Người Việt nhẫn tâm đầu độc đồng bào bằng… đồ ăn, thức uống

Cập nhật, 13:08, Thứ Hai, 23/04/2018 (GMT+7)

 “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn đến thế”.

Những vụ việc cà phê nhuộm lõi pin độc hại, trứng gà công nghiệp được tẩy trắng bằng hóa chất để thành gà ta, thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư giả… vừa bị phát hiện đã minh chứng rõ câu nói của một vị đại biểu Quốc hội “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn đến thế”.

Hồi chuông báo động về an toàn thực phẩm vẫn chưa dứt, thậm chí còn vang to hơn trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm đang diễn ra.

Cơ sở sản xuất cà phê nhuộm pin con ó khiến dư luận bất bình, người tiêu dùng hoang mang.
Cơ sở sản xuất cà phê nhuộm pin con ó khiến dư luận bất bình, người tiêu dùng hoang mang.

Chưa bao giờ nỗi bất an nơi người tiêu dùng về thực phẩm bẩn lại lớn đến thế… Những đống cà phê hạt lép được nhuộm bằng nước (hòa lõi pin thải loại độc hại) tại Đắk Nông và lời khai rúng động của chủ cơ sở về việc đã tiêu thụ được hơn 3 tấn cà phê bẩn, khiến ai cũng cảm thấy bất an.

Thực phẩm bẩn, nỗi lo thường trực nhưng thật khó tưởng tượng được hành vi dã man này.

Theo Bác sĩ Đặng Thị Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thì lõi pin chứa chất cực kỳ độc hại, chưa kể những nguy cơ mất an toàn khác khi việc phối trộn được thực hiện trên nền đất như trộn xi măng cát để xây dựng:

Bác sĩ Đặng Thị Xuân nói: “Thành phần sử dụng trong pin carbon chủ yếu là kim loại nặng, gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe con người. Kim loại nặng khi xâm nhập vào cơ thể gây ảnh hưởng đến trí tuệ, hệ tim mạch, xương, máu. Tác động đến thần kinh là rõ ràng nhất, như ở người trẻ thì ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, ở người lớn thì là các bệnh mãn tính như parkinson, thoái hóa não. Ngoài ra còn ảnh hưởng cả não, tim, phổi, thận, suy gan”.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: Từ những vụ việc thực phẩm bẩn cho thấy, quyền thông tin về hàng hóa và quyền được an toàn của người tiêu dùng đều không được đảm bảo. Người dân sẵn sàng chấp nhận giá đắt nhưng việc mua được sản phẩm tốt hay không là cả một vấn đề.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ: “Kiểm soát thực phẩm phải quản lý theo chuỗi từ sản xuất, chế biến, vận chuyển, lưu thông phân phối và đến tay người tiêu dùng. Thế nhưng chuỗi thực phẩm ở nước ta thực hiện chưa tốt. Người tiêu dùng hiện nay vẫn rất mông lung. Rất khó cho họ khi thấy rất nhiều điểm bán hàng trưng biển rau sạch, sản phẩm sạch nhưng có đúng là sạch hay không? Lấy gì để đảm bảo, cũng có tem đảm bảo nhưng tem đó ai cấp và người tiêu dùng không biết là tem do cơ quan có thẩm quyền dán hay người ta tự dán”.

Chuỗi thực phẩm chưa được kiểm soát đến nơi, đến chốn là cơ hội để cơ sở làm ăn chụp giật lên ngôi, còn cơ sở muốn làm ăn tử tế khó có điều kiện phát triển.

Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế thừa nhận, phần lớn thực phẩm hiện nay được cung cấp từ các cơ sở nhỏ lẻ nhưng hệ thống kiểm soát yếu kém nên thường không truy xuất được nguồn gốc.

“Nếu vẫn còn cơ sở sản xuất nhỏ lẻ sẽ vô cùng khó đảm bảo an toàn thực phẩm. Tôi có tham gia Đoàn giám sát của Quốc hội đi đến các lò giết mổ gia súc, gia cầm, vấn đề an toàn thực phẩm tại các lò giết mổ chưa giải quyết được, hầu hết chưa giết mổ tập trung. Bản thân người sản xuất, kinh doanh không thực hiện nghiêm túc và nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương thì không thể giải quyết được”, bà Trần Việt Nga thông tin thêm.

Sản phẩm của Vinaca là thuốc ung thư giả nhưng lại được vinh danh

Trong khi cơ quan chức năng lúng túng, nhiều người dân chọn cách quay về phương thức “tự cung tự cấp”, trồng rau trong hộp xốp ở bất kỳ không gian nào có thể, mở trang trại hoặc đặt hàng người thân nuôi gia súc, gia cầm, mùa nào thức nấy.

Tuy nhiên, không thể chủ động hết được tất cả các loại thực phẩm và càng không thể tự sản xuất được những sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh. Do vậy, nhiều bệnh nhân ung thư bị lừa bởi những sản phẩm như Vinaca làm từ bột than tre, nứa.

Ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Đây là sản phẩm thực phẩm chức năng giả, sản xuất bất hợp pháp, không có giấy phép lưu hành và không công bố sản phẩm. Theo tôi phải xử lý theo luật hình sự. Tôi được biết là đội quản lý thị trường và công an kinh tế theo dõi vụ việc này rất lâu mới phát hiện được”.

Điều trớ trêu là trước khi bị phát hiện sản xuất sản phẩm chữa ung thư giả từ than tre, nứa, Vinaca từng được "vinh danh" trong “Top 10 thương hiệu Việt Nam”, còn chủ cơ sở từng được tặng danh hiệu "doanh nhân tiêu biểu".

Những nhà sản xuất vô lương ấy đã lợi dụng chính sự "nhẹ dạ" có phần thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng để lừa cả bệnh nhân ung thư, những người yếu thế trong xã hội và khánh kiệt tới khi từ giã cõi đời...

Chưa cần xét đến trách nhiệm của cơ quan chức năng, đã thấy rõ nhóm người sản xuất thực phẩm chức năng giả này và cơ sở sản xuất cà phê trộn pin kia độc ác như thế nào khi họ hãm hại chính đồng bào của mình bằng thực phẩm bẩn, không chỉ gieo rắc hiểm họa bệnh tật, những cái chết từ từ cho hàng loạt người trong đau đớn, kiệt quệ, mà còn hủy hoại dần nòi giống của dân tộc./.

Theo VOV