Chung sức xây dựng nông thôn mới

Cập nhật, 13:55, Thứ Ba, 05/07/2016 (GMT+7)

 

Lực lượng vũ trang giúp địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Lực lượng vũ trang giúp địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Ngoài việc đẩy mạnh công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện hiệu quả phong trào “Lực lượng vũ trang chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Không chỉ góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc củng cố tình đoàn kết quân dân.

Hành quân kết hợp giúp dân

Sau khi có hướng dẫn của Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Cục Chính trị Quân khu 9 về việc thực hiện phong trào thi đua “Lực lượng vũ trang chung sức xây dựng nông thôn mới”, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện sát với thực tế địa phương.

Nhiều cách làm hay, hiệu quả thiết thực góp phần giúp nhiều địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, lực lượng vũ trang đã sửa chữa 158 phòng học; nâng cấp trên 237km đường giao thông; sửa và bắc mới 85 cây cầu; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gia đình chính sách, người nghèo trên 4.700 suất. Kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng.

Có trên 5.700 lượt cán bộ, chiến sĩ huấn luyện dã ngoại kết hợp giúp dân thu hoạch lúa, sửa nhà, cải tạo cảnh quan môi trường, đào hố rác tự hoại,...

Ngoài ra, lực lượng vũ trang còn tham gia khắc phục hậu quả thiên tai với hàng ngàn ngày công lao động. Tuyên truyền tuyển nghĩa vụ quân sự đạt hiệu quả, đã nâng cao tinh thần tự giác của thanh niên, có 95% thanh niên tình nguyện nhập ngũ nên hàng năm tỷ lệ giao quân đều đạt 100%.

Nổi bật là Tết Bính Thân 2016, Bộ Chỉ huy Quân sự kết hợp với Huyện ủy, UBND huyện Vũng Liêm và xã Hiếu Nhơn tổ chức thành công Tết quân- dân: thăm và tặng quà gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam anh hùng, thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự; giúp dân sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón tết,...

Thượng tá Nguyễn Thanh Liêm- Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Vũng Liêm cho biết, nhận thức tầm quan trọng và ý nghĩa việc xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã quán triệt và cụ thể hóa vào nghị quyết lãnh đạo, xây dựng chương trình hành động, kết hợp chặt chẽ giữa phong trào thi đua quyết thắng, phong trào xây dựng nông thôn mới của lực lượng vũ trang với phong trào thi đua ở địa phương.

Trong đó, tập trung vào các nội dung như: xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, thực hiện chính sách hậu phương quân đội, đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh trật tự,...

Thông qua việc hành quân huấn luyện dã ngoại, từ năm 2012 đến nay, đã kết hợp với đoàn thanh niên và chính quyền địa phương làm tốt công tác vận động quần chúng.

Huyện đã huy động hơn 2.500 lượt cán bộ, chiến sĩ sửa chữa hàng chục kilomet đường giao thông nông thôn và kinh mương thủy lợi, phối hợp với Huyện Đoàn trồng hàng ngàn cây xanh, gia cố 20 con đập với hàng ngàn mét khối đất.

Thực hiện tiêu chí về cảnh quan, môi trường, lực lượng vũ trang còn chủ động giúp dân xây dựng hàng rào, đào hố rác, phát quang bụi rậm,...

Thượng tá Nguyễn Thanh Liêm phấn khởi nói: “Những việc làm thiết thực trên đã giúp hình ảnh bộ đội thêm ấn tượng trong lòng nhân dân, từ đó có sự tín nhiệm và tin tưởng hơn”.

Phát huy hiệu quả

Thời gian qua, cấp ủy và chỉ huy các cấp đã tổ chức quán triệt và triển khai hiệu quả phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Nhiều đơn vị có cách làm hay, nhiều mô hình sáng tạo, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, nâng cao đời sống nhân dân.

Đến nay, có 9/10 xã được lực lượng vũ trang hỗ trợ đã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Mỹ Lộc và Ngãi Tứ (Tam Bình), Mỹ Thuận (Bình Tân), Thới Hòa và Tích Thiện (Trà Ôn), Thanh Bình (Vũng Liêm), Hòa Phú (Long Hồ), Đông Thành (TX Bình Minh), Chánh Hội
(Mang Thít).

Tuy nhiên, theo Đại tá Phạm Văn Bé Tư, để phong trào đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả cao hơn, cần tăng cường phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền mục đích, ý nghĩa việc xây dựng nông thôn mới, không chỉ trong lực lượng vũ trang, mà còn phải thực hiện công tác vận động quần chúng, huấn luyện dã ngoại kết hợp giúp dân.

Đại tá Phạm Văn Bé Tư gợi ý: Lực lượng dân quân tự vệ chiếm 1,63% dân số và lực lượng dự bị động viên cũng chiếm số lượng lớn, đều khắp ở cơ sở nên chúng ta cần khai thác lợi thế của lực lượng này để tổ chức tuyên truyền xây dựng nông thôn mới đến nhân dân. Nếu làm tốt điều này sẽ góp phần rất lớn vào thành công của việc xây dựng nông thôn mới.

Ông cũng yêu cầu lực lượng vũ trang phải nhận thức, quán triệt thật tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, ban chỉ huy quân sự các huyện nghiên cứu, triển khai ký kết xây dựng nông thôn mới từ 1- 2 xã. “Xây dựng thành công nông thôn mới thì quốc phòng- an ninh ngày càng vững mạnh, đồng nghĩa với việc không có kẻ thù nào có thể len lỏi tác động, gây mất an ninh trật tự xã hội”- Đại tá Phạm Văn Bé Tư nhấn mạnh.

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH