Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Cập nhật, 22:18, Thứ Ba, 15/09/2015 (GMT+7)

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ là giải pháp góp phần nâng cao chất lượng nguồn LĐ.

Một trong những điểm nổi bật của công tác này ở Vĩnh Long thời gian gần đây là có sự chuyển biến mạnh mẽ từ đào tạo nghề theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của LĐNT, yêu cầu của thị trường LĐ và gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới.

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ

Chị Huyền cho biết: “Lớp dạy nghề này bổ sung kiến thức cho nông dân tụi tui biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên đạt hiệu quả hơn”.
Chị Huyền cho biết: “Lớp dạy nghề này bổ sung kiến thức cho nông dân tụi tui biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên đạt hiệu quả hơn”.

Theo ông Nguyễn Văn Danh- Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm huyện Mang Thít, 6 tháng đầu năm huyện mở 28 lớp dạy nghề theo Đề án Đào tạo nghề LĐNT, với trên 700 học viên, đạt trên 70% kế hoạch năm. Với mục tiêu dạy nghề phải tạo được việc làm cho LĐNT, tăng kinh tế gia đình, đã có gần 90% LĐ có việc làm sau khi được đào tạo.

Tại 1 trong 3 lớp dạy nghề may cho LĐNT do Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện Mang Thít mở từ đầu năm đến nay, có từ 17- 20 học viên, học trong 1 tháng. Trong quá trình dạy nghề, Ban giám đốc đã liên kết sẵn với xí nghiệp may cho thuê mặt bằng nhà xưởng của trung tâm để sản xuất, nhằm giải quyết việc làm cho học viên sau khi học nghề. Chị Huỳnh Thị Bé Tám (xã Tân An Hội) cho biết: “Lúc trước, tui làm công ty điện tử trên Sài Gòn. Tiền trọ, ăn uống hàng tháng tốn kém nên làm hổng có dư. Về quê đi học nghề may rồi làm được 3 tháng. Lương được 3 triệu ngoài, làm gần nhà nên cuộc sống ổn định hơn”.

Sau bước điều tra, khảo sát, nhận thấy phần đông các hộ dân ở xã Chánh Hội có truyền thống chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông quyết định mở lớp dạy nghề chăn nuôi heo để bà con được trang bị kiến thức, có điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật mới, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu rủi ro. Dù đã nuôi heo hơn 10 năm nay nhưng ngay sau khi được tham gia lớp dạy nghề ngắn hạn này, chị Nguyễn Thị Huyền và nhiều hộ dân khác trong xã đã mạnh dạn áp dụng phương pháp mới, đầu tư nuôi heo trên đệm lót sinh học với quy mô gần chục con. Chị Huyền cho biết: “Tui áp dụng mô hình này hiệu quả hơn. Công chi phí chăn nuôi ít hơn, khi được học tui biết nhìn con heo khỏe yếu ra sao để tự xử lý thuốc.”

Những tháng cuối năm 2015, theo ông Nguyễn Văn Danh, trung tâm sẽ đẩy mạnh gắn đào tạo theo địa chỉ với giải quyết việc làm; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh nhằm nắm nhu cầu nguồn nhân lực của doanh nghiệp để tuyển sinh đào tạo. Đồng thời, trung tâm phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Mang Thít xây dựng nhiều dự án giúp các học viên sau khi hoàn thành khóa học được hỗ trợ vốn vay ưu đãi để mở rộng đầu tư phát triển ngành nghề; tạo nhiều mối quan hệ với hợp tác xã sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trong và ngoài huyện nhằm giúp cho LĐ thuận lợi trong việc nhận hàng làm gia công tại gia đình.

Đào tạo nghề gắn với phát triển kinh tế- xã hội địa phương

Nghề đan thảm lục bình ở huyện Tam Bình giúp giảm nghèo hiệu quả.
Nghề đan thảm lục bình ở huyện Tam Bình giúp giảm nghèo hiệu quả.

Mục tiêu sau cùng của công tác đào tạo nghề cho LĐNT không đơn thuần chỉ nhằm tạo việc làm cụ thể tại nhà, tại địa phương cho người LĐ mà còn góp phần nâng cao nguồn nhân lực, cung ứng LĐ có chuyên môn kỹ thuật cho thị trường LĐ trong và ngoài tỉnh. Tại huyện Tam Bình, dạy nghề đan đát gắn với phát triển các làng nghề, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, nhằm tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người LĐ, đồng thời phát triển kinh tế hợp tác ở địa phương, góp phần hoàn thiện bộ tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới.

Theo nhiều bà con ở huyện Tam Bình, từ khi có nghề đan đĩa lục bình đã thu hút rất nhiều hộ tham gia do nguồn nguyên liệu dễ tìm và cũng không cần lo đầu ra nên chị em có thể an tâm gắn bó với nghề. Và cây lục bình được xem là cây xóa đói giảm nghèo của địa phương do dễ tìm, dễ trồng và không phải tốn công chăm sóc. Xã Ngãi Tứ hiện có khoảng 1.500 LĐ đan lục bình thu nhập ổn định bình quân 1.500.000- 1.800.000 đ/tháng và có nhiều hộ đã thoát nghèo. Toàn xã Bình Ninh có gần 2.000 LĐ làm nghề đan lục bình rải đều ở 11 ấp. Trong đó, có hơn 1.200 LĐ thường xuyên. Thu nhập từ 800.000- 2.500.000 đ/tháng.

Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh- Võ Văn Tám cho biết: “Trước khi xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hàng năm thì BCĐ thực hiện đề án các cấp luôn chú trọng việc phải xác định cụ thể đặc điểm tình hình phát triển kinh tế- xã hội của từng khu vực nông thôn, đặc điểm nguồn LĐ và nhu cầu việc làm của người LĐ tại địa phương, công tác phối kết hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc các tổ chức khác trong việc giải quyết việc làm, tạo việc làm cho LĐNT mới cho phép tổ chức lớp học. Có như thế, việc triển khai thực hiện đề án mới đảm bảo được tính hiệu quả”.

Dạy nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ tốt thì mới thật sự đem lại hiệu quả và là giải pháp giữ chân LĐNT theo phương châm ly nông nhưng không ly hương. Đây cũng là một trong những đội ngũ đắc lực góp phần phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Bài, ảnh: QUYÊN CHI