Truyền cảm hứng bằng... lời phê

Cập nhật, 16:14, Thứ Ba, 15/05/2018 (GMT+7)

1. Gần đây, cộng đồng mạng chia sẻ hình chụp những bài kiểm tra môn Toán của học sinh Trường THCS Quang Trung, Bảo Lộc, Lâm Đồng với những lời phê “siêu lạ” của cô giáo như:

 “Ôi, bảng cửu chương, mày đi đâu vậy?”, “Sắp chạm đến đỉnh cao rồi con à, cố lên!”... Trong đó, lời phê dành cho một em 9,8 điểm là “Đôi khi nhanh quá lại thiệt, cần đọc hướng dẫn trước khi hạ bút” hay dành cho một em 2,3 điểm là “Con cần cố gắng thật nhiều nhé!”

Chủ nhân những lời phê này cho biết, cô không mất nhiều thời gian khi ghi lời phê nhưng thừa nhận đã rất đầu tư để tìm hiểu tính cách học trò. Trong khi đó, các em học sinh tỏ ra rất hào hứng với cách ghi lời phê nên háo hức mong chờ cô phát bài kiểm tra.

2. Một lần chấm bài xong, cô bạn là giáo viên dạy Văn gửi cho tôi một tin nhắn đầy tâm tư: “Chấm bài lớp 12 xong, dù kết quả khá cao nhưng chợt buồn. Công nghiệp viết văn. Bài có chất riêng đếm trên đầu ngón tay”.

Hơi buồn nhưng theo bạn, càng phải “đầu tư suy nghĩ” ghi lời phê cho các bài thi, bài kiểm tra sao cho các em đọc lời phê một cách vui vẻ, thích thú và yêu môn học hơn.

Chẳng hạn như phê là “bài viết có sáng tạo” để khuyến khích các em “sáng tạo” trong lối suy nghĩ, lối viết để tạo chất giọng và bản sắc riêng. Theo cô bạn, việc ghi lời phê rất quan trọng. Như khi bạn học lớp 6, cô giáo phê vào phiếu liên lạc “học tốt, có khả năng tiến xa”.

Vui vì nhận xét của cô, bạn đã phấn đấu hết mình để tiến lên phía trước như lời cô nói. Bạn cảm thấy được động viên, tiếp thêm niềm tin trên mỗi bước đường mỗi khi nhớ đến lời phê đó. Bạn biết ơn cô giáo đã cho bạn lời phê “truyền cảm hứng”.

3. Khi tôi hỏi thăm việc học, một số học sinh thường chia sẻ về việc thích môn học này vì giáo viên vui vẻ, thương học trò hay ghét môn học kia bởi giáo viên “kỳ cục”- hay mắng chửi, chỉ thương các trò học thêm môn của mình…

Bạn H.N. học lớp 9 cho biết, cả lớp ai cũng chán học môn thầy C. bởi thầy ít khi giảng bài, toàn cho chép; có khi còn “khuyên” một bạn nào đó trong lớp nghỉ học vì “anh có học cũng sẽ hổng tới đâu”. Hậu quả là bạn đó càng “quậy” và lười học hơn.

Thực tế cho thấy, cách cư xử, những đánh giá của thầy cô rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn tới “trái tim non nớt” của lứa tuổi học trò.

Cho nên, thầy cô rất cần cư xử thật chuẩn mực. Đặc biệt là cần suy nghĩ, cẩn trọng từng chữ khi đánh giá học sinh. Thay vì “chê bai thậm tệ” khiến các em chán nản, mũi lòng, nên chăng, thay thế bằng những lời nhận xét, động viên tích cực, tiếp lửa và truyền cảm hứng?

SÔNG HẬU