Thu nhập ổn định từ nghề tiểu thủ công nghiệp

Cập nhật, 13:56, Thứ Năm, 28/09/2017 (GMT+7)

Trong quá trình triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (tính từ năm 2010 đến nay), mô hình đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp được đánh giá rất cao về hiệu quả giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động nông thôn (LĐNT).

Tranh thủ thời gian nông nhàn, chị em có thêm thu nhập từ nghề tiểu thủ công nghiệp.
Tranh thủ thời gian nông nhàn, chị em có thêm thu nhập từ nghề tiểu thủ công nghiệp.

Thêm thu nhập từ nghề đan đát

Dịp lễ 27/7 vừa qua, gia đình chú Trương Văn Năm (gia đình chính sách, ấp Đồng Thạnh A, xã Đông Thạnh- TX Bình Minh) vinh dự được Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón đến thăm.

Căn nhà tường khang trang còn thơm mùi vôi vữa, kế bên là rẫy khổ qua xanh mát gần tới ngày thu hoạch.

Cô Hồ Thị Đúng- vợ chú Năm- tay đan thoăn thoắt những dây lục bình làm thành cái chậu nhỏ xinh xắn cười tươi khi Bí thư Tỉnh ủy hỏi thăm đời sống gia đình: “Nhà tui có 14 công ruộng, 3 công rẫy. 3 con đứa làm công an, đứa bộ đội, đứa làm tại xã.

Tranh thủ huỡn đan thảm phụ hợ thêm tiền chợ, bỏ ống chút đỉnh. Tui và con dâu đan ngày cũng kiếm gần 300.000đ”.

Tam Bình có 11 làng nghề đan thảm lục bình, góp phần phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp địa phương và tạo việc làm cho LĐ nông nhàn.

Nhờ tận dụng, khai thác tốt nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, từ làng nghề này giúp hộ thoát nghèo, nâng cao đời sống nông thôn, đạt tiêu chí thu nhập đối với xã nông thôn mới.

Ngoài công việc đồng áng và công việc nội trợ trong gia đình, nhiều chị em xã Ngãi Tứ (Tam Bình) thường tranh thủ những giờ nhàn rỗi để đan lục bình.

Tuy chỉ là nghề phụ, nhưng nhờ chịu thương chịu khó và “đươn quanh năm” thu nhập từ nghề đan lục bình lại cao hơn làm nông.

Chị Bùi Thu Vân (xã Ngãi Tứ) cho biết: “Đươn lục bình bình quân thu nhập hơn triệu rưỡi/tháng, cũng tiền cơm nước, cho con đi học được lắm”.

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐ nữ là một trong những nội dung được Hội LHPN xã Ngãi Tứ chú trọng. Điều này được cụ thể hóa bằng việc phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp.

Đây là địa phương đầu tiên của huyện Tam Bình hình thành làng nghề đan thảm lục bình từ năm 2008 và đến nay đã phát triển được 3 làng nghề và 1 hợp tác xã thủ công mỹ nghệ giải quyết việc làm cho trên 1.600 LĐ, với thu nhập từ 1,5- 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Trên 85% LĐNT có việc làm

Theo ông Võ Văn Tám- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh, nhóm ngành nghề tiểu thủ công nghiệp dễ tuyển sinh mở lớp là vì đáp ứng được nhu cầu việc làm tại chỗ cho LĐ nhàn rỗi ở nông thôn, nhất là những người quá tuổi LĐ.

Hơn 80% LĐ sau đào tạo đều có được việc làm và được các doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm nên người lao động yên tâm học nghề.

Đối với nhóm nghề đan đát, người LĐ ở nhiều địa phương còn có thể tận dụng nguyên liệu tự nhiên như lác, lục bình để phục vụ cho sản xuất, tiết kiệm chi phí đầu vào.

Chủ tịch Hội LHPN xã Chánh Hội Trần Thị Kim Khuyên cho biết: Đến nay, xã thành lập mới 2 tổ hợp tác, người làm giỏi có thể thu nhập hơn 1 triệu đồng/tuần.

Chủ yếu các lớp dạy nghề đều theo nhu cầu địa phương. Lúc đầu chỉ nghĩ giúp chị em kiếm thêm tiền chi tiêu điện, nước, sinh hoạt trong gia đình nhưng về sau lại trở thành thu nhập chính.

Chị Phạm Thị Kim Dung (ấp Bờ Dầu, xã Chánh Hội- Mang Thít) khoe: “Mỗi ngày tui vừa đánh vừa kết thành đĩa tròn được hơn chục miếng, tiền công 10.500 đ/miếng, cũng được 120.000 đ/ngày”.

Để thúc đẩy công tác đào tạo nghề gắn liền với tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm cho LĐNT, cuối tháng 7 vừa qua, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức buổi tiếp xúc, gặp gỡ giữa cán bộ quản lý Đề án đào tạo nghề cho LĐNT với các cơ sở đào tạo, hợp tác xã, làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tại cuộc tiếp xúc, nhiều đại biểu cho rằng, trong bối cảnh nhiều hợp tác xã, làng nghề với lượng LĐ ít, không đủ năng lực để hợp đồng cung cấp những đơn hàng lớn, hạn chế trong tạo việc làm thường xuyên cho LĐNT thì việc liên kết giữa các hợp tác xã, làng nghề với doanh nghiệp là yếu tố rất cần thiết hiện nay.

Đây cũng là giải pháp để công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm đạt hiệu quả tích cực hơn.

Do vậy, cần xây dựng vùng nguyên liệu, khai thác hiệu quả trang thiết bị, cơ sở vật chất của các trung tâm dạy nghề công lập để phục vụ đào tạo, sản xuất.

Việc xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển làng nghề, nhất là làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống có một ý nghĩa rất lớn cả về kinh tế lẫn xã hội.

Đây là giải pháp quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhằm tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống cho LĐNT.

Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long- Võ Văn Tám cho biết, mô hình đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp được các cấp, các ngành đánh giá rất cao về hiệu quả giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người LĐNT.

Cụ thể, từ Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT hỗ trợ đào tạo nghề cho 37.765 lượt LĐNT học nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó thu hút 31.874 LĐ nữ làm việc tại địa phương (84,4%). Số người có việc làm ổn định và thường xuyên trong nghề tiểu thủ công nghiệp là 32.708 người (chiếm 86,61%).

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG