Báo động nạn xâm hại tình dục trẻ em

Kỳ cuối: Giáo dục con trẻ bảo vệ chính mình

Cập nhật, 06:24, Thứ Năm, 30/03/2017 (GMT+7)

Việc giáo dục giới tính, dạy trẻ tự bảo vệ mình không bị xâm hại tình dục (XHTD) càng sớm càng tốt, bởi nạn XHTD luôn rình rập trẻ ở mọi nơi. Chỉ có một xã hội nghiêm minh, cha mẹ và cả trẻ nhỏ hiểu biết, có sự phòng ngừa thì mới có thể ngăn chặn vấn nạn nguy hiểm này.

Trẻ em cần được học kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục.
Trẻ em cần được học kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục.

Hệ lụy của trẻ em bị XHTD

Vấn nạn XHTD trẻ em hiện nay đang ngày càng trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết, khi rất nhiều vụ việc vừa được phanh phui. Những câu chuyện đau lòng chính là hồi chuông báo động cho những ai làm cha mẹ cần quan tâm nhiều hơn nữa đến con em mình.

Bởi lẽ nguy cơ con em có thể bị XHTD ngày càng lớn, và mối nguy hiện diện khắp mọi nơi, kể cả trong nhà lẫn trường học.

S. (29 tuổi)- nạn nhân của XHTD từ lúc 8 tuổi. Suốt 12 năm sau đó, S. phải liên tiếp chịu đựng những lần “hành xác” của một người bà con. Có lúc S. van xin người này: “Con không có thích vậy! Đừng có làm như vậy nữa!” Nhưng chỉ nhận được câu trả lời hèn hạ: “Mày không thích nhưng tao thích”.

Đến khi thoát được những cay đắng và tủi nhục mà mình đã trải qua, S. vẫn bị những dư chấn tâm lý, luôn cảm thấy xung quanh mình toàn là điều xấu xa và đàn ông luôn “đê tiện”.

Về vụ bé gái 8 tuổi bị xâm hại ở Hà Nội, mẹ bé tâm sự trong phóng sự truyền hình rằng, hơn 2 tháng qua, đứa con gái của chị không được ngủ yên.

Tiếng khóc, tiếng gào thét kêu cứu của con khiến trái tim người mẹ quặn thắt vì đau đớn. Cháu bé nói: “Mẹ đừng rút đơn, vì con sợ chú ấy lại đi nơi khác và các bạn ở nơi khác cũng sẽ bị đau giống con”.

Tại cuộc họp bàn các giải pháp phòng ngừa, xử lý các vụ việc XHTD trẻ em do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội vừa tổ chức, bà Nguyễn Thị Nga- Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em cho biết, trẻ em bị XHTD xảy ra ở nhiều độ tuổi, đặc biệt là có cả những em bé tuổi mầm non; nhiều vụ không được gia đình tố giác tới các cơ quan chức năng.

Thủ phạm có sự dàn xếp với gia đình của nạn nhân. XHTD gây tổn thương nặng nề đến thể chất và tinh thần trẻ, thậm chí dẫn tới trẻ em bị tử vong hoặc tự tử.

Giáo dục con bảo vệ chính mình

Việc xâm hại không chỉ diễn ra với bé gái mà còn xảy ra với bé trai. Cứ 4 bé gái thì có 1 em bị xâm hại, 6 bé trai thì có 1 em bị xâm hại. Độ tuổi trung bình của các em khi bị XHTD là 9.

Khả năng các em quen kẻ XHTD là 93% và có 43% kẻ xâm hại ở trong gia đình và họ hàng. Khá nhiều trẻ em ở độ tuổi nhỏ dưới 3 tuổi bị XHTD.

Tháng 12/2016, tại TP Hồ Chí Minh dư luận vô cùng phẫn nộ khi tên Tú (28 tuổi, Thanh Hóa) xâm hại bé gái vừa 2 tuổi 3 tháng ở gần nhà trọ với hắn.

Vì gần nhà, bé quen với tên thủ ác, có men say lại là tên này thường hay xem phim “nghèo” nên hắn làm trò đồi bại với đứa bé khi bé đang chơi một mình. Kẻ ác không có nhân tính, không có tình người dù đã bị tù chung thân, song bản án này vẫn không thể nào bù đắp được nỗi đau quá lớn với đứa trẻ và gia đình.

Những hành vi như bẹo má, cấu véo trên người trẻ đặc biệt là bé gái có cơ thể nảy nở trước tuổi hay bé trai đã bị ông bà, người thân hay nghịch vùng kín của bé từ nhỏ,… là những hành vi mà các tổ chức quốc tế không chấp nhận và cho là hành vi XHTD.

Không ít ba mẹ, ông bà, người lớn có thói quen hay kéo quần trẻ xem vùng kín, cấu véo, nựng nịu hay hôn để thể hiện sự yêu thương nhưng đều là những hành vi được khuyến cáo là không nên làm.

Chị N.T.T. thở dài: “Chồng tui rất thương con trai út. Lúc con còn nhỏ, hễ ảnh đi đâu về là hôn “cu tí” của con. Thằng bé được ba làm thế riết quen, hễ thấy ba về, là nó chờ sẵn…

Lúc đó vợ chồng tôi cười vui về sự hồn nhiên của con nhưng giờ báo chí nói trẻ em nam cũng bị xâm hại, làm như vậy là sai và sẽ gây hại cho con. Nên vợ chồng tôi đã dạy con không ai được phép đụng vào vùng kín của con mà không xin phép con”.

Các cơ quan chức năng đã vào cuộc, đưa những vụ XHTD ra ánh sáng pháp luật. Các phương tiện truyền thông tích cực thông tin, tuyên truyền để lên án tội ác, giúp mọi người nắm vững kiến thức phòng tránh, biết cách bảo vệ con trẻ trước nạn XHTD.

Những video phổ biến kiến thức về các hình thức báo động: nhìn, nói, chạm, ôm, bắt cóc cho trẻ em, người lớn của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam đang được lan truyền trên mạng xã hội những ngày này là một nỗ lực.

Song, để tránh cho trẻ em trở thành nạn nhân của nạn XHTD, trách nhiệm rất lớn thuộc về gia đình trong việc quan tâm, giáo dục, bảo vệ con cái.

Theo TS. Vũ Thu Hương- giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Ba mẹ có thể dạy trẻ em phòng tránh XHTD từ khi trẻ vừa bỏ tã. Khi ba mẹ tắm cho con, là lúc dễ nhất để chúng ta chia sẻ, hướng dẫn cho con biết như: “Vùng kín của con không được cho tay dơ đụng vào nhé, đụng vào là con sẽ bị đau, bị bệnh, phải đi bác sĩ chích thuốc đó”, tập cho con có phản xạ rụt người lại khi bất cứ ai (kể ba mẹ) đụng vào vùng kín.

Ba mẹ tắm hay vệ sinh cho con thì phải xin phép con để con có thói quen ai muốn động vào khu vực mặc đồ lót của mình thì phải xin phép.

Trẻ nhỏ thì ba mẹ phải luôn là người giám sát con an toàn tối đa. Đặc biệt, khi phát hiện các cháu bị XHTD, gia đình cần kịp thời thông báo với cơ quan công an, khẩn trương đưa cháu đi giám định thương tích để thu thập chứng cứ, phối hợp với cơ quan chức năng xử lý vụ việc.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm- Giám đốc Công ty Tư vấn Hồn Việt, phải tạo được môi trường học đường thật sự an toàn, bảo vệ các trẻ em khỏi vấn nạn XHTD.

Do đó, thầy cô phải thực sự là những tuyên truyền viên tích cực, tư vấn những kỹ năng phòng tránh XHTD cho trẻ và kết hợp với gia đình theo dõi, quan tâm các em thật chu đáo. Khi gia đình, nhà trường, pháp luật và cả xã hội vào cuộc thì vấn nạn XHTD trẻ em sẽ được kiềm chế.

Cách tốt nhất để giúp trẻ tự bảo vệ mình là gia đình cần dạy cho trẻ những kỹ năng đơn giản, phù hợp với lứa tuổi và trình độ nhận thức của trẻ để bé tự bảo vệ mình, giúp phòng tránh nguy cơ bị XHTD.

Cần lý giải cho trẻ hiểu rằng bất cứ ai cũng có thể làm hại trẻ và nếu không được sự đồng ý của trẻ thì không ai được phép chạm vào vùng riêng tư của trẻ cả.

Bài, ảnh: MAI ANH- TRUNG HƯNG