Thi đua giúp nhau nâng cao đời sống

Cập nhật, 13:38, Thứ Ba, 13/03/2018 (GMT+7)

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cựu chiến binh (CCB) giúp nhau nâng cao đời sống, tham gia các chương trình kinh tế ở địa phương”, Hội CCB xã Hậu Lộc (Tam Bình) đã có cách làm sáng tạo, hiệu quả để cùng nhau phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập.

Nhờ nguồn góp vốn sản xuất, ông Sáng (trái) đã có điều kiện vươn lên.
Nhờ nguồn góp vốn sản xuất, ông Sáng (trái) đã có điều kiện vươn lên.

Vươn lên từ nguồn góp vốn sản xuất

Năm 1980, ông Trần Văn Sáng (Ấp 5) sang giúp nước bạn tại chiến trường K (Campuchia), 4 năm sau ông bị mất sức lao động 41% và trở thành bệnh binh.

“Khi xuất ngũ về, nhà tui nghèo, anh em lại đông, trồng lúa chỉ hơn 10 giạ/công, có khi mất trắng. Là anh lớn trong nhà, tui phải làm đủ nghề, lúc làm mướn, khi thì đi đặt lờ đặt lọp kiếm cá lo cái ăn cho các em”- ông Sáng kể.

Lập gia đình, ông Sáng được cha mẹ cho ra riêng với 2,5 công ruộng. Trồng lúa thấy không hiệu quả nên ông lên vườn bằng cách vần công với anh em. Sức khỏe kém nên khi 4 đứa con lần lượt ra đời thì cuộc sống gia đình ông càng vất vả hơn.

Năm 2014, từ nguồn góp vốn sản xuất của Hội CCB, ông Sáng đã mượn 15 triệu đồng mua bò cái về nuôi. Bên cạnh việc tận dụng rơm ngoài đồng của lối xóm cho, ông còn dành nửa công đất trồng cỏ và trồng xen thêm trong vườn dừa để có nguồn thức ăn tại chỗ.

“Già rồi, sức khỏe cũng yếu, mỗi buổi tui chỉ cắt vài lọn cỏ là đủ cho bò ăn, nên công việc này cũng khá phù hợp. Gần đây, tui đã hoàn vốn, bỏ túi được vài triệu đồng và lời thêm 3 con bò”- ông Sáng khoe.

Thời chiến, bà Trần Thị Tư (cùng ngụ Ấp 5) tham gia chế tạo vũ khí và làm công tác mật tại huyện Tam Bình.

“Xưa thù giặc nên cái gì làm được thì tui cứ làm để góp sức đánh giặc chứ không nghĩ mình sẽ được gì”- bà Tư kể. Sau ngày giải phóng, bà Tư tích cực tăng gia sản xuất và hưởng ứng các phong trào cách mạng tại địa phương.

Những năm gần đây, khi hội phát động phong trào giúp nhau nâng cao đời sống, bà Tư nhiệt tình tham gia góp vốn và được hội cho mượn 6 triệu đồng để nuôi bò.

Nhờ chăm sóc kỹ nên đàn bò phát triển khá tốt. Vừa rồi bà bán được 2 con bò giá 42 triệu đồng để sửa chữa nhà. “Hiện, tui còn 1 con bò sắp đẻ, tui định sau khi hoàn vốn sẽ tăng số lượng đàn bò”- bà Tư cho biết.

Phát huy tinh thần đồng đội

Theo ông Phan Văn Hai- Chủ tịch Hội CCB xã, phong trào góp vốn sản xuất đã được hội duy trì từ nhiều năm nay. Lúc đầu mỗi hộ tham gia chỉ góp vài chục ngàn đồng/năm.

Đến nay, mức đóng góp bình quân khoảng 320.000 đ/năm, hộ góp cao nhất trên 3 triệu đồng/năm. Mức đóng góp tùy mỗi chi hội và có thể đóng theo vụ lúa hoặc theo năm.

Qua phong trào thi đua giúp nhau làm kinh tế, toàn hội hiện có 84 hội viên có mức sống khá giàu, chiếm 68,85%; 37 hội viên trung bình, chiếm 30,32%; chỉ còn 1 hội viên cận nghèo, chiếm 0,83% và không còn hội viên nghèo. Năm qua, hội còn giúp 3 hộ ngoài hội vươn lên thoát nghèo theo sự phân công của Đảng ủy xã.

Số tiền này được dùng để tổ chức các hoạt động tình nghĩa- cho anh em mượn đầu tư chăn nuôi để nâng cao thu nhập.

Tiền lời thu được sẽ dùng cho chi tiêu hội họp, tổ chức các phong trào, thăm hỏi, tặng quà... Còn nếu làm ăn thua lỗ thì anh em chỉ cần hoàn vốn đã mượn.

Nhờ quản lý chặt nên nguồn vốn được bảo toàn, khi anh em có nhu cầu sẽ trả lại toàn bộ. Đến nay, toàn hội có 117 hội viên tham gia với số tiền 276,7 triệu đồng.

Riêng năm 2017, hùn vốn được 37,7 triệu đồng. Số tiền trên đã giúp cho gần 40 hội viên mượn vốn phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, hỗ trợ cho mô hình chăn nuôi bò là 105 triệu đồng.

Từ 6 con bò được nuôi ban đầu, đến nay đã nhân đàn bò lên 32 con. Hiện đã bán 6 con, cho lợi nhuận 108 triệu đồng.

Một trong những cách làm hay của các chi hội là hầu hết đều duy trì chế độ sinh hoạt lệ hàng tháng, có đổi mới nội dung theo hướng nâng cao số lượng, đảm bảo chất lượng.

Mỗi khi họp sẽ mặc đồng phục và tổ chức họp xoay vòng ở nhà các hội viên. Bên cạnh việc triển khai các nghị quyết, phong trào, thì đây còn là cách để thăm hỏi, tìm hiểu hoàn cảnh của từng hội viên và cùng nhau tham quan mô hình, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn của mỗi gia đình.

Bà Tư cho biết: “Mỗi lần tới kỳ họp, được gặp anh em đồng đội tui thấy vui hẳn. Bên cạnh còn nghe triển khai để hiểu biết hơn về pháp luật, chính sách về dạy con cháu.

Điều đặc biệt là anh em sống với nhau rất tình nghĩa, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất chứ không có giấu nghề. Mỗi lần biết có người chuẩn bị vào hội là tui tặng cho bộ đồng phục để mỗi khi hội họp, đều tự hào khi được khoác lên mình chiếc áo lính.

Mấy con tui sống ở TP Vĩnh Long thấy tui tham gia hội cũng thích lắm, các con thường nhắc tôi tới đợt họp ở nhà mình nhớ cho hay để về chung vui với các cô chú”.

Ông Phan Văn Hai- Chủ tịch Hội CCB xã Hậu Lộc: Qua phong trào thi đua, cứ mỗi cuối năm, hội đều trích từ tiền hoạt động của hội khen thưởng 2 anh em xuất sắc nhất. Năm qua, toàn hội có 120 hội viên đạt danh hiệu “CCB gương mẫu”, đạt 95,08%. Có 8 hội viên được nhận kỷ niệm chương Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Vĩnh Long.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI