Hỗ trợ tốt doanh nghiệp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại

Cập nhật, 13:58, Thứ Năm, 12/10/2017 (GMT+7)

Với mô hình “Dân vận khéo”: “Cải tiến phương thức tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) cho doanh nghiệp”, chị Nguyễn Thị Kim Phượng- Chuyên viên phòng TBT thuộc Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng- Sở Khoa học- Công nghệ đã được biểu dương điển hình Dân vận khéo, thi đua học tập và làm theo Bác trong Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh.

Chị Nguyễn Thị Kim Phượng thường xuyên cập nhật các thông tin về TBT để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Kim Phượng thường xuyên cập nhật các thông tin về TBT để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.

Là chuyên viên Phòng TBT thuộc Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng với chức năng, nhiệm vụ là tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hàng rào kỹ thuật trong thương mại cho các doanh nghiệp; trong quá trình công tác, chị Kim Phượng nhận thấy một số doanh nghiệp chưa thực sự hiểu hết tầm quan trọng và lợi ích của công tác TBT.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp nắm bắt các thông tin quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các điều kiện về sản phẩm của nước nhập khẩu còn hạn chế, gây nên những rủi ro, thiệt hại không đáng có khi hàng hóa bị trả lại hoặc không được chấp nhận trên thị trường quốc tế.

Để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, vượt qua được các rào cản kỹ thuật để phát triển sản xuất, kinh doanh, chị Phượng đã tham mưu với lãnh đạo cơ quan về việc tiếp cận, trao đổi thông tin với doanh nghiệp để gửi các bài, thông tin cảnh báo của các nước thành viên WTO đến các doanh nghiệp qua 2 hình thức là gửi bài, thông tin cảnh báo trực tiếp qua địa chỉ email cho doanh nghiệp và đăng bài, tin tức sự kiện có liên quan về TBT lên website.

Để thực hiện mô hình “Dân vận khéo” này đạt hiệu quả, chị Phượng phải tích cực nghiên cứu đổi mới nội dung tuyên truyền, phổ biến. Chị lập danh sách các doanh nghiệp có các mặt hàng xuất nhập khẩu;

đi khảo sát để nắm tình hình hoạt động sau đó hướng dẫn doanh nghiệp tìm kiếm thông tin; chọn lọc các bài, tin cụ thể để gởi trực tiếp cho doanh nghiệp, lượt dịch những tin cảnh báo từ WTO gửi đến đăng lên website TBT Vĩnh Long.

Kết quả, chị đã chọn lọc và gởi 82 bài, tin cảnh báo trực tiếp qua địa chỉ email cho 7 doanh nghiệp trong tỉnh có các mặt hàng xuất khẩu qua các nước như: Châu Phi, Mỹ, Úc, Malaysia với các sản phẩm như: gạo, thực phẩm đóng hộp, trứng gia cầm, may mặc,...

Về hoạt động, website TBT Vĩnh Long cũng đã thu hút được số lượng người truy cập tăng lên đáng kể với nội dung ngày càng phong phú, mỗi năm đã chọn lọc đưa gần 300 bài, tin tức có liên quan đến TBT và hơn 200 lượt tin cảnh báo từ WTO gửi đến.

Bình quân mỗi năm có hơn 3.000 lượt người truy cập, nâng tổng số hiện nay lên đến 94.630 lượt người truy cập.

Chị Nguyễn Thị Kim Phượng cho biết, việc xây dựng mô hình với nội dung cải tiến mới, các thông tin cảnh báo về TBT được cung cấp nhanh và kịp thời đã giúp cho doanh nghiệp có những biện pháp đối phó với hàng nhập khẩu kém chất lượng, có nguy cơ gây mất an toàn, xây dựng được chiến lược kinh doanh sản phẩm và tìm các biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm để vượt qua được rào cản mới ở thị trường xuất khẩu.

Sau khi thực hiện mô hình, nhiều doanh nghiệp đã có sự tương tác tốt với Phòng TBT, tiếp cận được các cơ sở dữ liệu về TBT, tra cứu và khai thác thông tin một cách dễ dàng và thuận tiện hơn.

Nhiều doanh nghiệp đặt ra những câu hỏi và kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước về những yêu cầu sản phẩm, nhu cầu nắm bắt thị trường nước ngoài để sản xuất, xuất khẩu đạt hiệu quả, đáp ứng chất lượng.

Điển hình như Công ty CPTM gạo Hồng Trang (Phường 1- TP Vĩnh Long), Công ty CP Dược phẩm Cửu Long hay Công ty CP Xuất nhập khẩu Vĩnh Long đã có những phản hồi tích cực với những thông tin cảnh báo của Phòng TBT, họ mong muốn được cung cấp những thông tin mới cập nhật, những tiêu chuẩn chất lượng mới, những cảnh báo, những điều bị ngăn cấm trong chất lượng hàng hóa, mẫu mã để tránh rủi ro.

Ông Trần Long Trung- quyền Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng- cho biết: Thời gian qua và thời gian tới thì việc thông tin về TBT, hỗ trợ cho doanh nghiệp phòng tránh rủi ro là điều rất cần thiết trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới.

Mô hình này cần được phổ biến nhân rộng đến tất cả các doanh nghiệp để không bị hàng rào kỹ thuật cản trở, nắm rõ nhu cầu thị trường nước nhập khẩu để sản xuất đạt hiệu quả hơn.

Điển hình như Công ty Sản xuất bánh kẹo Sơn Hải (Tam Bình) đã có sự gắn kết với cơ quan và mong muốn được cung cấp thông tin về yêu cầu chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường các nước Châu Á cho phù hợp với nét sinh hoạt văn hóa, phong tục, thói quen của nước bạn để việc xuất khẩu hàng hóa thuận lợi hơn.

Chị Kim Phượng chia sẻ thêm, ngoài trao đổi thông tin, cán bộ phụ trách TBT nên tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp thường xuyên hơn nhằm nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp có gặp khó khăn, trở ngại gì để hỗ trợ kịp thời.

Ngoài ra, cần có sự phối hợp thực hiện của các sở, ngành có liên quan trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch về TBT để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững trong nền kinh tế thị trường hiện nay.

Bài, ảnh: HẢI YẾN