Khói thuốc lá- tàn phá sức khỏe

Cập nhật, 11:25, Thứ Sáu, 06/10/2017 (GMT+7)

Dù hút nhiều hay ít thì thuốc lá (TL) luôn nguy hiểm cho sức khỏe và ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.

Thuốc lá tàn phá sức khỏe của người hút và người xung quanh mình. Hãy tránh xa khói thuốc lá!
Thuốc lá tàn phá sức khỏe của người hút và người xung quanh mình. Hãy tránh xa khói thuốc lá!

Tác hại của khói TL

TL là một trong những mối đe dọa nguy hiểm nhất hiện nay đối với sức khỏe cộng đồng, có thể được coi là đại dịch với hơn 1 tỷ bệnh nhân - số người đang hút TL trên thế giới.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có tới 6 triệu người chết do các căn bệnh liên quan đến TL. Trong khói thuốc có 4.000 chất hóa học, trong đó có khoảng 250 chất có hại cho sức khỏe con người, 50 chất gây ung thư.

Tại Việt Nam, khói TL chính là nguyên nhân đã giết chết hơn 40.000 người mỗi năm.

Điều này có nghĩa là, mỗi ngày có hơn 100 người chết vì những căn bệnh do TL gây ra, con số này dự kiến sẽ tăng lên 70.000 người mỗi năm vào năm 2030.

Ông L.V.Đ (91 tuổi, xã Bình Phước- Mang Thít) nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long với rất nhiều căn bệnh khác nhau, như viêm phổi, suy tim, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim cục bộ và xơ gan.

Các bác sĩ cho biết, một trong những nguyên nhân khiến cho bệnh nhân này mắc phải nhiều loại bệnh như vậy là do ông có tiền sử hút TL lâu năm.

Theo cảnh báo của ngành chuyên môn, khói TL có thể ảnh hưởng trong phạm vi từ 7-10m, và các chất độc hại bám lại trên bề mặt đồ đạc phải mất đến 6 tháng mới phân hủy hoàn toàn và sẽ ngấm vào cơ thể nếu tiếp xúc qua da cũng như hô hấp.

Vì vậy, việc hút TL tại nhà sẽ khiến cho nguy cơ mắc bệnh của những thành viên trong gia đình càng cao, đặc biệt là trẻ em.

Do trong nhà có ông nội và cha hút TL, nên em Võ Tấn P. (xã Hiếu Thành- Vũng Liêm) phải thường xuyên tiếp xúc với khói TL từ khi còn rất nhỏ. Lúc nhỏ, thấy con thỉnh thoảng bị viêm phế quản, viêm đường hô hấp, chị Chung - mẹ bé- cũng tưởng rằng đó là những căn bệnh mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng phải trải qua.

Nay bệnh viêm phổi của bé P. lại xuất hiện và trở nặng hơn những lần trước, chị Chung đưa con đến bệnh viện và được các bác sĩ phân tích bệnh tình của con, chị mới biết được rằng, con mình đã phải chịu ảnh hưởng bởi tình trạng “hít ké” khói TL.

Hãy biết quý sức khỏe và bỏ TL!

Theo nghiên cứu của các chuyên gia về y tế, TL làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi từ 10-20 lần; tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành từ 10- 15 lần, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch từ 1,5- 2 lần và tăng nguy cơ tai biến mạch máu não từ 2- 4 lần…

Ngoài ra, TL còn là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ em và gây ra hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, rối loạn nhịp tim, phình động mạch chủ,… Trong đó, nhiều trường hợp đã dẫn đến đột tử.

TS.BS Trần Chí Cường- Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TP Hồ Chí Minh- cho biết: “Hơn 90% nam giới bị đột quỵ đều có tiền căn hút TL.

Chính những điếu thuốc hàng ngày nó tích tụ dần trong hệ thống mạch máu làm cho mạch máu bị xơ vữa, làm cho mạch máu dễ bị giòn, bị vỡ.

Và, khi có một tác động nhẹ như tăng huyết áp hoặc có tác nhân từ bên ngoài như ô nhiễm môi trường, tiểu đường, rối loạn mỡ máu… cộng với tiền căn hút TL thì bệnh nhân sẽ dễ dàng bị đột quỵ”.

Không ít người vẫn cứ thờ ơ, chỉ khi nào đứng giữa lằn ranh giữa cái chết và sự sống; phải chiến đấu để giành giật lại sự sống thì mới nhận ra những tác hại khôn lường của khói TL.

Khi còn sức khỏe, thì những hậu quả mà làn khói TL mang đến gần như đều bị phớt lờ, thậm chí nhiều người ông, người cha, người anh trong gia đình vẫn cứ thản nhiên phì phèo thuốc lá ngay trước mặt con cháu của mình.

Họ thừa biết tác hại của việc làm này là không hề nhỏ, song họ không thể cưỡng lại được cái cảm giác thèm hút. Và như thế thì việc cầm điếu thuốc trên tay và hút ở bất cứ nơi nào, vẫn là thói quen khó lòng
thay đổi.

Nhờ cấp cứu kịp thời, các bác sĩ đã giành sự sống cho chú N.V.Q (Phường 2- TP Vĩnh Long) bởi bệnh đột quỵ.

Bác sĩ khuyên nếu ngưng hút thuốc từ 2 năm trở lên, nguy cơ đột quỵ bắt đầu giảm xuống, và ngưng được 5 năm thì nguy cơ đột quỵ trở về bằng với người không hút thuốc.

Song, với gần 40 năm hút TL nên việc bỏ TL đối với chú là không thể, chú chỉ giảm hút chứ không quyết tâm bỏ hẳn.

Còn chú P.V.T (xã Quới Thiện- Vũng Liêm) ngụy biện: “Cũng biết tác hại của thuốc lá cho mình và những người xung quanh chứ nhưng ghiền quá nên hút đại… với lại bây giờ cũng chưa thấy bệnh đau gì…”.

Theo các chuyên gia, 80% nguyên nhân gây ung thư có thể phòng tránh được liên quan đến hút TL, ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn, nguồn nước không sạch... 20% còn lại không thể phòng tránh được là tuổi cao và gien di truyền.

Hãy BỎ THUỐC LÁ, để tự cứu lấy sinh mạng của chính chúng ta, và những người thân trong gia đình, trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn. 

Đó cũng là lý do khiến cho Việt Nam đứng trong top 4 quốc gia có tỷ lệ hút TL nhiều nhất thế giới và cứ 6,5 giây lại có 1 người chết vì TL.

Chưa dừng lại ở đó, mỗi năm nước ta phải mất 22.000 tỷ đồng cho việc mua TL, và hơn 23.000 tỷ đồng cho chi phí điều trị những loại bệnh có liên quan đến TL; chi phí mất khả năng lao động do TL mang lại…

Nguy cơ đã được cảnh báo, thiệt hại có thể tính toán được, thế nhưng nhiều người vẫn tiếp tục thờ ơ với sức khỏe, tính mạng của bản thân, và những người thân trong gia đình.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN