Tai nạn thương tích trẻ em- vấn đề cần quan tâm

Cập nhật, 19:23, Thứ Ba, 12/06/2018 (GMT+7)

Mùa hè đến, trẻ em có nhiều thời gian dành cho vui chơi. Song, nếu thiếu sự quan tâm của người lớn, rất có thể xảy ra tai nạn.

Bé Trọng Tín (3 tuổi) bị tai nạn giao thông.
Bé Trọng Tín (3 tuổi) bị tai nạn giao thông.

Tai nạn luôn rình rập trẻ

Hiếu động và nghịch ngợm là bản tính của con trẻ. Vì vậy trẻ rất dễ bị tai nạn thương tích (TNTT) do chính mình gây ra.

Chúng tôi có mặt tại Khoa Ngoại- Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ vào ngày đầu tháng 6 thì thấy khá đông trẻ em nằm viện do bị TNTT. Vào dịp hè, số trẻ em nhập viện do TNTT thường tăng hơn so với các thời điểm khác trong năm. Nếu người lớn lơ là thì trong phút chốc, bé có thể dễ gặp nguy hiểm, kể cả tình huống đơn giản nhất mà chúng ta không ngờ tới.

Ngồi trên giường bệnh, tay phải nâng tay trái vừa được bó bột, em Trần Hoàng Phi (12 tuổi), buồn xo, thở dài: “Chiều qua con đá banh với bạn. Con làm thủ môn, con bự con vậy mà thằng bạn con đá trái banh mạnh quá, con lấy tay đỡ rồi bị gãy luôn, đau lắm. Con mới nghỉ hè, chơi đá banh có mấy bữa là bị vầy rồi, xui thiệt”.

Nằm kế đó, bé Nguyễn Trọng Tín (3 tuổi) bị tai nạn giao thông gãy chân phải, chân trái và một bên bụng bị phỏng pô nặng, chưa kể đầu bé phải bị may mấy mũi vì tổn thương và mặt, tay có nhiều vết trầy xước trông rất thương tâm.

Dù bị tai nạn nặng, song bé rất đáng yêu và lanh lợi lại nhõng nhẽo: “Con nhớ mẹ lắm. Nãy có chú quay phim, cô chụp hình con nữa”.

Ba của bé- anh Nguyễn Thiện Sang (huyện Cờ Đỏ- TP Cần Thơ)- vừa quạt vừa nhìn con xót xa: “Sơ sẩy có chớp mắt mà con chạy ra lộ bị xe máy kéo 5-6m nên mới bị thương dữ vậy. Cũng may mạng con còn. Thiệt tui hối hận và xót con dữ lắm. Con chạy theo ba, tui kêu con vô nhà, ba qua lộ lấy lục bình về xắt cho vịt ăn rồi chơi với con. Đi vừa tới bển, con chạy vù theo không hay…”

Nằm cùng phòng còn có bé Trần Ngọc Thiên Hương (2 tuổi) té từ trên giường xuống gãy tay. Bé phụng phịu: “Ba làm đau con tay này, bác sĩ chích đau tay bên kia”. Ba bé giải thích: “Anh thay đồ cho con chị, thì con em khỉ khọt nhảy từ trên giường xuống gạch, quay qua chụp hổng kịp. Con đau, xót lắm, mình sơ sẩy xíu con bị nạn liền hà”.

Té ngã có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ, từ trật khớp, gãy xương, chấn thương ngực, chấn thương bụng đến chấn thương sọ não dẫn đến tử vong.

Tạo môi trường sống an toàn cho trẻ

Tháng 2 vừa qua, em trai N.H.K. (11 tuổi, TP Vĩnh Long) đi chơi xe trượt điện ở quảng trường với bạn thì bị té, đập vùng cổ vào tay lái xe rồi ngất xỉu. Nhờ được cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh nên em không bị nguy hiểm đến tính mạng.

Qua trường hợp trên, các cơ sở vui chơi cần tăng cường công tác giám sát khu trò chơi, trang bị các thiết bị bảo hộ để an toàn hơn cho người chơi.

 Các bậc cha mẹ cũng cần quan tâm, theo dõi và lựa chọn các trò chơi phù hợp với lứa tuổi con em, đặc biệt nhóm trẻ lớn thường ưa thích chơi các trò tốc độ, cảm giác mạnh mà không đánh giá mức độ nguy hiểm, phương thức bảo hộ thân thể.

Những tai nạn thường để lại hậu quả tâm lý, sức khỏe, thẩm mỹ hết sức nặng nề cho trẻ nhỏ. Để hạn chế tối đa TNTT ở trẻ em, nhất là trong thời gian các em nghỉ hè, người lớn cần để ý, quan sát, tạo không gian an toàn cho trẻ, nhất là trẻ nhỏ dưới 6 tuổi. Điều quan trọng, phải trang bị cho phụ huynh lẫn con trẻ kiến thức để tự bảo vệ mình.

Chị Thái Thị Kim Dư (xã Phú Thành- Trà Ôn) kể: Trong lúc cả nhà đang ăn uống, bé đang chơi thì bị vấp ngã và tay bé đập vào trong nồi lẩu. Gia đình hốt hoảng lập tức chở bé đến cơ sở khám bệnh tư nhân gần nhà nhưng đến sáng hôm sau, vết bỏng bắt đầu phồng rộp lên. Vợ chồng phải bỏ hết công ăn việc làm để đưa bé đến bệnh viện điều trị.

Nhìn cháu ngoại 6 tuổi say sưa chơi đồ chơi, quên chân trái vừa mổ lấy mấy viên sỏi đá ra, cô Nguyễn Thị Kim thở dài: “Cháu tui chơi với mấy anh em xóm, tụi nhỏ chở đi xe đạp thì thằng nhỏ đút giò vô căm xe, té xuống. Tui đưa vô trạm xá băng bó vết thương, phải may mấy mũi do tét sâu. Bị cũng hơn nửa năm thì thấy chân cháu vẫn sưng, than đau nên đi vô đây, bác sĩ chụp nói còn miểng đá ghim trong chân, phải tiểu phẫu gắp ra”.

Các trẻ em bị tai nạn thương tích đang điều trị tại Khoa Ngoại- Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ.
Các trẻ em bị tai nạn thương tích đang điều trị tại Khoa Ngoại- Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ.

Theo BSCK2 Nguyễn Quang Tiến- Trưởng Khoa Ngoại- Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, ba mẹ cần bình tĩnh quan sát và đánh giá chấn thương của trẻ. Ngay cả ba mẹ cũng cần có những kiến thức về sơ cấp cứu.

Ví dụ khi trẻ bị phỏng, tay bị nhúng vào nước sôi, nước canh… thì ba mẹ đừng bôi bất cứ thứ gì lên vết thương như quan niệm, mà nên ngâm vùng phỏng của trẻ vào thau nước sạch trong vòng 15- 20 phút, như vậy mới đảm bảo vết phỏng không bị quá sâu.

Khi thấy trẻ bị ngã, ba mẹ cần xem mức độ chấn thương của trẻ để có cách xử lý tốt nhất. Nếu trẻ đau nhiều hoặc đau khi cử động, tay chân bị bầm tím, cần lưu ý có thể trẻ bị bong gân hay gãy xương thì nên sơ cứu, cố định tạm thời trước khi chuyển đến bệnh viện.

Đặc biệt, ba mẹ nên hướng dẫn, giáo dục cho trẻ cách chơi đồ chơi an toàn và tránh xa những đồ vật nguy hiểm có nguồn điện như điều hòa, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng...

Dưới mỗi mái nhà, có rất nhiều nguy cơ từ các vật dụng trong gia đình có thể gây TNTT cho trẻ, thậm chí dẫn đến tử vong. Trông coi trẻ không cẩn thận, trẻ có thể bị rơi lọt cầu thang. Các góc, mép bàn thủy tinh nhọn, dao, kéo có nguy cơ gây sát thương cao đối với trẻ. Tai nạn kẹt chân vào xe đạp, bỏng nước sôi, lửa, tai nạn hốc dị vật, điện giật, chó- mèo cắn và rất nhiều tai nạn khác ở trẻ hiện nay đang xuất phát từ sự chủ quan của người lớn. Chưa kể là các loại thuốc, hóa chất, long não… để trong tầm với của trẻ đều có thể gây nên hậu quả khó lường.


Bài, ảnh: THÚY QUYÊN