Mỹ phẩm Online: "Đánh cược" mạo hiểm niềm tin lẫn sức khỏe

Cập nhật, 08:29, Thứ Bảy, 21/07/2018 (GMT+7)

Ham rẻ, muốn làm đẹp nhanh, tin vào hình ảnh “thật” trên mạng “ảo”, nhiều người đã đánh cược niềm tin để mua mỹ phẩm online, hy vọng đổi lấy được chất lượng “thật như ảnh”. Song chất lượng ảo hay thật thì chỉ có… hên xui.

Ngành chức năng cần siết chặt kiểm tra việc mua bán hàng hóa trên mạng xã hội.
Ngành chức năng cần siết chặt kiểm tra việc mua bán hàng hóa trên mạng xã hội.

“Ảo” như mỹ phẩm chợ mạng

Không ngày sản xuất, không hạn sử dụng, không nguồn gốc xuất xứ hay được quảng cáo là hàng xách tay, hàng ngoại là đặc điểm của nhiều loại mỹ phẩm trôi nổi trên thị trường. Đáng nói là hiện nay nhiều loại mỹ phẩm “3 không” này lại được bán tràn lan không chỉ chợ trời mà còn trên chợ online.

Với chiêu trò quảng cáo rầm rộ, đủ chủng loại mẫu mã, nguồn gốc xuất xứ, nào là: mỹ phẩm xách tay, mỹ phẩm chiết xuất từ tinh chất thiên nhiên hay mỹ phẩm “chính hãng”... làm cho thị trường mỹ phẩm “mạng ảo” còn sôi động hơn thị trường “thật”. Từ kem trắng da, kem trị mụn, son, nước hoa... chỉ cần ngồi nhà và click chuột là sản phẩm “ship” đến tận tay!

Đánh vào tâm lý muốn làm đẹp nhanh, rẻ, tiện lợi nên những người bán mỹ phẩm tung ra nhiều chiêu khuyến mại hấp dẫn để thu hút khách hàng. Không chỉ giảm giá, nhiều trang bán mỹ phẩm còn dùng chính “hình ảnh chủ nhân” để “cam kết”, làm “mồi nhử” đồng thời đăng những thông tin phản hồi tích cực của các khách hàng đã sử dụng sản phẩm để củng cố thêm lòng tin cho khách hàng.

Hoặc để tăng thêm độ tin cậy trên chợ mạng, người bán còn chụp ảnh “mặt mộc” thật trước khi dùng sản phẩm (được chụp bằng camera thường) và đăng thêm tấm ảnh da đẹp như mơ sau khi dùng sản phẩm (lại được chụp bằng camera 3600)! Còn sự thật chất lượng có được như ảnh hay không thì chỉ có người bán mới biết rõ.

Như một trang quảng cáo bán mỹ phẩm trắng da bằng những lời quảng cáo rất êm tai, “rất kêu” như: “trắng bật sáng lên 2 tông da chỉ sau 1 lần sử dụng, da đảm bảo an toàn, đều màu”, hay “ai bị đen, mụn, rỗ, nám, tàn nhang, da không đều màu…, chỉ cần bôi là da đẹp như mơ!”

Từng mua hộp mỹ phẩm trị nám gần cả triệu đồng được giới thiệu là hàng xách tay, chị Thanh Hương (Phường 9- TP Vĩnh Long) cho hay: “Thấy clip giới thiệu trực tiếp trên online rất chi tiết, hấp dẫn, lại thấy cũng có nhiều người dùng qua, rồi “người thật- ảnh thật” nên tôi mua dùng thử. Tuy nhiên khi nhận sản phẩm, tôi thấy nghi ngại vì nhãn mác sơ sài, bong tróc và có dấu hiệu mờ chữ.

Tôi dùng phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm thì không thấy hiển thị bất cứ thông tin nào. Nhưng do đã trả tiền trước nên tôi không thể trả lại hàng, đành phải vứt hộp mỹ phẩm luôn”.

Nhắc tới mua mỹ phẩm online là chị Phạm Cẩm Nhi (xã Chánh Hội- Mang Thít) “tởn tới già”. Bởi cũng chỉ vì cả tin, nghe bạn bè kháo nhau về mỹ phẩm ngoại nhưng giá rẻ bèo vì hàng đang “sale” nên Nhi đặt hàng mua dùng thử.

Sử dụng hơn tuần thì da mặt bị nổi mận đỏ chi chít, hỏi người bán thì họ nói do tác dụng phụ ban đầu, sau vài ngày sẽ hết.

“Ai ngờ gần 1 tháng sau tình trạng còn nghiêm trọng hơn, đi bệnh viện da liễu thì bác sĩ trả lời do trong mỹ phẩm có chứa độc tố phải trị dài dài. Đẹp đâu không thấy chỉ thấy mặt nám đen nám đỏ, rồi còn phải tốn tiền trị bệnh”- Nhi ngao ngán nói.

Đừng hám rẻ mà đánh đổi sức khỏe

Mặc dù đã có nhiều thông tin cảnh báo về việc sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc nhưng nhiều người vẫn cả tin “mỹ phẩm từ thiên nhiên” hoặc “xách tay” mà bỏ ngoài tai những lời cảnh báo.

Với mức giá được “ưu đãi” hấp dẫn, vội tin tưởng những lời quảng cáo “có cánh” của các trang bán mỹ phẩm online, nhiều người đã đánh cược niềm tin lẫn sức khỏe của mình để đặt mua những sản phẩm này mà bỏ qua công đoạn kiểm chứng chất lượng.

Chỉ khi mỹ phẩm phản tác dụng, gây hại đến sức khỏe, “tiền mất tật mang” nhiều người tiêu dùng mới té ngửa, nhưng chỉ có thể tự trách mình bởi không có cơ sở nào để “bắt đền” người bán.

Mỹ phẩm được rao bán trên mạng xã hội.
Mỹ phẩm được rao bán trên mạng xã hội.

Chị Mai Thy (TP Hồ Chí Minh)- chủ một trang bán mỹ phẩm xách tay- phân phối ở một số tỉnh miền Tây chia sẻ rằng: “Hiện nay, có không ít nơi bán hàng online “xách tay” nhái, trôi nổi, tuy nhiên vẫn được khá nhiều người tiêu dùng chọn.

Bởi có một nghịch lý rằng, người tiêu dùng ai cũng thích dùng hàng xịn, hàng ngoại thế nhưng hay so giá, cứ chỗ nào bán rẻ hơn vài chục ngàn đồng là đặt mua liền mà không biết rằng có phải hàng chính gốc hay không”.

Đành rằng mua mỹ phẩm online có nhiều tiện ích. Song, trong khi mua hàng thấy tận mắt còn khó kiểm tra chất lượng thì hàng online lại càng không thể kiểm soát được chất lượng thật sự.

Do đó, việc cần “nói hoài nói mãi” là người tiêu dùng nên chọn những nơi uy tín, chất lượng để mua hàng. Đừng vì ham rẻ, cả tin mà đánh cược cả sức khỏe, sắc đẹp của mình.

Đối với người kinh doanh mỹ phẩm online, bên cạnh việc kinh doanh tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật thì cần phải có “tâm”, có trách nhiệm với sản phẩm mình bán ra. Không thể khi xảy ra sự việc lại thoái thác trách nhiệm. Mua bán chỉ có thể tồn tại lâu dài khi giữ được cái tâm và uy tín

Đội Quản lý thị trường số 4 (Chi cục Quản lý thị trường- Sở Công thương) vừa phát hiện một hộ kinh doanh mỹ phẩm tại Phường 9- TP Vĩnh Long kinh doanh hàng trăm loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ với số lượng hàng ngàn hộp. Qua kết quả điều tra, số lượng mỹ phẩm này là hàng nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Chủ cửa hàng đã bị xử phạt gần 70 triệu đồng về hành vi này. Số mỹ phẩm này, chủ cửa hàng giới thiệu là hàng “xách tay” do nước ngoài sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, chủ kinh doanh cũng không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Ông Nguyễn Phong Lĩnh- Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4 cho biết: Đây là điểm bán hàng qua mạng, hàng hóa cũng được mua qua mạng rồi sau đó chủ cơ sở rao bán lại trên các trang mạng xã hội.

 

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN