Thực phẩm bẩn núp bóng ở quán ăn

Cập nhật, 06:36, Thứ Sáu, 19/08/2016 (GMT+7)

Cá chết thối chuyển màu xanh để ruồi bu rồi “hô biến” thành món cá chiên vàng ươm, sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần hay hàng hóa hết hạn sử dụng, thực phẩm bảo quản chưa hợp vệ sinh... là tình trạng chế biến tại một số quán ăn.

Chưa bao giờ, câu chuyện thực phẩm “bẩn” trên bàn ăn lại “nóng” như hiện nay...

Vệ sinh an toàn thực phẩm ở những bếp ăn được nhiều người quan tâm.
Vệ sinh an toàn thực phẩm ở những bếp ăn được nhiều người quan tâm.

Chế biến khuất mặt, làm sao biết?

Thực phẩm bẩn đang khiến người tiêu dùng ngày càng mất niềm tin, dù có tăng cường kiểm tra kiểm soát nhưng những vụ được phanh phui thì cũng chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Ghi nhận tại một số quán ăn, dễ thấy thức ăn không được che đậy, những vật dụng bẩn, không đảm bảo vệ sinh, những thùng nước được dùng đi dùng lại nhiều lần không được chùi rửa... Tuy nhiên, không ít người vẫn mua về ăn hoặc ăn tại chỗ.

Mới đây, nhiều vụ buôn bán, chế biến thực phẩm hư, thối, phụ gia chế biến chứa chất cấm, kinh doanh không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm,... vừa bị cơ quan chức năng phát hiện khiến người dân không khỏi hoang mang.

Đầu tháng 8/2016, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã phát hiện 850kg cá điêu hồng có mùi hôi thối tại quán cơm Gia Long (ấp Phước Yên A, xã Phú Quới- Long Hồ).

Số cá này được chủ cơ sở ướp đá để trong thùng xốp, nhưng hầu hết cá đã chuyển màu xanh và bốc mùi hôi thối. Qua làm việc với lực lượng chức năng, chủ cơ sở cho biết, số cá điêu hồng này được mua gom tại chợ Vĩnh Long.

Trong khi đó, cơ sở Gia Long hàng ngày cung cấp trên 40 suất cơm cho công nhân Công ty Thiết Lập tại Khu công nghiệp Hòa Phú và khách ăn thường ngày là công nhân, sinh viên…

Trong quá trình kiểm tra, cơ sở Gia Long không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; môi trường, khu vực sơ chế, chế biến cũng không đảm bảo vệ sinh,…

Từng ăn ở quán cơm này, anh công nhân Trương Thanh Đệ nói: “Tôi sống một mình nên thường ăn cơm tiệm, cũng ghé quán này vài lần, giờ nghe thông tin mà ớn quá!”

Trước đó, đoàn kiểm tra cũng phát hiện vụ vi phạm ở khu kinh doanh dịch vụ ăn uống của Công ty TNHH TM DV Giải trí Bình Minh (Mỹ Hòa- TX Bình Minh).

Cụ thể, khu vực sơ chế, chế biến thực phẩm không sạch, không tách biệt với nguồn ô nhiễm, tường xung quanh khu vực chế biến không đảm bảo vệ sinh, sàn nhà đọng nước, không để riêng biệt thức ăn sống và thức ăn chín.

Cơ sở cũng không có được các giấy tờ có liên quan đến an toàn thực phẩm; điều kiện trang thiết bị chưa đạt yêu cầu, chưa theo nguyên tắc một chiều, chưa có khu sơ chế và khu chế biến riêng biệt.

Ông Nguyễn Quang Phụng- Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) cho biết: Bên cạnh những cơ sở thực hiện đúng quy định vẫn còn một số cơ sở vi phạm, chủ yếu ở các lỗi không có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, không đảm bảo vệ sinh, đặc biệt có trường hợp mua cá chết đã hôi thối về chế biến. Những trường hợp này chỉ có kiểm tra đột xuất mới phát hiện.

Phải mạnh tay xử lý

Đối với những người nội trợ, việc chọn lựa thực phẩm rất được chú ý, lựa chọn cá thịt tươi ngon. Với những người có ít thời gian thì chọn ăn cơm tiệm.

Song, thực phẩm có đảm bảo an toàn, chất lượng hay không thì đành “nhắm mắt cho qua” hoặc phó thác cho chủ quán và vì hám lợi mà không ít chủ quán tìm nguồn nguyên liệu rẻ.

Đến khi cơ sở bị phát hiện sử dụng nguyên liệu bẩn, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm thì bị phạt hành chính, đình chỉ sản xuất- kinh doanh, nhưng sau đó... đâu lại vào đấy.

Là công nhân xây dựng nên anh Nguyễn Văn Thi (Phường 9- TP Vĩnh Long) thường chọn ăn ở quán cho nhanh thay vì đi chợ nấu ăn.

Anh Thi cho biết, cho dù biết thức ăn ở những hàng quán vỉa hè này không đảm bảo vệ sinh và an toàn, nhưng anh cũng như nhiều công nhân khác vẫn phải ăn, do giá cả hợp với túi tiền.

“Một bữa cơm trưa từ 15.000- 20.000đ, tiết kiệm hơn so với đi chợ. Tuy nhiên, có quán người ta làm cũng được, có quán thì cũng không hợp vệ sinh”- anh Thi nói.

Những cách phân biệt thực phẩm sạch như cá không ngâm u rê, tôm không bơm tạp chất, thịt không bơm nước… đã được báo chí đăng tải nhiều.

Song đối với những quán ăn, nhà hàng, thì chỉ khi có ngành chức năng đến kiểm tra mới phát hiện vi phạm bán cho người tiêu dùng thức ăn độc hại, không an toàn. Khi sự việc được phanh phui, người tiêu dùng mới vỡ lẽ.

Thiết nghĩ, đối với chủ quán ăn, cần xây dựng, giữ gìn thương hiệu nếu muốn tồn tại lâu dài bằng việc kinh doanh với cái “tâm”, đạo đức của người bán hàng đồng thời tuân theo quy định của pháp luật.

Ông Trương Thanh Sử- Quyền Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương): Thời gian qua, tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm diễn biến phức tạp, nhất là các mặt hàng tiêu dùng, tươi sống, giết mổ, chế biến. Nhiều trường hợp sử dụng chất phụ gia là chất cấm trong thực phẩm như chả cá chứa hàn the, rau củ quả còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... Các tháng đầu năm, Chi cục đã phát hiện hơn 20/150 mẫu test nhanh thực phẩm dương tính với hàn the. Thời gian tới, sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, để không xảy ra tình trạng thực phẩm không an toàn, không chất lượng lưu thông trên thị trường.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN