Giúp nhau xóa nghèo hiệu quả

Cập nhật, 15:34, Thứ Ba, 09/01/2018 (GMT+7)

 

Nhờ nhiệt tình cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm kinh tế mà Hội CCB xã Bình Phước đã kéo giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo.
Nhờ nhiệt tình cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm kinh tế mà Hội CCB xã Bình Phước đã kéo giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo.

Phong trào “Cựu chiến binh (CCB) đoàn kết giúp nhau nâng cao đời sống, vượt khó giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” năm 2017- với sự giúp đỡ của tổ chức hội và đồng đội, đã tạo thành động lực để hội viên vươn lên khá giàu với tỷ lệ gần 65,8% và có 55,7% cơ sở hội không còn hội viên nghèo.

Giúp nhau thoát nghèo hiệu quả

Bình Phước là xã nông thôn sâu của huyện Mang Thít có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo nhiều nhất so mặt bằng chung của huyện, trong đó có CCB- chủ yếu sống bằng nghề nông, còn lại buôn bán nhỏ lẻ, làm thuê và công nhân.

Ông Mai Văn Hùng- Chủ tịch Hội CCB xã cho biết, năm 2012 toàn hội có đến 33 hộ nghèo. Hội đã xây dựng kế hoạch và phân công cán bộ hỗ trợ, động viên hội viên chí thú làm ăn, nhờ đó đến nay toàn hội chỉ còn 1 hội viên nghèo, chiếm tỷ lệ 0,43%. Có 149 hội viên khá giàu, chiếm tỷ lệ trên 65%.

Tùy điều kiện cụ thể, hội viên có thể áp dụng các biện pháp tăng gia sản xuất như: mở rộng chăn nuôi gia súc, nuôi cá, tận dụng đất trống trồng thêm rau củ quả để cải thiện bữa ăn, giảm tiền chợ và có dư ra thì đem bán để tăng thêm thu nhập.

Có dịp cùng ông Hùng đến dự buổi họp lệ hàng tháng của Chi hội CCB ấp Phước Thới C, chúng tôi nhận thấy tinh thần của anh em CCB rất lớn vì không kể thời tiết nắng hay mưa bão, cứ đến 17 giờ chiều vào ngày rằm âm lịch hàng tháng là các hội viên đều có mặt đông đủ.

Theo ông Hùng, để đổi mới phương thức sinh hoạt cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của từng chi hội, hội đã triển khai đồng loạt mô hình sinh hoạt “3 chi + 1” (chi bộ, chi hội, chi đoàn thanh niên và CLB cựu quân nhân) đến từng chi hội; đồng thời, tổ chức họp xoay vòng đổi địa điểm đến từng nhà đồng đội để tham quan học hỏi mô hình làm ăn có hiệu quả và góp ý cho nhau cùng tiến bộ.

“Điều đáng quý là thông qua việc trao đổi kinh nghiệm thực tế, anh em không giấu nghề mà tận tình hướng dẫn, chỉ bảo nhau cách ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất đạt hiệu quả”- ông Hùng đánh giá.

Về phía hội, hàng tháng đều có tham gia họp lệ cùng chi hội để kịp thời uốn nắn, hỗ trợ anh em. Hội còn thành lập 18 tổ hùn vốn xoay vòng không tính lãi có 227 người tham gia, góp gần 50 triệu đồng/tháng để tạo điều kiện cho hội viên mở rộng làm ăn.

Bên cạnh, thông qua nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội, nhiều hội viên đã nắm bắt cơ hội vươn lên như: anh Trần Văn Hùng Cường (ấp Phước Tường B) nhờ sử dụng hiệu quả đồng vốn mà xây cất nhà cửa khang trang (hơn 500 triệu đồng) và hiện là đội trưởng đội thi công cầu đường, giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động, trong đó có 18 người là con em CCB, thu nhập khoảng 8 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lê Văn Bé Ba (ấp Phước Chí A), hiện là tổ trưởng tổ liên kết máy gặt đập liên hợp, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động, trong đó có 8 người là con em CCB, thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2017, các cấp Hội CCB trong tỉnh đã hỗ trợ 135 hội viên thoát nghèo, vượt 43,6% so chỉ tiêu. Hiện, toàn hội còn 220 CCB nghèo, chiếm 1,39%. Có 83/149 cơ sở hội không còn hội viên nghèo, tăng 6,4% so cùng kỳ. Các cấp hội còn giúp xóa 103 căn nhà tạm với tổng số tiền hơn 3,9 tỷ đồng. Qua phong trào, có 1.548 hội viên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Những cách làm hay

Nhớ lời Bác Hồ dạy “làm cách mạng là đem lại ruộng đất cho dân cày để có cái ăn, cái mặc cho nhân dân, thì nhân dân mới theo chúng ta đi làm cách mạng”- ông Ngô Hải Lưu- Chủ tịch Hội CCB phường Thành Phước (TX Bình Minh) đã vận dụng vào công tác và tìm cách mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên.

Một trong những nguồn vốn nội lực giúp nhau làm kinh tế hiệu quả phải kể đến nguồn vốn xoay vòng, ông Ngô Hải Lưu đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho hội viên để có sự đồng thuận cao.

“Ý nghĩa của vốn xoay vòng là đem lại lợi ích cho hội viên trong giải quyết các việc khó khăn của gia đình mà đi vay không được, thậm chí vay được mà lãi suất cao, khó khăn lại khó khăn thêm”- ông Ngô Hải Lưu giải thích.

Vì thế, ông đã vận động anh em CCB giảm tiền uống rượu, thuốc lá... mà thay vào đó là tiết kiệm 10.000- 15.000 đ/ngày, là đã có 300.000- 450.000 đ/tháng để góp vốn, ai khó khăn thì cho nhận vốn trước để giải quyết việc nhà.

Qua đó, đã thành lập được 6 tổ góp vốn xoay vòng. Mỗi tháng hội viên nhận 2- 7 triệu đồng để xoay xở làm ăn.

Về cất và sửa nhà “Mái ấm đồng đội”, ông Ngô Hải Lưu cho rằng “đây là việc khó nhưng mà lại dễ khi mình biết phát huy”. Theo đó, hội đã khơi gợi về tình đồng chí, đồng đội khi còn tại ngũ “điếu thuốc bẻ đôi, tấm chăn xẻ nửa”, cùng nhau chia sẻ lúc ốm đau, bệnh tật, thậm chí là hy sinh cho nhau khi làm nhiệm vụ.

Do vậy, việc tự tay góp 5.000 đ/người/tháng cũng là việc nên làm. Song, có những hội viên kinh tế khá giả, sẵn sàng góp thêm 500.000- 1.000.000 đ/căn một cách tự nguyện, vui vẻ để đồng đội được an cư. Nhờ vậy, trong năm qua hội đã sửa chữa 4 căn nhà cho hội viên với số tiền 51 triệu đồng.

“Việc làm của tôi đạt được chưa là bao, nhưng đã đem lại cho hội viên cuộc sống cải thiện rõ nét. Từ đó hội viên gắn bó với công tác hội nhiều hơn, góp phần giúp hội thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiệm vụ xóa nghèo cho hội viên, phát triển kinh tế bền vững”- ông Ngô Hải Lưu nhận định.

Năm 2018, hội tiếp tục phát động phong trào CCB sản xuất, kinh doanh giỏi để nâng mức sống khá giàu trong hội viên; đồng thời, vận động các huyện- thị- thành hội thành lập 1 CLB CCB sản xuất, kinh doanh giỏi; phân công 4- 6 hội viên khá giàu giúp đỡ 1 CCB vươn lên thoát nghèo và phấn đấu giảm 20- 25% hộ CCB nghèo hiện còn.

 

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI