Cá chết trắng bờ biển miền Trung: Sẽ chính thức kết luận trong tuần này

Cập nhật, 07:29, Thứ Hai, 25/04/2016 (GMT+7)

Bộ TNMT cam kết cử các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực môi trường kiểm tra các mẫu nguồn nước biển và trong vòng 3-5 ngày tới sẽ có kết luận chính thức vụ việc.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra cơ sở nuôi tôm ở Công ty Grow Best tại phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra cơ sở nuôi tôm ở Công ty Grow Best tại phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)

Theo TTXVN, ngày 24/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Đoàn công tác đã tới kiểm tra tại một số hộ nuôi lồng bè, cơ sở nuôi trồng thủy sản của thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; chỉ đạo các ngành liên quan sớm xác định nguyên nhân cá chết và hỗ trợ người dân ổn định tình hình nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cam kết cử các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực môi trường kiểm tra các mẫu nguồn nước biển và trong vòng 3-5 ngày tới sẽ có kết luận chính thức vụ việc.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã báo cáo với Phó Thủ tướng và Đoàn công tác thực trạng cá nuôi lồng bè, cá tự nhiên, tôm, ngao ở các xã vùng biển thuộc thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh bị chết trong những ngày qua. 

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường chỉ đạo bốn tỉnh có thiệt hại về thủy sản là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế thống kê đầy đủ, chính xác số lượng cá và hải sản của các hộ dân, các cơ sở nuôi trồng bị chết, từ đó kịp thời hỗ trợ cho các hộ nuôi; các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát môi trường, đặc biệt là môi trường nước.

Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hộ sản xuất các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế phải có trách nhiệm và thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường.

Các đơn vị, doanh nghiệp chủ động báo cáo với các cơ quan chức năng các vụ việc liên quan đến môi trường để cùng phối hợp xử lý vụ việc.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai thanh tra, kiểm tra những cơ sở sản xuất quy mô lớn có hệ thống khí thải, nước thải và tiếng ồn.

Các đơn vị chỉ đạo các cơ sở sản xuất có quy mô lớn xây dựng hệ thống quan trắc tự động và nối mạng trực tiếp với các Sở Tài Nguyên và Môi trường để có sự giám sát, theo dõi kịp thời những vấn đề liên quan đến môi trường.

Trước đó, chiều nay 23/4, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Vũ Văn Tám chủ trì đã có buổi làm việc các địa phương xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt.

Tham dự có ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên -  Huế, cùng nhiều cơ quan chuyên môn.

Theo xác định ban đầu, nguyên nhân dẫn đến cá biển và các con nuôi gần biển chết hàng loạt không liên quan đến dịch bệnh nguy hiểm hay hiện tượng suy giảm nồng độ ôxy trong nước (do tảo xâm lấn, thủy triều đỏ, nhiễm độc hoặc gia tăng nhiệt độ trong nước gây ra) mà do độc tố. 

Trước những thông tin về đường ống xả thải ở khu công nghiệp Formosa, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đây là đường ống công khai và được cho phép, nước thải đã được xử lý theo chuẩn mới được xả thải ra biển.

Ông Nhân cũng cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với nhiều bộ ngành kiểm tra, xác định nguyên nhân cá chết; điều tra làm rõ độc tố xuất phát từ đâu.

Trong diễn biến liên quan, báo Tuổi Trẻ cho biết, trong quá trình kiểm tra, Tổng cục Môi trường xác định Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh) có vi phạm khi thực hiện việc súc xả đường ống nhưng không thông báo cho địa phương.

Sau khi có được danh sách 45 loại hóa chất mà Formosa nhập để súc rửa đường ống, Tuổi Trẻ đã gửi đến một số nhà khoa học để tham khảo.

GS.TS Lê Huy Bá (chuyên gia độc học môi trường) cho biết nhận định ban đầu của ông về danh sách các loại hóa chất được sử dụng tại Formosa gồm nhiều chất độc và cực độc. Trong đó có các chất chống gỉ, chất làm sạch bề mặt kim loại, chất tẩy...

Đây là đường ống ngầm có chức năng dẫn nguồn chất thải đã qua xử lý ra biển. Formosa vi phạm gì trong quá trình súc xả đường ống?

Theo quy định, khi súc xả đường ống, Formosa có trách nhiệm phải thông báo cho địa phương việc súc xả đường ống diễn ra từ thời điểm nào tới thời điểm nào nhưng Formosa không thông báo, cũng không báo cáo các cơ quan ở địa phương về việc súc rửa đường ống.

Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) quy định điều này khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường do Formosa trình.

Theo báo Thanh niên, tại Hà Tĩnh, ngày 22/4, ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh cho biết, hệ thống đường ống xả thải dài 1,5 km, đường kính 1,5 m được Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) cho phép lắp đặt để xả nước thải đã qua xử lý của Formosa, nằm trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được cơ quan chức năng phê duyệt.

Theo ông Khâu Nhân Kiệt, Giám đốc bộ phận an toàn vệ sinh môi trường của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (chủ đầu tư dự án Formosa), mỗi ngày đêm, dự án Formosa xả thải 12.000 m3 nước thải, tuy nhiên nguồn nước này trước khi xả thải ra môi trường đã được xử lý qua quy trình tự động khép kín, đạt tiêu chuẩn của Bộ TN-MT.

Về thông tin Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh vừa sử dụng hóa chất tẩy rửa đường ống rồi xả ra biển, ông Kiệt thừa nhận, Formosa mới nhập về một lượng lớn hóa chất tẩy rửa, để tẩy đường ống, tránh tình trạng tắc nghẽn.

Khi sử dụng, hóa chất này có pha với nước để làm loãng và sau khi rửa đường ống, đều được xử lý qua hệ thống mới cho thải ra biển./.

Theo VOV.VN