Lớp học bơi đặc biệt của bà Sáu

Cập nhật, 05:23, Chủ Nhật, 08/07/2018 (GMT+7)

Bà Sáu là tên gọi thân thương mà trẻ em vùng lũ xã Hưng Thạnh (huyện Tháp Mười- Đồng Tháp) gọi bà Trần Thị Kim Thia (60 tuổi). Bà đã tình nguyện dạy bơi miễn phí cho hàng ngàn trẻ em trong gần 17 năm qua.

Tiếng bà Sáu, tiếng trẻ con, tiếng đạp nước làm rôm rả khúc sông quê.
Tiếng bà Sáu, tiếng trẻ con, tiếng đạp nước làm rôm rả khúc sông quê.

1 giờ dạy bơi của bà Sáu

“1, 2, 3, 4, 5, 6,…” tiếng bà Sáu mạnh mẽ, dứt khoát vừa tập vừa đếm những động tác khởi động trong 10 phút để làm “nóng” người trước khi xuống “hồ bơi” để trẻ không bị chuột rút và động tác lúc bơi sẽ linh hoạt hơn.

“Hồ bơi” của bà Sáu do chính tay bà lặn xuống sông cắm cọc tre, bao lưới mùng làm hàng rào (cao 2m, ngang 4m, dài 8m) biến một khoảnh sông thành “hồ bơi dã chiến” an toàn cho trẻ nhỏ.

“Buột dây mùng đều ran, không chỉ buộc vào cọc tre xung quanh thành là xong, mà phải buột luôn dưới đáy để mùng không bị phì lên vướng vào giò khiến tụi nhỏ hổng bơi được.

Vì vậy phải lặn xuống tận đáy để buột. Trước khi cho tụi nhỏ xuống là tui phải bơi lặn trước kiểm tra xem có gì không để tụi nhỏ hổng bị đau.”- bà Sáu nói.

Sau khi khởi động thật bài bản, gần chục trẻ em nông thôn hồn nhiên răm rắp nghe theo lời “chỉ huy” của bà Sáu xuống nước.

“Ngậm miệng lại, không bị uống nước đầy bụng à! “1, 2, 3… đập”. Nghe “hiệu lệnh” của bà Sáu, các em chưa biết bơi tay vịn sào tre, chân đập nước bùm bùm, văng tung tóe.

Mỗi lớp học bơi của bà Sáu thường có khoảng 30- 40 em theo học, mỗi buổi từ 1- 2 giờ, học trong vòng 15 buổi.

Sau khóa học, 100% trẻ đều vượt qua kỳ sát hạch của Trung tâm Văn hóa và Thể thao huyện Tháp Mười và được cấp giấy chứng nhận.

Để dễ kiểm soát, bà chia thành từng nhóm nhỏ 7 em khi cho xuống nước. Sau 10 phút lại cho nhóm khác xuống thay. Đầu tiên, bà cho các em tập lặn.

Tay bám vào thành lồng hụp xuống nước, rồi ngoi lên, còn 2 chân đạp nước. Khi các em quen dần, bà dùng tay nâng bụng từng em một, hướng dẫn cách bơi sải tay đồng thời kết hợp chân đạp nước.

“Tập cho tụi nhỏ tới khi nào thấy các em nhẹ, chỉ cần dùng 2 ngón tay là có thể nâng bụng được thì khi đó tui sẽ đẩy các em ra để tự lội trong khoảng cách còn từ 1,5- 2m là tới thành lồng. Vài lần như thế là các em sẽ biết lội”- bà Sáu chia sẻ.

Dù dạy dỗ nghiêm khắc, nhưng trẻ em và phụ huynh vùng này ai cũng yêu mến bà Sáu, bởi sau vẻ nghiêm nghị, hay rầy rà là tình thương bao la mà bà Sáu dành cho các em. Bọn trẻ rất thích học bơi cùng vị huấn luyện viên đặc biệt này.

Đứng trên bờ, xem con trai “Út mót”, chú Nguyễn Văn Thôi- ba em Nguyễn Thanh Sang (8 tuổi)- cho biết: “Bả dạn tay, chứ nhát tay tập tụi nhỏ hổng biết lội đâu.

Coi bả dạy bơi la tụi nhỏ choe chóe vậy chứ bả cưng tụi nhỏ lắm. Vô tay bả là đứa nào cũng bơi ngon lành. Út mót của tui tập hổm rày đã biết bơi chút chút rồi đó, còn bơi ụp mặt, chưa bơi ngửa được”.

Em Nguyễn Phú Nhật (13 tuổi) khoe: “Trước chưa biết lội, con sợ nước lắm, nhờ bà Sáu dạy mà con bơi được nè. Tụi con đứa nào cũng thương bà Sáu lắm, dù bà Sáu dạy la hoài”.

Còn em Nguyễn Ngọc Bảo Thi (8 tuổi) hồn nhiên: “Bà Sáu lại nhà vận động ba mẹ cho chị em con học bơi. Giờ con biết lặn, bơi chập chững rồi, con cũng bớt sợ nước. Có uống nước mới biết lội được. Vài bữa nữa con sẽ biết lội giống các bạn”.

“Mình hổng chồng, hổng con, mình ráng dạy cho tụi nhỏ biết lội, để nhờ bản thân. Rủi có đi đâu té dưới nước cũng biết lội, bườn vô bờ được.

Dạy lội nhiều năm qua, vui cái là tụi nhỏ gặp mình chào, thưa bà Sáu. Còn người lớn thì hỏi thăm năm nay bà Sáu có dạy không, để con gởi con cho bà dạy. Bà dạy lội là con an tâm nhất”- bà Sáu cười móm mém, nhân hậu.

Bà Sáu- phụ nữ nghĩa hiệp giữa đời thường

“Cách nắm cây, tập lặn, mệt nghỉ, 2 giò phải biết đạp nước. Vài bữa là con bườn, bơi chập chững được thì bà mới yên bụng”- bà Sáu Thia nói.
“Cách nắm cây, tập lặn, mệt nghỉ, 2 giò phải biết đạp nước. Vài bữa là con bườn, bơi chập chững được thì bà mới yên bụng”- bà Sáu Thia nói.

Năm 2002, xã Hưng Thạnh triển khai dự án phổ cập bơi cho trẻ em, bà Sáu được đề cử làm “huấn luyện viên”. Nhận lời không do dự và được tập huấn 3 ngày, nhưng bà Thia cũng rất băn khoăn.

“Nhận lời dạy bơi là tối về tui không ngủ được. Nhận thì nhận nhưng không biết dạy ra sao”- bà tâm sự.

Anh Lê Hoàng Nam- cán bộ văn hóa xã Hưng Thạnh- cho biết: “Mỗi năm ở xã đều tổ chức lớp học bơi phòng chống đuối nước cho trẻ em từ 5- 15 tuổi.

Suốt 17 năm qua, nhờ có bà Sáu mà hơn 2.500 trẻ em trong xã biết bơi và chưa có trường hợp đuối nước nào xảy ra tại địa phương”. 

Theo anh Nam, tuy bà Sáu thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống rất khó khăn, tuổi lại cao nhưng bà vẫn tình nguyện dạy bơi miễn phí cho trẻ em ở địa phương.

Do đó, mỗi mùa dạy bơi, xã hỗ trợ từ 1,5- 2 triệu đồng để bà có tiền đổ xăng trong quá trình dạy bơi ở 7 điểm bơi của xã. Thấy được tấm lòng của bà, nhiều phụ huynh gửi tiền học phí nhưng bà nhất quyết từ chối.

Hiện tại, cuộc sống của bà Thia rất khó khăn. Mặc dù vậy, cứ hè sang, mùa lũ sắp về là bà gác hết mọi việc để dành thời gian dạy bơi cho trẻ. Tính cách nghĩa hiệp và lòng yêu trẻ đáng quý đó của bà càng khiến nhiều người nể phục.

Với chiếc xe máy cũ kỹ, bà 2 buổi sáng chiều đều ran chạy khắp xã Hưng Thạnh suốt 2 tháng hè để dạy bơi cho trẻ em.

Dạy bơi xong, bà đi về một mình, sống đơn độc trong căn nhà tình thương đã xuống cấp dưới chân cầu… Hơn 11 giờ trưa, trong căn nhà trống trơn, nồi cơm điện còn vừa đủ tô cơm nguội, bà cười chân chất: “Nãy có mẹ bé Thi cho ký gạo nè, để dành mai nấu.

Bà dạy bơi về mệt, thường ăn uống cũng qua loa, hôm nay chưa kịp đi chợ, bà ăn muối tiêu vậy. Ăn cơm muối tiêu là chuyện thường, có bữa dạy bơi gần nhà, trưa tụi nhỏ kéo về nhà bà Sáu ăn cơm muối tiêu chung ngon lành luôn. Vui dữ lắm!”

Rồi bà tiếp lời: “Tới lúc dạy bơi thì tui hà tiện ăn lắm. Rảnh thì đi chợ, hổng rảnh thì ăn muối tiêu, nước tương cũng hổng sao. Nói chớ ba mẹ tụi nhỏ cũng quý, cho gạo, nước tương, cá ăn hoài hà.

Có khi gạo cho tui ăn hổng hết, tui còn xớt cho người nghèo hơn mình nữa. Tuyệt nhiên chỉ nhận gạo, đồ ăn, tui hổng bao giờ nhận tiền nhe. Cho xăng tui nhận tui đổ, chứ tiền là tui trả. Còn tới mùa nước, tui đi kéo lưới, bán để dành tiền nữa”.

Để có thể dạy bơi cho tụi nhỏ dịp hè, bà Sáu phải chắt chiu từng đồng để trang trải cuộc sống. Bà Sáu tâm sự: “Mỗi ngày bà bán vé số cũng được hơn 100 ngàn, chiều tối bà cạo hột đào thêm cũng kiếm được hơn chục ngàn.

Nhưng tới hè là bà bỏ để dành thời gian dạy lội cho tụi nhỏ, mần có tiền bạc trăm đó cũng hổng màng tới. Giờ có bạc tỷ trong tay cũng hổng mừng bằng mình dạy mà tụi nhỏ biết lội”.

“Thấy trên đài đưa tin trẻ em chết đuối, mình thấy còn run huống chi địa phương mình là vùng lũ đầu nguồn mà.

Do vậy, chuyện kiếm tiền để qua bên, nhà cửa để đó sáng đi chưa quét cũng hổng sao, dạy bơi xong về quét. Tui nguyện tui dạy khi hổng còn sức nữa thì tui rút lui.

Chứ giờ còn sức mà mình nghỉ dạy thì tụi nhỏ hổng biết lội, tội nghiệp”- bà chia sẻ. Rồi bà cười khoe: “Dạy bơi ngần ấy năm, được giấy khen “trộn cơm” ăn hổng hết.

Coi vậy chớ Sáu khỏe lắm nghe. Ở dưới nước tối ngày mà hổng có nóng lạnh, nhức đầu gì hết. Nhưng, xong mấy tháng dạy thì tui bệnh rề rà, ho chút đỉnh hà. Trời cũng thương tui lắm”.

Bà Trần Thị Kim Thia vinh dự là 1 trong 3 phụ nữ đại diện Việt Nam lọt vào danh sách 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu năm 2017 do hãng tin Anh BBC bình chọn. Chương trình “100 phụ nữ” của BBC tổ chức hàng năm nhằm vinh danh 100 phụ nữ có ảnh hưởng và truyền cảm hứng trên toàn thế giới.

Bài, ảnh: ANH QUYÊN