Đô thị: loay hoay tìm chốn vui chơi

Cập nhật, 12:21, Thứ Tư, 11/07/2018 (GMT+7)

“Chơi gì, ở đâu” luôn là đề tài “nóng” của nhiều người- nhất là mỗi khi hè về. Nhiều người tìm đến công viên để vui chơi, giải trí nhưng công viên ở đô thị có đủ làm thỏa sức vui, xả stress cho người dân?

Quy hoạch mạng lưới điểm vui chơi, giải trí cần chú trọng cả về số lượng và chất lượng.
Quy hoạch mạng lưới điểm vui chơi, giải trí cần chú trọng cả về số lượng và chất lượng.

Công viên- nhu cầu của đô thị

Cứ đến thời điểm nghỉ hè, phụ huynh ở đô thị lại loay hoay tìm kiếm chỗ chơi cho con trẻ, bởi không thể nhốt trẻ trong nhà với 4 bức tường để chơi game hoặc xem ti vi. Nhưng chơi gì, ở đâu?

Nhiều người đưa trẻ đến công viên, bởi ở đây vừa có không gian cho trẻ mà còn cho cả người lớn, để giải trí, để xả stress.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên trên địa bàn tỉnh, hầu hết các công viên đều chưa làm thỏa lòng, chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.

Nhiều người dân ở đô thị cho rằng, không gian ở đô thị ngày càng hẹp bởi mật độ xây dựng lớn, dân số đông nhưng số lượng công viên đáp ứng nhu cầu vui chơi thì chỉ có vài nơi, lại không phong phú, loanh quanh lẩn quẩn chỉ là một vài cây xanh, ghế đá.

Với nhiều người, công viên không cần phải hiện đại mà chỉ cần thoáng mát, sạch sẽ, để có thể thong dong đi dạo, cho trẻ vui đùa. Song thực tế, có rất ít công viên đạt “tiêu chuẩn dễ ợt” như vậy.

Nếu như tại TP Vĩnh Long có rất nhiều điểm vui chơi, giải trí cho người dân, trẻ em lựa chọn thì tại một số đô thị huyện không có sân chơi hoặc chỉ có vài món đồ chơi.

Đó là tình hình chung ở các điểm vui chơi thị trấn. Ở thị trấn Tam Bình, Trung tâm Văn hóa huyện là điểm vui chơi duy nhất của thiếu nhi.

Thường cho cháu ngoại 5 tuổi chơi thú nhún ở đây, cô Nguyễn Thị Hồng Thu cho biết: “Cả huyện chỉ có chỗ này, nếu không cho cháu chơi thì chơi ở đâu. Nắng còn đỡ, mưa là dơ, ướt chèm nhẹp hà”.

Còn tại thị trấn Cái Nhum (Mang Thít), nếu như trước đây chỉ có một công viên nhỏ thì hiện nay đã có thêm công viên rộng hơn, có hẳn màn hình led lớn, dụng cụ tập thể dục hẳn hoi.

Tuy không “hoành tráng, lung linh” nhưng cũng đáp ứng phần nào nhu cầu của người dân.

Ông Cao Thế Lữ- Chủ tịch UBND thị trấn Cái Nhum- cho biết: Ngoài 2 công viên thì thị trấn còn có Trung tâm Văn hóa và Thể thao huyện, có nhiều dịch vụ trò chơi cho trẻ em, hay có thêm nhiều sân bóng mi ni, sân cầu lông, hồ bơi... để phục vụ nhu cầu vui chơi của người dân. Tuy nhiên, so với nhu cầu cho người dân thì còn khá ít.

Trong khi đó, tại thị trấn Trà Ôn, ngoài 2 công viên dọc theo sông Hậu thì thị trấn sắp có thêm công viên văn hóa huyện. Đây sẽ là nơi tích hợp điểm vui chơi giải trí cho trẻ em, các hoạt động văn hóa của huyện.

Ông Ngô Văn Huẩn- Phó Chủ tịch UBND thị trấn- cho biết: Công viên rộng 15.000m2, có vốn đầu tư là 20 tỷ đồng, dự kiến tháng 11 tới sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

2 công viên trước còn hạn chế về cây xanh, trò chơi cho trẻ, nhưng có thêm công viên này sẽ đáp ứng đủ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.

Bao giờ có đủ sân chơi?

Trẻ cần nhiều không gian để vui chơi.
Trẻ cần nhiều không gian để vui chơi.

Để đáp ứng nhu cầu vui chơi của người dân- nhất là trẻ em, không ít điểm vui chơi tư nhân đã mọc lên. Tuy nhiên, số lượng điểm vui chơi an toàn cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn phần lớn là chưa đảm bảo chất lượng, thiếu hấp dẫn.

Chưa kể những ngày cuối tuần, dịp lễ, lượng khách đông thì những điểm vui chơi này khá lộn xộn.

Tuy nhiên, để con mình có không gian thư giãn, vui chơi, phụ huynh cũng chỉ biết “bấm bụng” cho con chơi, song nhiều người cũng băn khoăn về chất lượng cũng như độ an toàn khi cho con tham gia những trò chơi ở đây.

Theo Phòng Quản lý đô thị TP Vĩnh Long, hiện nay trên địa bàn thành phố có 15 công viên với tổng diện tích gần 66.000m2.

Tuy nhiên, số lượng công viên này cũng chưa đủ đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân, nhất là khi đến năm 2020 muốn đưa đô thị trở thành đô thị loại II.

Ông Hồ Ngọc Tuyền- Phó bộ phận Xây dựng (Phòng Quản lý đô thị)- cho biết: Muốn đáp ứng đủ nhu cầu của người dân và đạt chuẩn đô thị loại II thì thành phố cần phải xây dựng thêm nhiều công viên và đầu tư thêm hệ thống cây xanh trên các tuyến đường, như: công viên kè Phường 9, công viên Đài Truyền hình Vĩnh Long, cây xanh các tuyến đường nội thị, các tuyến đường mở mới,…

Có thể thấy, thực trạng thiếu sân chơi diễn ra ở hầu hết các đô thị trong tỉnh, nhất là sân chơi dành cho trẻ em.

Địa điểm vui chơi cho trẻ đã ít, trong khi đó, cơ sở hạ tầng một số điểm còn xuống cấp mà nhu cầu vui chơi giải trí của trẻ ngày một cao hơn.

Mong muốn của nhiều người dân đó chính là có một sân chơi, giải trí cho cả gia đình sau một ngày làm việc, học tập vất vả.

Do đó, bên cạnh việc chính quyền địa phương cần quan tâm hơn đến việc đầu tư các điểm vui chơi, giải trí thì địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ, vận động, cho phép đầu tư theo hướng xã hội hóa để doanh nghiệp, người dân cùng chung tay xây dựng.

Và việc quy hoạch mạng lưới điểm vui chơi, giải trí cần phải được chú trọng cả về số lượng và chất lượng.

Ông Cao Thế Lữ- Chủ tịch UBND thị trấn Cái Nhum (Mang Thít)

Về lâu dài, để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân, theo quy hoạch đến năm 2030, thị trấn sẽ có thêm một số công viên và điểm vui chơi để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bài, ảnh: HUYỀN LY