Những trái tim thiện nguyện không già

Kỳ 2: Bà ngoại Sáu của trẻ bại não

Cập nhật, 05:32, Thứ Tư, 11/07/2018 (GMT+7)

Bà ngoại Sáu là tên gọi thân mật mà các trẻ bại não đang tập luyện ở Cơ sở Phục hồi chức năng cho trẻ bại não Ngọc Điểu (Phường 4- TP Vĩnh Long) dành cho Đại úy, bác sĩ Lê Thị Hoa.

Ngoại Sáu có đến 14 năm ra công tập miễn phí cho trẻ da cam, bại não,… Không có chồng, không có con nhưng bà có rất nhiều cháu ngoại…

Hàng trăm cơ thể khiếm khuyết mà ngày ngày bà xoa xoa, nắn nắn mong vá lành những nỗi đau. Có một điều ít cháu ngoại nào biết: trước khi trở thành bác sĩ cùng các cháu chiến đấu với khiếm khuyết, ngoại Sáu là chiến sĩ trên chiến trường.

Bà ngoại Sáu là chỗ dựa tinh thần, nuôi hy vọng cho trẻ bại não qua những bài tập vật lý trị liệu.
Bà ngoại Sáu là chỗ dựa tinh thần, nuôi hy vọng cho trẻ bại não qua những bài tập vật lý trị liệu.

Bà ngoại là chiến sĩ

Cô Lê Thị Hoa 69 tuổi (Phường 4- TP Vĩnh Long) là con gái thứ 6 trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang).

Nhà cô có cả thảy 9 anh chị em thì “chỉ còn em út ở nhà chưa tham gia cách mạng”. Cô Hoa nói: “Thì từ hồi nhỏ xíu, tôi đã được các anh, các chú giao các phần việc thanh niên địa phương, 17 tuổi vào bộ đội chủ lực Quân khu 8”.

Cô Sáu say mê kể về một thời bom đạn với những chi tiết “không thể nào quên” mà giờ đây thỉnh thoảng cô vẫn gặp trong mơ: hình ảnh tải thương, những chiến sĩ hy sinh, những tấm gương, những chiến công, nụ cười và cả giọt nước mắt.

“Chiến dịch Mậu Thân, chúng tôi đã hát những khúc ca hào hùng trên sông Vàm Cỏ,… Bị phản công dữ dội, đại đội tôi hy sinh rất nhiều. Tôi may mắn là một trong ít người còn sống trở về”.

Sau đó, cô Sáu được đơn vị cử đi học y tá, không trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường nhưng hiểm nguy luôn rình rập. Hạnh phúc của cô là những chuyến tải thương được bình yên, những chiến sĩ bình phục trở lại chiến trường.

Quá nhiều những kỷ niệm vui buồn, những lần “thập tử nhất sinh” khi bị dội bom vào hầm, những trận đánh bị lạc tiểu đội mấy ngày không ăn uống,… cô Sáu không thích kể nhiều chi tiết về mình. Nhưng có những người ra đi làm cô nhớ mãi và ước gì có giá như…

Ngày đất nước giải phóng, cô được đơn vị cử đi học bác sĩ đa khoa rồi tiếp tục cống hiến sức mình ở Sư đoàn 8.

Trong chuyến đi đào kinh thủy lợi ở Bạc Liêu, khi xúc những xẻng đất cuối cùng của công trình thì cô bị vẹo đốt sống, tê liệt 2 chân. “3 năm không đi lại được, đối với tôi là một ám ảnh và cơ duyên đó gắn tôi với y học cổ truyền, với những bài tập trị liệu cho các cháu bây giờ”.

Khi đó, cô Sáu được chẩn đoán “sẽ khó có cơ hội phục hồi việc đi lại” và được về nhà an dưỡng. Không đầu hàng số phận, cô bó thuốc và kiên trì tập vật lý trị liệu để có đôi chân lành lặn, đi lại bình thường như ngày nay.

Vừa lành chân thì cô lại tiếp tục sang chiến trường K giúp nước bạn Campuchia. Đến năm 1987, cô về nhận công tác ở Vĩnh Long đến tận bây giờ.

Bác sĩ “miễn phí”

Bác sĩ Lê Thị Hoa với công việc mỗi ngày.
Bác sĩ Lê Thị Hoa với công việc mỗi ngày.

Giờ đây, ngày ngày cô Hoa đến cơ sở tập trị liệu cho các em nhỏ, cô say sưa kể về những đứa cháu ngoại lanh lợi, mắt tinh anh của mình sau quá trình tập luyện bền bỉ với ngoại Sáu.

Đó là bé Châu Đăng Khoa, hồi 3 tuổi mới đi tập cứ như cục thịt, không biết đi đứng nói cười, nay đã vào lớp 6 và “chiều hôm tổng kết chạy lại khoe ngoại quà học sinh giỏi”.

Đó là Cu Bin ở Hậu Giang được mẹ đưa qua đây ở trọ rồi đi tập trị liệu, giờ đã đi đứng khá hơn. Đó là bé Thịnh ở TX Bình Minh ngày ngày được mẹ và dì luân phiên đưa xuống đây.

Đó là bé Đạt, bé Trường,… Mỗi cái tên gắn với những hoàn cảnh khác nhau, trong đó có nhiều em gia đình khó khăn, ngoài tập miễn phí, cơ sở Ngọc Điểu còn vận động tặng gạo hàng tháng và quà thường xuyên cho các cháu.

Niềm vui của ngoại Sáu gắn với niềm vui của các cháu nhỏ, dù hoàn cảnh thế nào thì cô Sáu vẫn tập miễn phí cho các em.

Đôi tay vẫn còn đang xoa nắn các khớp cho bé Trường (ở Mang Thít), cô Sáu vẫn cười thật tươi. Mỗi ngày, mình cô Sáu tập khoảng 30 cháu, tùy theo khiếm khuyết bài tập có thể từ 15- 60 phút.

“Tập vậy có mỏi tay không?- PV”- cô Sáu cười “mỏi chứ nhưng quen rồi”. Do số lượng các bé tập ngày càng đông nên thường thì cô Sáu phải làm việc liên tục từ 7- 13 giờ.

Bé Trường thuộc diện khó khăn vì lúc lên tập thì bé đã lớn, nhà xa lại nghèo. Cha mẹ chia tay nhau, em sống cùng ông bà ngoại.

Cô Võ Thị Bơi (66 tuổi, ở Mang Thít) là bà ngoại bé Trường cho biết: “Hồi đó, tôi nghe nói tập tốn tiền nên không dám đưa cháu lên. 7 tuổi, tôi mới đưa cháu lên đây, tay chân không cử động được, không nói được. Nay thì Trường đã khá hơn, hiểu nhiều, biết ngồi rồi.

Tôi mừng lắm, mang ơn không biết nói sao cho hết!” Bé Trường chưa nói được nhiều nhưng đã biết dạ khi hỏi “Có thương ngoại Sáu không”, biết cười khi mọi người nói chuyện vui, biết đòi ngoại Sáu tập cho.

Một buổi chiều, chúng tôi đến thăm nhà cô Sáu. Căn nhà nhỏ, giản dị gọn gàng với những giò phong lan treo phía trước. Trên bàn thờ, ngoài cha và mẹ, cô Sáu còn thờ Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một vài người đến tìm cô Sáu buổi chiều để “chữa cái khớp vai” hay “hổm rày gió nên nhức quá,…” Tất cả đều miễn phí.

Để phát gạo cho các em nhỏ, cô Sáu không chỉ vận động nhà hảo tâm mà còn lấy tiền lương hưu mua gạo cho người nghèo. Có lần tôi được cô dẫn đến từng hộ hoàn cảnh khó khăn, các em bại não. Cô rành rọt kể từng hoàn cảnh, từng câu chuyện như chuyện nhà mình.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Điểu cho biết: “Tôi cùng công tác với cô Sáu ở bệnh viện rồi về đây tập trị liệu cho các bé. Sáu Hoa sống giản dị là người có tấm lòng cho mọi người, dốc lòng làm tốt những nhiệm vụ được phân công. Dù có khi làm việc cực nhọc liên tục, tôi chưa từng nghe cô than mệt một lời nào”.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Điểu nói: “Làm gì cũng cần có cái tâm. Đối với công việc chúng tôi, tiếp xúc trẻ khiếm khuyết thì cần cái tâm trong sáng hơn nữa”.

Cô Sáu dùng sức mình để làm thiện nguyện và vận động mọi người làm việc có ích. Cô góp sức cùng cơ sở xin dụng cụ tập trị liệu cho trẻ bại não khắp trong tỉnh.

Cô Sáu vui vẻ: “Nhiều nhà hảo tâm đến vì họ tin mình đến mức không cần giấy tờ gì cũng không muốn ghi tên. Tôi nghĩ người ta đã tin mình như vậy thì càng có trách nhiệm làm tốt nhất có thể”.

Dù tất bật với việc tập luyện cho các cháu nhỏ, cô Sáu vẫn sinh hoạt chi bộ đều đặn và gương mẫu trong mọi cuộc vận động, phong trào.

Những vấn đề quan trọng của đất nước, của tỉnh được cô theo dõi và nắm tình hình để “bà con đi tập đa phần biết ít đôi khi không hiểu hết những việc Đảng làm, mình là đảng viên biết mà giải thích”.

Không chỉ vậy, cô Sáu còn nghiên cứu việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh theo hướng dẫn chủ đề mỗi năm. Cô cười “Việc học theo Bác với tôi như ăn vào máu rồi. Từ nhỏ, cha tôi đã cho chúng tôi nghe đài Thủ đô, kể chuyện Bác Hồ. Chúng tôi xem Bác là tấm gương sáng để soi mình trong đó”.

Sáng sáng, ngoại Sáu vẫn bộ đồ trắng giản dị đi bộ đến cơ sở tập luyện cho các bé. Đôi bàn tay xoa nắn, miệng luôn cười “cháu ngoại cưng của bà” rồi ngoại Sáu hát cháu nghe,… vì các bé phải cảm nhận được tình yêu thương thì mới chịu tập luyện và có kết quả tốt.

Cô Sáu đã gần 70 tuổi, vẫn băn khoăn vì sức khỏe mình ngày càng giảm mà trẻ cần tập thì lại càng nhiều hơn. “Bản thân tôi khi nào còn sức thì còn tập cho các cháu”- cô Sáu cười.

Từ năm 2013- 2017, cơ sở phục hồi chức năng cho trẻ bại não Ngọc Điểu quản lý hơn 1.100 trẻ em khuyết tật. Trong thời gian đó, cơ sở đã khám và điều trị hơn 100 triệu lượt cho các trẻ. Tổng số tiền công lao động và hiện vật vận động được hơn 11,8 tỷ.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- CAO HUYỀN