Tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ: Càng khó, càng phải làm cho bằng được

Cập nhật, 04:20, Thứ Ba, 05/01/2016 (GMT+7)

Sau 3 năm triển khai Đề án Tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ (Đề án 1237) cả nước đã tìm kiếm và quy tập được gần 8.000 hài cốt liệt sĩ. Đây là kết quả đáng mừng, nhưng theo nhận định của ngành chức năng và các địa phương tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác này, thực tế số lượng hài cốt liệt sĩ cần phải tìm kiếm còn rất lớn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu BCĐ 1237 cần tập trung tìm kiếm, phấn đấu mỗi năm phải quy tập được 3.000 hài cốt liệt sĩ trở lên.

Sau 3 năm triển khai Đề án 1237 (giai đoạn 2013- 2015), cả nước đã tìm kiếm và quy tập được gần 8.000 hài cốt liệt sĩ.
Sau 3 năm triển khai Đề án 1237 (giai đoạn 2013- 2015), cả nước đã tìm kiếm và quy tập được gần 8.000 hài cốt liệt sĩ.

Kết quả tốt, nhưng chưa phản ánh thực tế

Từ năm 2012 đến nay, toàn quốc đã tìm kiếm, quy tập được gần 8.000 hài cốt liệt sĩ. Nhiều địa phương triển khai quyết liệt, chủ động khai thác, xử lý thông tin và tìm kiếm, quy tập được nhiều khu mộ tập thể có số lượng lớn hài cốt liệt sĩ như: tỉnh Đồng Nai tìm kiếm 2 khu mộ tập thể, quy tập được khoảng 130 hài cốt liệt sĩ; tỉnh Bình Dương tìm được 1 khu mộ tập thể, quy tập được hơn 100 hài cốt liệt sĩ; tỉnh Quảng Trị và Quân khu 4 tìm được 2 khu vực mộ tập thể, quy tập được 52 hài cốt liệt sĩ.

Các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Trị,… tổ chức lực lượng trực tiếp xuống cơ sở, tiếp nhận được nhiều thông tin có giá trị, nhiều khu mộ tập thể đã được tìm kiếm, quy tập. Đồng thời cử cán bộ trực tiếp về địa phương của liệt sĩ để đối chiếu, rà soát, xác minh, hoàn thiện hồ sơ.

Riêng Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo xây dựng chương trình “Đi tìm đồng đội”; hoàn thành cơ bản việc giải mã trên 208.000 thông tin đơn vị quân đội trong chiến tranh; cập nhật gần 300.000 hồ sơ liệt sĩ; tổ chức tập huấn toàn quân về rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ và hướng dẫn sử dụng, quản lý phần mềm cơ sở dữ liệu về liệt sĩ.

Mục tiêu đến năm 2020, cả nước sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và bản đồ tìm kiếm, quy tập. Phấn đấu quy tập được 60% hài cốt liệt sĩ có thông tin, hoàn thành cơ bản việc tìm kiếm và quy tập ở nước ngoài.

Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã thu được trên 36.000 thông tin về liệt sĩ, trên 2.000 phiếu cung cấp thông tin về nơi chôn cất liệt sĩ. Theo BCĐ 1237, lực lượng chuyên trách công tác tìm kiếm, quy tập được củng cố, bổ sung cả về nhân lực lẫn phương tiện. Hoạt động đón nhận, bàn giao và an táng hài cốt liệt sĩ được thực hiện chu đáo, trang nghiêm, đúng quy định, phù hợp với phong tục, tập quán từng địa phương.

Song, theo Hội Cựu chiến binh Việt Nam, vấn đề khó khăn nhất là tìm kiếm thông tin về mộ liệt sĩ, số lượng liệt sĩ; địa hình, địa vật tại khu vực có thông tin về mộ liệt sĩ có nhiều thay đổi theo thời gian hoặc nằm ở những vùng rừng, núi có địa hình phức tạp, còn sót lại bom, mìn, vật cản…

Vì vậy có không ít trường hợp các đội tìm kiếm chuyên trách tổ chức nhiều đợt thăm dò, tìm kiếm mộ liệt sĩ theo thông tin được cung cấp trên diện tích rộng, khối lượng đất đá đào xúc lớn nhưng chưa có kết quả. Ngoài ra, thông tin về mộ liệt sĩ cạn dần, việc quản lý, lưu trữ danh sách liệt sĩ, mộ liệt sĩ của các đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, còn thủ công… Công tác đối chiếu, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Càng khó, càng phải làm

Là địa phương chịu mất mát nhiều trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, tỉnh Đồng Tháp cũng như nhiều địa phương khác, trong nhiều năm qua đã nỗ lực tìm kiếm và quy tập được hàng ngàn hài cốt liệt sĩ; riêng giai đoạn 2012 đến nay đã quy tập được 1.414 hài cốt.

Bà Trần Thị Thái- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, thông tin: Trong thời gian qua, ngoài việc tìm kiếm trong nước, BCĐ 1237 tỉnh đã tập trung phân vùng tìm kiếm mộ liệt sĩ quân tình nguyện của ta tại 2 tỉnh Pursat và Prey Veng.

Tuy nhiên, đây là vùng còn sót lại khá nhiều bom mìn nên kết quả chưa được như mong đợi. Bà cũng kiến nghị Trung ương sớm đầu tư trang thiết bị hiện đại để dò tìm, vì hiện nay với các dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng,… thì việc tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ khó có thể làm nhanh và chính xác được.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Ngọc- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, thì cả tỉnh còn khoảng 30.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập. Nguyên nhân do tính chất ác liệt của chiến tranh, địa bàn nơi xảy ra giao chiến hiểm trở, trải dài trên nhiều vùng, miền nên việc xác định thông tin về hài cốt liệt sĩ không hề dễ dàng.

Để việc tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ đạt kết quả như mong muốn, Phó Thủ tướng Chính phủ- Vũ Đức Đam yêu cầu BCĐ 1237 cần tập trung tìm kiếm, quy tập ở các địa bàn trọng điểm như các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên, biên giới phía Bắc, Lào và Campuchia. Phát hiện đến đâu làm ngay đến đó, làm dứt điểm; bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương ứng dụng công nghệ thông tin để hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác tiếp nhận, xử lý thông tin.

Ông Võ Văn Lùng- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Vĩnh Long: Trong kháng chiến, có thời điểm Vĩnh Long trở thành chiến trường chủ lực của quân khu nên sự hy sinh là vô cùng lớn. Có trường hợp vừa được chi viện vào chiến trường hôm trước thì hôm sau đã hy sinh nên hầu như không có chút thông tin nào về tên tuổi và quê quán. Nhiều nhân chứng trước đây từng chôn cất bộ đội ta nhưng đã mất hoặc trí nhớ không còn minh mẫn nên việc thu thập thông tin rất khó khăn.

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH