Những trái tim thiện nguyện không già

Cập nhật, 13:45, Thứ Ba, 10/07/2018 (GMT+7)

Ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng các ông, bà đã và đang viết nên những câu chuyện đời thường rất đẹp. “Tuổi cao gương sáng” thắp sáng niềm tin vào cuộc sống, trở thành cánh tay nối dài lòng nhân ái trong cộng đồng bằng cách cùng nhau làm việc thiện.

Không chỉ hành động như những nhà hảo tâm “lá lành đùm lá rách”, các cô chú còn làm cầu nối vận động các nhà hảo tâm đến với những người yếu thế san sẻ đến cộng đồng.

Thấm nhuần các quan điểm và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để “hết lòng yêu thương đồng bào, đồng chí, yêu thương con người”. Những “cây cao bóng cả” đó đang góp sức mình vì một xã hội “người yêu người sống để yêu nhau”.

Kỳ 1: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng…”

 “Tôi làm thiện nguyện, không được lợi gì về vật chất, không có lương nhưng về tinh thần tôi được rất nhiều. Đó là tình yêu thương của những người nghèo và lòng tri ân của họ, sự tin tưởng của các nhà hảo tâm, sự tín nhiệm của tập thể trong việc giao trọng trách cho tôi giúp đỡ người nghèo”. Đó là lời tâm sự của cô Quách Thanh Vân (72 tuổi, Phó Chủ tịch Hội Thân nhân kiều bào TP Vĩnh Long).

Với cô Vân, những công việc thiện nguyện dù thầm lặng, không lương nhưng đã làm thì phải tới nơi, tới chốn và làm từ thiện cũng phải có trách nhiệm.

20 năm thiện nguyện

Chúng tôi quen biết cô Vân từ khi mới bập bõm bước chân vào nghề báo. Với một số người, cô Vân không dễ tính chút nào vì khi làm việc với cô chỉ cần trễ một chút, lười một chút, sai một chút,… là cô sẽ phản ánh và khó có chuyện hợp tác lần thứ 2.

Lúc đầu tham gia Hội tán trợ Phường 4 (TP Vĩnh Long), cô Vân muốn góp chút phần nhỏ bé của mình cho những hoàn cảnh khó khăn.

Nhưng càng đi sâu, càng gặp nhiều mảnh đời bất hạnh, cô Vân hiểu rằng “chỉ sức mình thôi chưa đủ, cần nhiều người mở rộng vòng tay để lá lành đùm lá rách”. Nói là làm, cô không chỉ đóng góp tài sản gia đình mà còn tích cực vận động mọi người cùng tham gia.

Con đường thiện nguyện của cô Vân bắt đầu từ năm 1999, khi 4 người con đều đã ăn học thành tài có công việc ổn định.

Chiếc tủ đầy ắp những bằng khen, kỷ niệm chương của cô Quách Thanh Vân.
Chiếc tủ đầy ắp những bằng khen, kỷ niệm chương của cô Quách Thanh Vân.

Trong căn nhà xinh xắn ở Phường 4, cô Vân cho chúng tôi xem rất nhiều tài liệu liên quan đến mình: Đó là cả một bài lớn của báo Nhân đạo hoặc 1 cái tin nhỏ trên trang thông tin TP Vĩnh Long,… Tất cả đều được cô tỉ mỉ xếp ngay ngắn để vào những quyển số lớn, có bao ny lông cẩn thận.

“Đầu tiên là mình vận động các con đã đi làm có thu nhập bằng cách kể về những hoàn cảnh mình tiếp cận trong mỗi bữa ăn,…”- cô nói.

Những lúc cô Vân ra vào phòng lấy giấy tờ, chúng tôi phát hiện một tủ lớn đầy ắp bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương,… của trung ương, bộ ngành, tỉnh, huyện,... của cô.

Cô Vân cười: “Đối với tôi, đây là những vật vô tri nhưng có giá trị vô cùng. Nó nhắc nhở tôi phải sống vì mọi người, vì những ghi nhận của Nhà nước, nhà hảo tâm, người khó khăn dành cho mình”.

Hôm trao nhà đại đoàn kết cho hộ chị Huỳnh Thị Bích Tuyền (Phường 5- TP Vĩnh Long), chúng tôi thấy cô Vân cười rất tươi vì từ nay chị Tuyền đã có mái ấm.

Căn nhà nằm sâu trong hẻm ngoằn ngoèo gần cầu Cái Sơn Bé, quẹo trái rồi quẹo phải… cô vanh vách hướng dẫn từng người đi lạc đang gọi.

Chúng tôi cười nói: “Chắc cô quen đường ở đây lắm” thì anh Lê Minh Toàn đáp ngay: “Mỗi ngày cô chạy xe vô đây 2- 3 lần coi thợ cất nhà đó”.

Những kỹ sư xây dựng tham quan căn nhà, khen cô Vân thiệt khéo vì với 55 triệu đồng thì khó thể xây được căn nhà cấp 4 vững chãi thế này.

Chị Tuyền cười thật tươi bên con gái là Lê Huỳnh Minh Thư đang có nguy cơ bỏ học vì gia đình khó khăn, mẹ suy thận mãn giai đoạn cuối. Chị nói gọn “cũng nhờ có cô Vân”.

Hơn thế nữa, nhờ cô Vân hòa giải mà gia đình chị Tuyền đã có lối đi nhờ hàng xóm bởi “trước nay toàn đi vòng đường đất phía sau hè”- chị Tuyền mỉm cười.

Tình yêu thương và trách nhiệm

Đối với người nghèo, một viên thuốc, một túi gạo mang đến cho họ phải cộng thêm cả tấm lòng của mình, sẻ chia lúc hoạn nạn, cô xem đó là việc làm thiết thực chứ không phải bố thí, trân trọng nhưng gần gũi yêu thương.

Cô đã thực hiện nhiều chương trình: đem lại ánh sáng cho người mù nghèo; phẫu thuật tim miễn phí; mổ phụ khoa; nước sạch cho người nghèo; cất nhà tình thương cho hộ nghèo; hỗ trợ vốn cho người nghèo vươn lên hòa nhập cộng đồng;…

Cô chăm chút lựa chọn từng viên gạch, sắt, cái cửa, chọn lựa vật tư kỹ càng giá phải chăng,… và tận mắt giám sát công trình cất nhà cho người nghèo.

Cô Vân đồng hành cùng những suất ăn miễn phí cho thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Cô Vân đồng hành cùng những suất ăn miễn phí cho thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Một ngày bên chiếc xe cúp 50, ngoài việc phụ hợ đưa rước cháu ngoại đi học, thời gian còn lại cô chạy tới chạy lui xem giám sát công trình nhà ở; đi khảo sát hộ nghèo, chụp ảnh,… để rồi về nhà cô lại sắp xếp công việc, ghi chép cẩn thận tiền vận động; tiền thu chi; viết lời giới thiệu cho thật chính xác để nhà hảo tâm xuống dự lễ.

Cô Vân thường chia sẻ, giúp đỡ người khác là đem lại niềm vui cho mình, với chúng tôi làm từ thiện phải vì cái tâm, cái lòng và trái tim tự nguyện.

Mỗi chuyến đi từ thiện, hay giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn nào là một kỷ niệm đầy ắp yêu thương và nhiều niềm vui được nhân lên”.

Nói rồi, cô Vân cho chúng tôi xem nụ cười tỏa nắng của bà Nguyễn Thị Nhung (Phường 5- TP Vĩnh Long) khi được ở trong căn nhà đại đoàn kết mới. Cô kể: “Bà Nhung 88 tuổi rồi, bệnh mà lại neo đơn, căn nhà cũ của bà dột nát, khổ lắm”.

Sự tận tâm của cô Vân còn thu hút những tấm lòng nhân ái đồng hành cùng cô trong những hoạt động từ thiện, kêu gọi các bạn trẻ hết lòng trong những việc mình làm.

Theo chú Nguyễn Đăng Hoàng- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thiện Tâm (quận Bình Thạnh- TP Hồ Chí Minh) thì: “Chị Vân mà vận động thì tôi tin tưởng ủng hộ liền”.

Mới đây, cô vận động Hội Chữ thập đỏ Thiện Tâm (TP Hồ Chí Minh) 3.000 phần cơm trưa, 3.000 phần ăn sáng miễn phí cho thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2018. Cô luôn quan niệm: “Dù làm cơm miễn phí nhưng phải ngon và an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Còn nhớ 8.000 suất cơm miễn phí cho thí sinh Vĩnh Long trong mùa thi năm 2016 do cô Vân vận động, nơi mà có Hội Chữ thập đỏ và đoàn viên thanh niên cùng góp sức. Đến ngày thi thứ hai thì cô bị hạ đường huyết phải nghỉ ngơi.

Anh Huỳnh Hải Đăng- Phó Bí thư đoàn Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, đơn vị vận động cơm miễn phí năm 2016 nói: “Cô Vân là người làm thiện nguyện có tâm và có trách nhiệm, là tấm gương cho đoàn viên chúng tôi học hỏi.

Hôm cô bị hạ đường huyết phải về nghỉ, mới 15 phút, thấy đã khỏe hơn cô liền quay lại với nhóm làm cơm”.

Xa hơn chút nữa, chúng tôi nhớ nhờ sự vận động, uy tín của cô Vân, lúc sinh thời, bà Trương Kim Lan (má Ba ở Phường 1- TP Vĩnh Long) đã dùng tiền để dành của mình mua 6.500m2 đất ở Cầu Đá (Vũng Liêm) cho bà con nghèo ở TP Vĩnh Long mất có chỗ an táng.

Chưa hết, má Ba còn vận động gia đình, bạn bè để cùng cô Vân đi mua thẻ BHYT cho người nghèo, hộ cận nghèo; giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn,… với tổng số tiền trên 9 tỷ đồng.

Lúc đó, má Lan có nói: “Cô Vân nói là tui chịu liền, những lần theo cổ đi giúp người nghèo, tui cảm kích trong bụng lắm!”.

Gần 21 giờ, cuộc trao đổi giữa chúng tôi với cô cứ tiếp tục kéo dài bằng những câu chuyện về hành trình thiện nguyện. Chúng tôi thấy, trong lịch làm việc của cô luôn đầy ăm ắp với những việc của ngày mai, ngày kia… Xin gửi tấm lòng tốt đẹp ấy, cho gió cuốn đi để nhân lên những con người luôn sống vì mọi người như thế!

(Còn tiếp)

Cô Quách Thanh Vân cho biết: Từ năm 2003 đến nay, cô và người thân gia đình đã đóng góp 1,5 tỷ đồng cho các hoạt động thiện nguyện. Bản thân cô khi công tác ở Hội Chữ thập đỏ TP Vĩnh Long và Hội Thân nhân kiều bào TP Vĩnh Long đã vận động hơn 30 tỷ đồng để chia sẻ cho cộng đồng.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- CAO HUYỀN