Phát triển đô thị bảo tồn cảnh quan sông nước

Cập nhật, 11:22, Thứ Tư, 18/04/2018 (GMT+7)

Vĩnh Long nằm giữa 2 nhánh sông chính của dòng Cửu Long là sông Tiền và sông Hậu. Theo 2 con sông này, đã hình thành 2 đô thị (ĐT) lớn nhất tỉnh là TP Vĩnh Long và TX Bình Minh.

Về lâu dài, 2 ĐT này cũng đã được tỉnh định hướng phát triển lâu dài- nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội toàn tỉnh. Trong đó, không quên chú trọng bảo tồn và phát huy thế mạnh sông nước.

Không chỉ làm bờ kè mà còn cần những giải pháp “mềm” để tạo nhiều điểm nhấn cho đô thị bên sông.
Không chỉ làm bờ kè mà còn cần những giải pháp “mềm” để tạo nhiều điểm nhấn cho đô thị bên sông.

ĐT trọng điểm của tiểu vùng giữa đồng bằng

Theo Đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, ĐBSCL được phân thành 3 tiểu vùng: ngập sâu, giữa đồng bằng và ven biển. Mỗi tiểu vùng có các ĐT trọng điểm làm cơ sở hình thành các trung tâm thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Mạng lưới ĐT được điều chỉnh về tầng bậc để hình thành các trung tâm ĐT của các vùng sinh thái nông nghiệp, nhằm thúc đẩy chuyên môn hóa và đa dạng hóa nền kinh tế, hiện đại hóa nông nghiệp theo đặc trưng và lợi thế của từng vùng sinh thái nông nghiệp.

Tổ chức mạng lưới gồm 37 ĐT trọng điểm có vai trò cấp vùng và tiểu vùng (trong đó, 14 ĐT tại tiểu vùng giữa đồng bằng, 18 ĐT tại tiểu vùng ven biển và 5 ĐT tại tiểu vùng ngập sâu).

TP Vĩnh Long và TX Bình Minh của Vĩnh Long nằm trong số 14 ĐT trọng điểm thuộc tiểu vùng giữa đồng bằng. Đây là vùng ngập nông, cần tiết kiệm đất đai trong xây dựng ĐT; phát triển ĐT theo mô hình ĐT nén…

Tổ chức không gian ĐT cần “dành chỗ cho nước”; cân bằng đào đắp trong xây dựng phát triển ĐT nhằm hạn chế ngập lụt, thích ứng biến đổi khí hậu.

Theo ông Đoàn Thanh Bình- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng, thời gian qua, các cấp, các ngành tỉnh rất quan tâm khai thác lợi thế cảnh quan sông nước, đặc biệt là tạo đặc trưng riêng cho ĐT để thu hút phát triển du lịch.

Theo đó, TP Vĩnh Long và TX Bình Minh đã được định hướng, quy hoạch phát triển bảo tồn, phát huy thế mạnh sông nước.

Cụ thể, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TX Bình Minh đến năm 2035 đã được công bố vào tháng 3/2018. Bên cạnh, Sở Xây dựng và Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd (Nhật Bản) đã hợp đồng lập Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Vĩnh Long đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050.

Bảo tồn cảnh quan sông nước

Một trong những mục tiêu của Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TX Bình Minh đến năm 2035 là thúc đẩy ĐT hóa, phát triển ĐT hài hòa với cảnh quan tự nhiên, phát huy bản sắc ĐT sông nước, nâng cao chất lượng sống người dân.

Theo đó, xác định phát triển không gian ĐT theo mô hình ĐT ven sông, cấu trúc ĐT tập trung với các trục xuyên tâm, hướng tâm và vành đai mở kết nối cảnh quan đặc trưng sông nước, vườn cây ăn trái.

Đến 2035, hình thành 3 khu ĐT (khoảng 2.471ha): Khu ĐT trung tâm truyền thống, Khu ĐT mới công nghiệp- thương mại Thuận An và Khu ĐT mới dịch vụ- công nghiệp- kho vận Đông Thuận. Cả 3 khu ĐT đều được tổ chức không gian cây xanh, không gian mở ven sông, rạch…

Bên cạnh, tầm nhìn đến năm 2050, TP Vĩnh Long sẽ là “Thành phố xanh ven sông- Thành phố giao lưu”.

Để đạt được tầm nhìn này, sẽ hình thành ĐT nông nghiệp, ĐT du lịch và ĐT có chất lượng sống cao. Theo đó, tiếp tục bảo tồn, phát huy tài nguyên vốn có để tạo cá tính riêng, đa dạng hóa hoạt động du lịch; hướng đến ĐT ven sông có môi trường thiên nhiên trù phú.

Trước tiên, sẽ “nới rộng không gian” thành phố theo hình rẽ quạt: hạt nhân là ĐT hiện hữu, tỏa về các hướng xung quanh- thêm một phần của huyện Long Hồ (các xã An Bình, Hòa Ninh, Thanh Đức, Tân Hạnh, Phước Hậu) thay vì mở rộng một cách tuyến tính dọc theo sông Cổ Chiên, QL1, QL53… nhiều hạn chế như hiện nay.

ĐT tương lai được chia làm 4 vùng: lõi ĐT, vùng chuyển tiếp, ngoại thành và cù lao An Bình. Lõi ĐT bao gồm trung tâm hành chính mới của tỉnh (Phường 9) và Phường 1 có nhiều cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ.

Tại vùng lõi ĐT và ĐT chuyển tiếp, khi phát triển ĐT sẽ giữ lại tối đa các con sông, kinh rạch và đất cây xanh, đất nông nghiệp ven sông tạo mạng lưới cây xanh và mặt nước liên tục trong ĐT. Mạng lưới cây xanh và mặt nước đem thiên nhiên vào ĐT tạo không gian bố trí sân chơi thể thao, đường đi dạo, đi xe đạp, là nơi nghỉ ngơi giải trí cho người dân.

Tại khu vực lõi ĐT, để hình thành hệ thống cây xanh mặt nước đặc trưng của tỉnh, quy hoạch bảo vệ hệ thống sông ngòi và đất cây xanh ven sông.

Trong đó, tái phát triển đồng bộ khu vực xung quanh Phường 1 thành một thể thống nhất với không gian mở về phía sông để tăng tính liên kết giữa các công trình và tận dụng sông Cổ Chiên. Đồng thời, cải thiện môi trường sông ngòi quan trọng bao quanh thành Long Hồ…

Bên cạnh, sẽ xây dựng TP Vĩnh Long đa dạng hóa du lịch- không tham quan hết trong ngày. Không chỉ phát triển du lịch sông nước mà còn xây dựng trọng điểm du lịch gần nút giao với đường cao tốc, thu hút khách ghé lại.

Biến khu vực ven sông Cổ Chiên thành trục du lịch, xây dựng trọng điểm du lịch khác biệt so với các thành phố khác trong ĐBSCL. Trục cảnh quan sông Cổ Chiên gồm: công viên ven sông Cổ Chiên, cồn Chim và cồn Giông.

Trong đó, công viên ven sông Cổ Chiên quy mô lớn và sẽ là biểu tượng của thành phố, phù hợp với tính chất một công viên liên vùng; phát triển cồn Chim thành khu du lịch sinh thái lưu trú dài ngày và thành khu vực cao cấp nhất Vĩnh Long, với đất biệt thự thu hút người dân từ các ĐT lớn, chuyên gia đến ở… Cồn Giông có thể phát triển du lịch thể nghiệm nông nghiệp.

Định hướng hình thành tuyến cáp treo nối cồn Chim và cù lao An Bình, giúp ngắm cảnh sông Cổ Chiên và cầu Mỹ Thuận từ trên cao, tạo sự khác biệt trong vùng ĐBSCL.

Theo ngành xây dựng tỉnh, định hướng tới, ven sông không chỉ có các dự án kè mà còn có những “giải pháp mềm” như cây xanh, thảm cỏ… tạo sự thân thiện, giao lưu giữa con người với dòng sông.

Đồng thời, không chỉ có công viên mà còn cho phép xây dựng các công trình với mật độ thấp, có du lịch- dịch vụ xen kẽ… để tạo nhiều điểm nhấn sinh động. Ông Đoàn Thanh Bình cho rằng, khai thác cảnh quan sông nước để phát triển du lịch là “lựa chọn khôn ngoan” vừa cải thiện môi trường vừa là hướng phát triển bền vững cho tương lai,...

Ông Lê Minh Trí- Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Vĩnh Long

Bên cạnh các khu công viên, cây xanh trên bờ kè, cần quy hoạch, bảo tồn các “điểm nhấn” khác có giá trị kinh tế, văn hóa lịch sử… Chẳng hạn, giữ lại cảng hàng hóa để tạo điểm nhấn năng động, hiện đại và “an tâm đầu tư” ngay khi vừa tới cầu Mỹ Thuận nhìn về trung tâm thành phố. Đồng thời, hình thành từ trước năm 1968, đây cũng là điểm mang giá trị văn hóa- lịch sử lâu đời trong quá trình phát triển đô thị.

 

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN