Nhiều trường hợp nhập viện do bị rắn lục đuôi đỏ cắn

Cập nhật, 20:42, Chủ Nhật, 20/05/2018 (GMT+7)

Gần 1 tháng trở lại đây, liên tục có các trường hợp phải nhập viện do rắn cắn. Hầu hết bệnh nhân bị rắn lục tấn công vào các vị trí như ngón tay, chân.

Một bệnh nhân bị rắn cắn vào tay
Một bệnh nhân bị rắn cắn vào tay

ĐBSCL bắt đầu đầu xuất hiện những cơn mưa nặng hạt, đây cũng là mùa của các loài rắn sinh sôi, phát triển. Đáng chú ý, gần đây có nhiều người dân bị rắn cắn ngay cả khi đang lao động, sinh hoạt như hái rau trong vườn nhà, đi thăm đồng hay trong lúc làm cỏ vệ sinh xung quanh nhà...

Anh Phan Phi Khanh, nông dân ở xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào chân phải khi đang đi thăm đồng. Người nhà đã nhanh chóng đưa anh đến Khoa Nội Tiêu hóa và bệnh máu, bệnh viện Quân y 121 cấp cứu điều trị kịp thời nên không gây nguy hiểm đến tính mạng.

Anh Khanh nhớ lại: "Lúc đi ra thăm đồng bị rắn cắn và cũng không xác định được là loại rắn gì. Đến khi chân bị đau nhức, mới dùng đèn pin rọi vào vết cắn, thấy con rắn lục đuôi đỏ vẫn nằm gần đó. Cũng do bản thân thiếu cảnh giác, đi ban đêm nên dễ dàng bị rắn tấn công".

Thực tế đáng lo ngại nhất, có một số trường hợp vào viện trễ do ghé thầy lang hoặc do sơ cứu tại chỗ không đúng cách khiến tình trạng trở nặng gây khó khăn cho công tác điều trị hoặc phải điều trị kéo dài, tốn kém và nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, theo khuyến cáo của các bác sĩ nếu không may bị rắn cắn cần lập tức đưa bệnh nhân vào cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xử trí và cứu chữa đúng cách.

Trường hợp Ông Phan Văn Bé, 52 tuổi, nhà gần Chợ Tầm Vu, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ không may bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Ông Bé cho biết, khoảng 7h sáng ngày 17/5, trong lúc lấy củi ra phơi, con rắn lục đã nằm sẵn trong bó củi và cắn vào ngón trỏ của ông gây sưng nề và đau nhức dữ dội.

Vết thương càng lúc càng sưng nề và đau nhức nhiều hơn, trong lúc lúng túng người nhà đã lấy thun buộc vào ngón trỏ bị rắn cắn với mục đích cho đỡ đau nhức, một lát sau máu ngưng tụ vết thương sưng nề và gây đau nhức nhiều hơn. May mắn là người nhà phát hiện và nhanh chóng đưa ông đến Khoa Nội tiêu hóa và Bệnh máu, bệnh viện Quân y 121 để cứu chữa kịp thời.

Mỗi năm cứ vào khoảng thời điểm mùa mưa cũng là lúc, một số địa phương ở ĐBSCL xuất hiện nhiều trường hợp bị rắn cắn. Theo Đại tá, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Vinh - Chủ nhiệm Khoa Nội Tiêu hóa và Bệnh máu, Bệnh viện Quân y 121, do mùa mưa là mùa sinh sôi, phát triển của rắn độc nên có nhiều người bị rắn cắn.

Bác sĩ Vinh xác định từ đầu năm đến nay, Khoa đã tiếp nhận gần 100 ca do bị rắn lục đuôi đỏ cắn, nhiều nhất là trong khoảng một tuần trở lại đây, gần 30 trường hợp nhập viện. Với kinh nghiệm lâu năm trong việc điều trị rắn độc, nên hầu hết các bệnh nhân đến bệnh viện đều được cứu chữa kịp thời. Có những trường hợp suy đa tạng nặng cần phải lọc máu liên tục, buộc đơn vị phải chuyển lên tuyến trên để kịp thời cứu sống.

“Một ngày chúng tôi có khi tiếp nhận từ 4-5 ca một lượt. Bệnh nhân không biết rắn gì cắn, do đó khi bị bất cứ con gì cắn cũng cần đến cơ sở y tế, không nhất thiết là rắn độc. Cần tránh trường hợp chủ quan, nghĩ là rắn nước hoặc rắn không độc dẫn đến gặp nguy hiểm. Nếu bị rắn độc cắn nên đến các tuyến bệnh viện chuyên khoa có điều kiện hồi sức cấp cứu, điều trị chống độc đặc hiệu để đảm bảo tính mạng và an toàn cho bệnh nhân", bác sỹ Vinh lưu ý.

Được biết, với đặc tính sinh sản của các loại rắn quanh năm, tuy nhiên tập trung chủ yếu là đầu mùa mưa, đây chính là mùa của các loại rắn độc sinh sôi, phát triển cho nên người dân sống ở những vùng nông thôn, những khu vực bỏ hoang, nhất là khu vực đã từng xuất hiện rắn, cần hết sức cẩn trọng./. 

Theo VOV.VN