp cho các chương trình, rồi chạy xe theo những người thực hiện chương trình, chuyên mục để lắng nghe từng hoàn cảnh.

Rồi thầy vận động những người thân xung quanh, rồi người thân lại giới thiệu người thân và những người quen. “Tới nay, mỗi tuần tôi vận động khoảng 50 người, số tiền bình quân mỗi tuần là 13 triệu đồng”.

Sở dĩ thầy Hổ được nhiều người tin tưởng ủng hộ vì có uy tín và trách nhiệm và bản thân thầy cũng “dùng tiền các con cho để làm từ thiện”.

Trên tay còn cầm vài chục phiếu thu của Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long, thầy Hổ kiểm tra tới lui nhiều bận trước khi đem trao phiếu thu đến từng người “hứa ủng hộ”. 

Bên cạnh đó, thầy Hổ còn ghi chép hết sức cẩn thận, đầy đủ về những hoàn cảnh, trao ngày nào, ai ủng hộ và số tiền ủng hộ là bao nhiêu.

Phía sau mỗi quyển sổ, thầy ghi những hoàn cảnh mà mình đã và sắp viết đơn dùm. “Viết dùm, không lấy của ai một đồng nào hay quà cáp gì nghen”- thầy Hổ cho biết.

Chỉ cần một cuộc điện thoại, một lời nhắn, là thầy Hổ đã sẵn sàng lên đường, bất kể gần hay xa. Đối với những hoàn cảnh khó khăn thật sự, cần được trợ giúp khẩn cấp, khi biết được thông tin, thầy còn tận tình đến tận nhà viết hồ sơ gửi về chương trình Địa chỉ nhân đạo.

Thầy tâm sự: “Mình đến kịp thời thì người bệnh đỡ đau một chút, giúp được một người là mừng được một người. Đầu óc mình còn minh mẫn, tay mình còn viết được thì mình vẫn phải làm”.

Quyển danh sách dày cộm, đầy đặn của thầy Hổ.
Quyển danh sách dày cộm, đầy đặn của thầy Hổ.

Hôm gặp thầy ở Phường 8 (TP Vĩnh Long), thầy bận đợi “xong chương trình, để hỏi nhà báo Bích Chi xem hoàn cảnh này đài giúp đỡ được không?”

Như một người khảo sát chuyên nghiệp, thầy Hổ đã nằm lòng quy định của từng chương trình hay chuyên mục để biết cách làm đơn. Ngoài ra, những địa chỉ thầy giới thiệu, thầy đã khảo sát trước một bước để đảm bảo “đúng người đúng việc”.

Ứng tiền làm từ thiện

Những năm gần đây, thầy Hổ không tự chạy xe máy được nên thầy “đi làm từ thiện bằng xe ôm”. Thầy cười hiền khô: “Tôi bị rối loạn tiền đình nên không tự chạy xe được nữa, cũng già rồi”.

Chú Nguyễn Hoàng Tâm là tài xế chở thầy Hổ mấy năm nay, nói: “Tôi quý thầy Hổ và tấm lòng của thầy nên chở thầy đi theo chương trình, đi vận động rồi thu tiền,… lấy tiền xăng lại thôi”.

Đã thành thông lệ, mỗi tuần thầy Hổ dành thứ tư đi theo chương trình Địa chỉ nhân đạo, đi viết đơn; từ thứ 5 đến thứ 7 thì đến từng nhà hảo tâm để gom tiền.

Để ủng hộ các chương trình, thầy Hổ luôn ứng tiền túi ra trước dựa trên số tiền những người hảo tâm đã đăng ký cho rồi sau đó mới đi thu lại.

Khi chúng tôi hỏi thầy có khi nào bị “hụt tiền túi không” thì thầy cười móm mém: “Cái đó thì chỉ thỉnh thoảng thôi nhưng không sao cả, tôi làm bằng tấm lòng và cũng quý những tấm lòng đã nghĩ đến người khác, như vậy là vui rồi”.

Thầy Hổ nói vậy là bởi lẽ, đôi khi chồng định cho 200.000đ mà vợ lại đăng ký đến 300.000đ, hoặc vợ chồng người cho người không,…

“Hơn 20 năm ăn cơm nhà đi làm từ thiện có nhiều việc xảy ra nhưng tóm lại tôi vẫn thấy có nhiều tấm lòng rất đẹp, tôi gom những tấm lòng ấy lại nối với những hộ khó khăn”.

Địa chỉ nhân đạo qua 18 năm, con đường nhân đạo của thầy Hổ cũng đúng chừng ấy năm không ngơi nghỉ… Con đường tình người ấy có thể bớt bùn lầy gian nan hơn trước nhưng chưa bao giờ thôi vất vả.

Có lẽ, thấy được tấm lòng này mà nhiều bà con ở các nơi như: Trung Ngãi, Quới An, Cái Ngang, Hòa Bình, Cầu Mới, Long Hồ, TP Vĩnh Long,… tự nguyện thành lập nhóm từ thiện.

Đến nay, đã có hơn 150 người cùng kề vai sát cánh với thầy Hổ. Nhiều người gặp thầy ở ngoài đường vẫn tin tưởng giao tiền cho thầy giúp người nghèo mà không cần bất kỳ một tờ giấy biên nhận nào, tất cả chỉ dựa vào niềm tin đối với thầy Hổ.

Cứ như vậy, từ vài triệu đồng, hiện nay trung bình mỗi tuần nhóm của thầy huy động được trên dưới 10 triệu đồng cho mỗi địa chỉ nhân đạo.

Tính đến nay, thầy và những người bạn huy động được cho chương trình trên 3,5 tỷ đồng. Thầy cũng không nhớ nổi mình đã được nhận những bằng khen gì, chỉ biết “cỡ 50 cái và đã được đi Hà Nội mấy bận rồi”.

Một trong 20 quyển sổ của thầy Hổ.
Một trong 20 quyển sổ của thầy Hổ.

Thầy Hổ không phải không trân quý những món quà tinh thần dành cho mình mà với thầy bằng khen không quan trọng bằng những con người thực sự được giúp đỡ đã vươn lên sống tốt hơn.

Niềm hạnh phúc của thầy Hổ là những hoàn cảnh khó khăn được mình viết đơn giới thiệu, vận động nhà hảo tâm mà vượt khó, thoát nghèo.

Đó là 2 bé mồ côi ở Long Hồ đã được cấp dưỡng đều đặn hàng tháng, là “thằng bé học sinh nghèo ở Tân Long trèo dừa bị té, nó lành lại lên thăm thầy hoài”.

Hay tin hoàn cảnh anh Lâm Minh Thảo (ấp Hòa Bình, xã Nguyễn Văn Thảnh- Bình Tân) bị bệnh hoại tử chỏm xương đùi hai bên, không thể đi lại được nhưng cần chi phí hơn 70 triệu đồng phẫu thuật nên anh đành gác lại vì gia cảnh quá khó khăn, thầy Hổ đã tìm đến nhà.

Thầy khảo sát hoàn cảnh và viết đơn gởi mục Địa chỉ nhân đạo. Sau khi hoàn cảnh của anh Thảo được “Địa chỉ nhân đạo” tìm đến và phát sóng, các nhà hảo tâm đã chung tay giúp sức hơn 59 triệu đồng, giúp anh có điều kiện chữa khỏi bệnh tình, hy vọng cuộc sống bước sang trang mới. Hôm được nhận tiền, vợ chồng anh Thảo còn rưng rưng “Tụi con đội ơn thầy!”

Trên những con đường gập ghềnh, trắc trở, một mái tóc bạc phơ vẫn kiên trì tìm đến người nghèo để cùng họ chia sẻ những đớn đau, bệnh tật. Với tấm lòng nhân ái của mình, thầy còn một nguyện ước: một mai khi trở về cát bụi thì số tiền phúng điếu của thầy sẽ dành cho bà con nghèo ở khắp nơi!

Qua thực hiện loạt bài này, chúng tôi cảm nhận các ông, bà không chỉ là những người làm thiện nguyện bằng cái tâm trong sáng mà mỗi người còn là một tấm gương về thực hiện dân vận. Bác Hồ từng nói “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Vì thế, bằng uy tín, trách nhiệm, tấm lòng thương người của mình, các ông bà đã vận động nhiều nhà hảo tâm đến với những mảnh đời còn khó khăn, cơ nhỡ.

Chúng tôi tin rằng, những trái tim thiện nguyện ấy không chỉ thắp sáng niềm tin cho những hộ nghèo, hộ khó khăn mà còn khơi dậy tấm lòng nhân của cộng đồng để xã hội ngày càng tử tế, nghĩa tình hơn.

Nhà báo Bích Chi cảm kích: “Nhờ chữ tín từ quy trình vận động- đóng góp của thầy Hổ rõ ràng, minh bạch và cũng bởi quý mến, cảm phục tấm lòng của ông giáo già hết lòng vì bệnh nhân nghèo, mà số lượng nhà hảo tâm đồng hành thường xuyên ngày một tăng lên. Không đơn thuần chỉ là con số, điều quý giá nhất được thầy mang đến chương trình chính là nhiệt tâm cống hiến”.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- CAO HUYỀN